Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

TÂM CUNG KÍNH - BÌNH THƯỜNG HÓA MỌI THỨ


TÂM CUNG KÍNH
BÌNH THƯỜNG HÓA MỌI THỨ

Giảng vào ngày 11/5/14
Phiên tả: An Long Minh


Người đem tâm cung kính
Mà phụng sự chúng sinh
Bằng chuyển hóa khổ đau,
Bằng giải trừ địa ngục,
Đây có thể gọi là
Biết cúng dường Địa Tạng.

Người đem tâm cung kính
Mà cúng dường chúng sinh
Bằng tâm từ, tâm bi,
Bằng tình thương vô lượng,
Đây có thể gọi là
Biết cúng dường Quán Âm.

Người đem tâm cung kính
Mà hành trì chánh pháp
Bằng thu nhiếp thân tâm
Đến giải thoát tận cùng,
Đây có thể gọi là
Biết cúng dường Chư Phật.
           
Tâm cung kính là tâm hết sức khiêm nhường. Khi mình thực tập, một trong những hạnh phải thực tập là hạnh khiêm cung. Hạnh khiêm cung giúp mình sẵn sàng lắng nghe tất cả mọi người và từ việc lắng nghe đó, mình có thể học được dù ít dù nhiều từ đối tượng A, đối tượng B, từ vị thầy này, vị thầy kia, từ bậc thiện tri thức này, bậc thiện tri thức kia. Cái ngã mạn, cái tôi trong mình sẽ từ từ chuyển hóa. Thật ra không có gì gọi là ngã, không có gì gọi là tôi, tất cả chỉ là ý niệm. Do tham chấp mà nó biểu hiện ra và mình cho nó là ngã và mình cho nó là tôi. Ví dụ mình cho rằng thân này là mình, là của mình nên mình cung phụng và đòi hỏi sự hưởng thụ cho thân này rất nhiều. Chính vì thế, việc thực tập bị giảm dần và đi thụt lùi, mình không đi hướng lên mà lại đi hướng xuống. Có thể lắng nghe được tất cả mọi người thì mình sẽ có đời sống rất khiêm hạ, mình không cần phải cho mình là số một, cho mình đi lên đỉnh cao. Mình không cần phải là người giỏi nhất, không cần phải là hàng “top ten”, không cần là một ngôi sao. Mình chỉ có thể là một hòn sỏi ở trên đường thôi. Nhưng hòn sỏi đó có thể lót đường cho nhiều người đi và người ta không bị té, người ta không bị bùn nhơ dính khi đi trên con đường lầy lội. Hoặc mình chỉ cần là một bông hoa nhỏ trên đường. Ví dụ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có cuốn sách với tựa đề là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Cuốn sách có tựa đề rất giản dị. Nhiều khi mình chỉ cần là một hoa vàng nhỏ bé trên bãi cỏ xanh như vậy, nhưng lại cống hiến cho sự sống rất nhiều.

Sự thực tập mặc dù còn nhỏ bé nhưng có thể đóng góp phần nào vào sự bình an của mình. Và chính sự bình an đó giúp cho vạn vật xung quanh được bình an. Vì bình an có năng lượng của sự lan tỏa. Cũng vậy, giận dữ cũng có sức lan tỏa. Khi giận dữ, mình sẽ truyền năng lượng nóng đó ra xung quanh và nóng ấm toàn cầu. Người ta cho rằng: nóng ấm toàn cầu là do sản xuất và các nhà máy thải khí CO2 vào trong tầng khí quyển. Tầng khí quyển tạo ra hiệu ứng nhà kính và nhiệt độ của địa cầu nóng lên. Nhưng mà nguyên nhân sâu xa của việc sản xuất đó là gì? Bởi vì tiêu thụ quá mức nên phải sản xuất nhiều. Sản xuất nhiều mà không tôn trọng môi trường thì sẽ gây hại cho môi trường. Một người nóng giận cũng vậy, nhiệt độ cơ thể gia tăng và năng lượng nóng bên trong người đó và xung quanh người đó cũng gia tăng theo, tỏa một sức nóng vào môi trường. Và nếu như một đám đông đang nổi giận, thì cái nổi giận đó có thể dẫn đến chiến tranh.

Tâm cung kính không chỉ đơn thuần là tôn trọng một đối tượng nào đó. Ví dụ mình nói là “cung kính Phật”, không chỉ đơn thuần là tôn trọng Phật, tán thán Phật, ngưỡng mộ Phật, quay về nương tựa Phật, mà còn có nghĩa là phải khiêm hạ. Lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe, học hỏi hành trì miên mật. Bởi vì sự hành trì của mình không bao giờ là đủ. Không phải mình thực tập hết 16 bài thiền tuệ là giỏi mà phải hiểu rằng nhiều người chỉ mới thực tập bài số 1 đã có thành tựu. Nguyên nhân là họ đã tu thiền rất nhiều kiếp trước đó và phước báu rất lớn nên kiếp này chỉ còn chờ thêm chút xíu nữa thôi. Ngồi nghe Đức Phật giảng pháp là người đó có thể đắc đạo Tu Đà Hoàn. Mình đọc kinh không thể hiểu được tại sao có những người ngồi nghe Đức Phật giảng một thời pháp, người đó đã đắc đạo Tu Đà Hoàn. Bây giờ mình biết họ đã tu hằng hà sa số kiếp trước đó và chỉ cần thêm một ít công đức nữa thôi. Bài pháp của Đức Phật là sự trợ duyên để giúp họ thành tựu.

Phụng sự chúng sinh là phụng sự Đức Phật, phụng sự chính mình. Mà cách phụng sự chúng sinh hay nhất là tu tập. Mình thực tập thiền tuệ, thực tập giữ giới, thực tập duy trì định, thực tập duy trì phát triển tuệ, thì lúc đó năng lượng Phật trong mình ngày càng tăng trưởng và năng lượng chúng sinh trong mình giảm dần đi hoặc được chuyển hóa. Trong chúng sinh có năng lượng Phật trong đó. Mình hay để cho năng lượng chúng sinh dày đặc, sâu dày ở trong thân và trong tâm cho nên không thấy được năng lượng Phật đang rất mềm mại, rất dễ thương, đang rất từ bi, đang rất mầu nhiệm ở trong thân và trong tâm. Hạnh của Địa Tạng là hạnh phụng sự chúng sinh, một người mà lúc nào cũng đem cái tâm, đem cái thân phụng sự chúng sinh. Một người làm như vậy là đang thực tập hạnh Địa Tạng. Thực tập hạnh Địa Tạng xuyên suốt, người đó chính là Bồ tát Địa Tạng. Bồ tát Địa Tạng không phải là một ông cầm một cái gậy đứng trước cửa địa ngục mà lúc nào cũng canh me đập tan cái địa ngục đó. Như vậy là kẹt vào tướng. Địa Tạng là một phương tiện.

Địa là đất. Thực tập hạnh của đất là thực tập hạnh Địa Tạng. Hạnh của đất là gì? Dù người ta trồng hoa thơm cỏ lạ, trồng hoa màu, các loại thảo mộc thì đất vẫn tiếp nhận. Nếu người ta quăng rác rưởi hôi thối vào trong đất, người ta khạc nhổ, rồi người ta làm ô nhiễm đất thì đất vẫn chấp nhận, đó là hạnh của đất. Hạnh của đất là chấp nhận những thứ thanh tịnh lẫn những thứ bất tịnh. Người tu không phải là đi tầm cầu những cái thanh tịnh mà ghét bỏ bất tịnh, mà mình bình thường hóa mọi thứ. Mình bình thường hóa bất tịnh và bình thường hóa thanh tịnh. Phải hiểu nguyên nhân vì đâu nó thanh tịnh, vì đâu nó bất tịnh. Ngăn ngừa tất cả những nguyên nhân đó thì không có gì gọi là thanh tịnh và cũng không có gì gọi là bất tịnh nữa. Mình không còn kẹt vào ý niệm gọi là thanh tịnh, cũng không kẹt vào ý niệm gọi là bất tịnh.

Địa ngục không phải là một cõi như chúng ta thường nghĩ tới. Nó không phải là nơi có những tên đầu trâu mặt ngựa hoặc là những tên quỷ sứ cầm thanh sắt nóng dụi lên người bị đọa. Địa ngục thực ra là sự biểu hiện do tâm địa ngục mà ra. Tâm ô nhiễm thì môi trường ô nhiễm biểu hiện ra, hoặc là tấm thân ô nhiễm biểu hiện ra. Địa ngục ở đây là tập hợp của những khổ đau. Cho nên muốn giải trừ địa ngục phải chuyển hóa những khổ đau đang mắc phải. Chuyển hóa khổ đau không phải là trốn chạy khổ đau. Ví dụ như mình ở một nơi mọi người lúc nào cũng ăn hiếp mình, bắt nạt mình thì mình chuyển hóa khổ đau bằng cách trốn khỏi chỗ đó. Đây không phải là chuyển hóa khổ đau. Chuyển hóa khổ đau là nhìn ra được nguyên nhân của khổ đau là gì, tại sao mình khổ. Mình khổ có phải vì người đó nói những lời nghe chói tai hay không. Hay là do tâm chưa chấp nhận được và mình chưa bình thường hóa được tất cả những lời nói dễ chịu hay khó chịu. Nỗi khổ không phải do người A hay người B mang tới, thông thường những khổ đau do tự thân trong mình phát triển ra. Có thể là do nghiệp, có thể do mình đã hun đúc những nguyên nhân dẫn tới khổ đau đó, có thể là do mình chưa nhận diện được nguyên nhân và có thể là do mình không biết cách để chuyển hóa khổ đau. Khổ đau cứ thế mà xây nhà cao tầng.

Đập tan địa ngục có nghĩa là chuyển hóa, chấm dứt tâm địa ngục trong mình. Và đập tan địa ngục chính là chuyển hóa địa ngục và những khổ đau đang đầy dẫy ở trong mình. Khổ đau phát khởi thì hãy thực tập để chuyển hóa khổ đau đó và đừng để khổ đau đó tái diễn ra nữa, đừng để cho địa ngục tái diễn ra nữa. Ví dụ một người biết là uống nước đá, nước lạnh hoặc ăn kem, ăn kẹo, đồ ngọt quá nhiều mà không đánh răng kĩ càng thì răng sẽ bị hư. Mình chữa răng rồi mình lại đi tìm kiếm những món đó. Răng bị hư hư nữa và răng mình bị nhức, bị đau, bị sâu tiếp. Khổ đau xuất hiện trở lại, địa ngục biểu hiện trở lại. Những người bị bệnh ung thư phải chịu đau đớn ngày đêm, những người đó đang sống trong địa ngục. Năm 2014, người dân Ucraina lúc nào cũng sống trong nơm nớp lo sợ, lo sợ nội chiến, lo sợ chiến tranh, lo sợ chết chóc. Họ đang sống trong địa ngục.

 Một người đem tâm cung kính để chuyển hóa tính chúng sinh trong mình, chuyển hóa phiền não, chuyển hóa khổ đau, buông bỏ tâm bất thiện lúc nào cũng phát khởi lên, giải trừ hoàn toàn địa ngục, giải trừ những tâm đòi hỏi tạo nghiệp ác, thì người này biết cách cúng dường Địa Tạng. Cúng dường Địa Tạng không phải là dâng hoa, dâng hương hoặc là ngồi tụng Kinh Địa Tạng mà cúng dường Địa Tạng là thực tập hạnh Địa Tạng. Thực tập hạnh Địa Tạng tức là cúng dường Địa Tạng. Người có thể đi vào những nơi hiểm nạn nhất mà vẫn có thể làm việc, vẫn có thể thực tập, vẫn có thể giúp đỡ chúng sinh, thì đó là Địa Tạng, là cúng dường Địa Tạng. Vị đó chính là một vị Địa Tạng. Ví dụ những người đi vào trại phong để chăm sóc những bệnh nhân phong, biết rằng có thể nhiễm bệnh, nếu bị bệnh rồi có thể bị người thân, gia đình, bạn bè ghét bỏ nhưng mà họ vẫn cứ đi vào trại phong như thế để chăm sóc những bệnh nhân phong và không xá gì thân mạng của mình, không xá gì sức khỏe của mình. Đây là những vị Địa Tạng, sẵn sàng đi vào nơi khó khăn nhất để thực tập.

Thầy Phú Lâu Na cũng là một vị Địa Tạng. Thầy đi vào những nơi mà người dân rất dữ dằn, hành xử rất côn đồ, có thể bị đánh đập, có thể bị chém giết, có thể bị lấy mạng sống. Nhưng thầy vẫn chấp nhận, sẵn sàng xung phong đi vào nơi như thế để giáo hóa và cứu độ chúng sinh. Với suy nghĩ như vậy, thầy Phú Lâu Na xứng danh là một Địa Tạng.

Người đem tâm cung kính mà lắng nghe chúng sinh bằng tâm từ, tâm bi, bằng tình thương vô lượng, có thể được gọi là biết cúng dường Quán Âm. Niệm "Nam mô Bồ Tát Quán Thế Âm", không phải mình kêu Bồ Tát đến cứu mình mà để nhắc nhở mình thực tập hạnh Bồ Tát Quán Thế Âm. "Quán Thế Âm" là quán chiếu âm thanh, cho dù âm thanh đó là âm thanh khó chịu, hay là âm thanh dễ chịu, mình vẫn cứ lắng nghe bằng một tâm từ, tâm bi. Mà tâm từ, tâm bi chưa đủ, mình phải thực tập tâm đại từ, tâm đại bi. Lắng nghe chúng sinh không mệt mỏi và bằng tình thương vô lượng, có nghĩa là tình thương không biên giới, một trái tim không biên giới. Tất cả mọi thứ mình đều ôm vào lòng, ôm cả Trung Quốc, ôm cả những người đứng đầu chính phủ Trung Quốc. Mình ghét tội lỗi chứ không ghét người gây ra tội lỗi. Tội lỗi là đáng ghét, người gây ra tội lỗi đáng thương hơn là đáng trách, bởi vì họ đang bị sai sử bởi tâm tham. Sắc pháp của họ đã bị những sở hữu tâm bất thiện sai sử. Những sở hữu tâm bất thiện không thể tự hành động được nên phải nương nhờ vào sắc pháp để hành động. Nó nương nhờ vào ông tên như thế này, nương vào bà tên như thế này, phải nương vào giàn khoan, nương vào tàu chiến, tàu gây hấn, máy bay để làm thỏa mãn sở hữu tâm bất thiện đó.

Mình học nhân quả, biết là người nào gieo những nhân gì thì sẽ nhận những quả đó. Thậm chí những quả đó còn mạnh hơn rất nhiều lần. Nói "gieo nhân gì gặp quả nấy" thì đúng nhưng chưa đủ, phải nói là "gieo nhân gì sẽ gặp hằng hà sa số quả nấy". Ví dụ tại sao một tên cướp của giết người, nếu nói "gieo nhân nào gặp quả nấy" thì sẽ đền mạng, giết một mạng người đền một mạng người, thì điều này không đủ. Giết một mạng người phải đền hằng hà sa số mạng. Tại sao vậy? Một người mang trong mình yếu tố của ba mẹ, yếu tố của ông bà, của tổ tiên, mà ba mẹ là hằng hà sa số ba mẹ, ông bà là hằng hà sa số ông bà, tổ tiên là hằng hà sa số tổ tiên trong người đó, chưa kể người đó đã từng tu tập, yếu tố Phật đang trỗi dậy trong lòng người đó. Nếu như tình thương của người đó rải khắp nơi mà mình giết một mạng người có tình thương rải khắp nơi thì tên cướp giết người này phải trả hằng hà sa số kiếp ở cõi địa ngục, không biết bao giờ mới ra. Hoặc là ông Angolimala đã giết 999 người, thế thì tại sao ông ấy không đền 999 mạng mà ông ta chỉ bị chửi rủa, đánh đập, bị ghét bỏ? Đó là nhờ công tu tập của ông ấy. Quả vị A La Hán và năng lượng tu tập đã giúp cho ông ấy chuyển hóa hầu như toàn bộ nghiệp sát sinh. Ông ta chỉ bị đánh đập và chỉ bị chửi rủa thôi.

Một tình thương rải đi, hằng hà sa số chúng sinh ở mười phương được hưởng và công đức của người thực tập rải tâm từ lớn không biết bao nhiêu mà kể. Cũng vậy, một người rải đi tâm bất thiện thì tội cũng nặng không biết bao nhiêu mà kể. Mình không cần đi biểu tình, vì lúc đi biểu tình, trong tâm mình là tâm sân đầy dẫy trong đó. Lắng nghe bằng tâm từ và tâm bi, và vì thương mà lắng nghe, vì cảm thương vô bờ mà lắng nghe, vì thấu hiểu được nỗi khổ của chúng sinh mà lắng nghe. Bất cứ chúng sinh nào, bất cứ người nào thực tập hạnh lắng nghe từ đầu cho tới cuối, thực tập hạnh lắng nghe không mệt mỏi, đem tâm từ và tâm bi ra mà lắng nghe, thì người đó chính là Bồ Tát Quán Thế Âm không sai khác.

Chúng ta ai cũng có khả năng lắng nghe như vậy. Nếu như thực tập lắng nghe bằng tâm từ, tâm bi thì mình vẫn có thể là một vị Bồ tát Quán Thế Âm và năng lượng Bồ tát Quán Thế Âm sẽ trỗi dậy trong mình. Có một người đàn ông chạy xe gắn máy đang đi giữa đường thì bị bể bánh xe. Ông ta đã dẫn xe đi xa một đoạn rồi mà vẫn không thấy tiệm sửa xe nào, cho nên ông ta vừa đi vừa niệm Bồ tát Quán Thế Âm. Đi được một đoạn thì ông ta thấy tiệm sửa xe. Sau khi vá xe xong thì ông vá xe xin tiền vá xe. Người này đưa tay vào túi mới thấy là mình quên mang bóp tiền nên mới đưa lời xin lỗi ông vá xe, xin hẹn lại hôm sau đi lại con đường này sẽ trả tiền cho ông vá xe. Trong lòng ông rất lo lắng không biết ông vá xe có la mắng hay từ chối hay không. Không ngờ ông vá xe cười xí xóa và nói, Được rồi, ngày mai ông có thể trở lại và trả tiền cũng được, ông đi đi, ông đi làm công việc của ông đi. Người xe bị hỏng mới chạy xe đi, trong lúc đi ông mới nghĩ là niệm Bồ tát Quán Thế Âm có thấy Bồ tát Quán Thế Âm đâu, chỉ thấy ông sửa xe thôi, như vậy là Bồ tát Quán Thế Âm đâu có linh. Ông này bị kẹt vào tướng. Nhìn bằng đôi mắt vô tướng thì sẽ thấy ông vá xe chính là Bồ tát Quán Thế Âm. Tâm thiện lành phát khởi khi niệm Bồ tát Quán Thế Âm mà có duyên gặp ông vá xe và do quên mang tiền, ông ấy cũng xí xóa cho mình để bữa khác đem tới trả tiền cũng được. Ông vá xe chính là một vị Bồ tát Quán Thế Âm.

Trong gia đình, mình ngoan ngoãn thì người đó thương mình, không ngoan ngoãn, hư hỏng nhưng người đó vẫn cứ thương mình. Mình có hạnh phúc thì người đó vui với hạnh phúc của mình. Mình khổ đau, người đó thông cảm và chia sẻ. Người đó là ai? Là những người ba, những người mẹ trong gia đình. Ba mẹ chính là những vị Bồ tát Quán Thế Âm. Ba mẹ là người thật, việc thật, những vị Bồ tát Quán Thế Âm còn sống. Có một câu chuyện gọi là “Quan Âm tóc rối”, người ta cứ đi tìm những vị Bồ tát Quán Thế Âm bằng những hình tướng, bằng những câu chuyện, bằng những bức tượng, bằng những tranh ảnh. Cuối cùng ta mới nhận ra ba mẹ chính là Bồ tát, có mặt trong đời mình để cứu rỗi những đứa con vẫn còn lầm lạc, vẫn còn đi sai đường mà mình không biết, mình lo đi chạy tới những nơi xa lắc để tìm kiếm những vị Bồ tát ở trên mây. Trong đời sống thực, những vị lắng nghe bằng tình thương hết mực, những vị đó là những vị Phật, những vị Bồ tát mà mình cần phải đem tâm cung kính để cúng dường. Một người biết lắng nghe, biết thực tập tâm đại từ đại bi, biết thực tập kham nhẫn, thì vị đó là Bồ tát Quán Thế Âm và vị đó đang thực tập để cúng dường Bồ tát Quán Thế Âm. Cúng dường bằng thực tập như vậy gọi là cúng dường cao thượng. Lễ Phật Đản, để cúng dường cho đức Phật hay nhất là mình hãy đem tâm tu ra mà cúng dường chư Phật. Không có gì hay bằng đem tâm tu cúng dường chư Phật cả. Tâm tu đó không thể tính bằng tiền, không thể tính bằng những giá trị vật chất, bởi vì tâm tu của một người tu là vô lượng, là hết sức đẹp đẽ, là một trang sức nguy nga tráng lệ nhất mà không có một tài sản, không có một giá trị vật chất nào có thể đo lường được.

Thực tập thiền quán tính không đáng dính mắc, không đáng tham cầu của ngôi nhà, của chiếc xe, của danh vọng cho tới khi nào mình chứng được tuệ giác là: tất cả vật chất đó là không còn đáng dính mắc, không còn đáng tham cầu nữa. Tâm sẽ buông bỏ, không còn dính mắc vào tài sản, vật chất và tiện nghi tinh thần. Lúc này, mình sẽ an nhiên, không bị dục nào lôi kéo được nữa. Hãy đem năm dục ra mà quán, để thấy được là năm dục không đáng để dính mắc và không đáng tham cầu. Xin chia buồn cho tất cả những người đi vào con đường của năm dục và xin chúc mừng tất cả những người buông bỏ năm dục.

Người đem tâm cung kính mà hành trì chánh pháp bằng thu nhiếp thân tâm đến giải thoát tận cùng, đây có thể gọi là biết cúng dường chư Phật. Chánh niệm là Bụt hay chánh niệm là Phật. Thực tập chánh niệm tức là đang thu nhiếp thân tâm, đem tâm trở về với thân và nhận diện những gì đang diễn ra bên trong, bên ngoài thân tâm, không để bị kẹt vào hoàn cảnh. Sử dụng Tứ niệm xứ thực tập thu nhiếp thân tâm cho đến khi thân tâm nhất như. Thân và tâm là một thì có thể theo dõi tâm đang suy nghĩ cái gì, đối tượng suy nghĩ có đi về hướng của bất thiện hay không, thân có đi về hướng bất thiện hay không. Thân còn đòi hỏi sự hưởng thụ thì vẫn còn ngụp lặn trong năm dục, lúc này bể khổ, địa ngục, phiền não chắc chắn còn khởi ra, bệnh tật và đau đớn trong thân và trong tâm chắc chắn sẽ còn xảy ra.

Hãy thực tập giải thoát đến tận cùng, hãy làm cho những tế bào của thân, những tế bào của tâm giải thoát hết. Mà giải thoát ở đây là giải thoát gì? Giải thoát tất cả những dính mắc vào việc hưởng thụ dục lạc, giải thoát tất cả ý niệm mà khiến cho tà hạnh tăng trưởng trong việc hưởng thụ dục lạc. Giải thoát cho đến khi không còn gì để mà giải thoát nữa, thì đó là giải thoát tận cùng, giải thoát một cách triệt để. Tu tập không phải để lấy bằng tiến sĩ hay lên hàng giáo phẩm nào đó mà mục tiêu tối thượng của người tu là giải thoát. Trước khi hành thiền, hãy nguyện là “Con xin nguyện thực tập giải thoát ngay trong phút giây hiện tại này và con xin nguyện giải thoát đến tận cùng”. Thực tập giải thoát và đã thực sự giải thoát là biết cúng dường chư Phật.

Niết Bàn không phải là cõi mà là tự tính. Tự tính của vạn pháp. Tất cả các pháp đều có Niết Bàn. Ví dụ không sinh, không diệt, là trí tuệ Bát Nhã. Người chứng được trí tuệ Bát Nhã thì tiếp xúc được với Niết Bàn. Tâm của người đó đã hoàn toàn thanh tịnh, không có một vết nhơ, không còn khởi lên pháp bất thiện, hoàn toàn vô lậu. Đây là tâm Niết Bàn. Tâm Niết Bàn thì Niết Bàn sẽ biểu hiện ra. Thực tập Phật Giáo mà nói về cõi Niết Bàn, cõi Tịnh Độ thì đó là cõi ma. Tịnh Độ và Niết Bàn không phải là cõi mà là tự tính, tự tính Tịnh Độ, tự tính Niết Bàn. Thực tập để khám phá, để tìm về tự tính. Tự tính của vạn pháp là Niết Bàn - là không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không thành, không bại, không tới, không đi thì mình tầm cầu cái gì nữa. Tại sao còn tầm cầu? Mình chưa thể là người vô sự bởi vì tầm cầu quá mức, khổ đau càng sâu dày. Bộ mặt thật của những đối tượng mình tầm cầu là sự mỹ miều của khổ đau. Khổ đau có vẻ hào nhoáng bên ngoài, mang dáng vẻ của mỹ miều, của hào nhoáng. Ví dụ, mình chạy theo sắc dục, thường sắc dục trá hình bằng thân thể đẹp đẽ, bằng mùi hương quyến rũ, bằng mùi vị ngon ngọt, bằng xúc chạm dễ chịu, bằng những pháp rất hay, rất thú vị. Nhưng đó chỉ là vẻ hào nhoáng bên ngoài. Kẹt vào vẻ hào nhoáng đó thì kẹt vào thế giới ảo không có thực.

Ảo đồng nghĩa với phiền não, phiền não dẫn tới khổ đau. Giống như có người thích ngắm nhìn mình ở trong gương, giống như mụ phù thủy trá hình là hoàng hậu. Hỏi, "Gương kia ngự ở trên tường, thế gian này ai đẹp dường như ta?", thì gương trả lời, "Trên thế gian này hoàng hậu là người đẹp nhất", và mụ phù thủy tự mãn về vẻ đẹp của mình. Mụ phù thủy có tâm phù thủy trổ ra thì thân hình càng ngày càng xấu xí đi và bà ấy đã sử dụng phép thuật làm cho thân hình đẹp đẽ trở lại. Mụ lại hỏi, "Gương kia ngự ở trên tường, thế gian này có ai đẹp như ta?". Lúc này, nàng Bạch Tuyết đã trở thành thiếu nữ và vẻ đẹp của nàng rất trong trắng, tinh khôi nên gương mới nói rằng, "Trên thế gian này hoàng hậu là người đẹp nhưng nàng Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn". Sau này, nàng Bạch Tuyết già đi, thế gian sẽ xuất hiện nàng Bạch Tuyết khác nữa và nàng Bạch Tuyết phiên bản mới này sẽ còn muôn phần đẹp hơn phiên bản cũ. Nếu nàng Bạch Tuyết phiên bản cũ không lo tu tập và trong tâm phát khởi lên tâm phù thủy và ganh tỵ với nàng Bạch Tuyết phiên bản mới thì tâm phù thủy sẽ biến nàng Bạch Tuyết thành mụ phù thủy. Sắc thân sẽ tàn hại đi một cách nhanh chóng, sắc thân phù thủy biểu hiện.

Câu chuyện "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" không đơn thuần đề cập cái thiện sẽ thắng cái ác mà còn nói đến tâm ganh tỵ ở trong đó. Tâm ganh tỵ khiến người ta tác ý cho những tội lỗi và làm cho những tội lỗi biến thành sự thật và nghiệp cứ thế trổ ra. Kết quả của nghiệp là gì? Là mụ phù thủy sẽ bị đọa và nàng Bạch Tuyết sẽ hạnh phúc mãi về sau. Câu chuyện nàng Bạch Tuyết hạnh phúc mãi về sau thì có hạnh phúc hay không khi chàng hoàng tử thương nàng Bạch Tuyết ở hình tướng là tóc đen như gỗ mun, môi đỏ như son và da trắng như tuyết. Vài chục năm sau tóc nàng không còn đen nữa, môi nàng không còn đỏ nữa và da nàng đã sần sùi không còn trắng như tuyết nữa thì chàng hoàng tử năm xưa có còn thương nàng nữa không, hay chàng tìm kiếm những nàng Bạch Tuyết mới, có sắc đẹp mang dáng vẻ của công nghệ. Lúc này, nàng Bạch Tuyết phiên bản cũ sẽ đi Hàn Quốc giải phẫu thẫm mỹ để có nhan sắc đẹp đẽ, sẽ đi tắm trắng để da trắng trở lại, đi xăm môi cho môi đỏ trở lại, sẽ đi nhuộm tóc để tóc đen như gỗ mun. Thời đại hiện nay có rất nhiều, hàng trăm, hàng ngàn nàng Bạch Tuyết công nghệ như thế.

Người thế gian chìm đắm trong thân xác công nghệ, rồi kẹt vào vẻ hào nhoáng bên ngoài như thế. Người có tâm giải thoát là giải thoát ra khỏi ý niệm đó là sắc đẹp, đó là cái ta phải tìm cầu, đó là cái ta phải dính mắc. Muốn giải thoát ta phải buông bỏ tất cả các ý niệm đó đi.

Hành trì chánh pháp miên mật, thu nhiếp thân tâm miên mật và đạt quả vị giải thoát là biết cúng dường chư Phật, đây là cúng dường cao thượng nhất. Cho dù xây một triệu bức tượng Phật không bằng một ngày biết tu giới, biết tu tuệ, biết tu định, biết tu thiền. Cho dù lạy Phật một triệu lần nhưng tâm đầy ô nhiễm không bằng một người trong ngày đó có giới, có tuệ, có định, có chánh pháp, có hành trì, có khiêm cung, có lắng nghe, có tâm từ, có tâm bi, có giải trừ địa ngục, có phụng sự chúng sinh, có tâm cung kính.

Con xin đem tâm cung kính để cung kính những người đang thực tập tâm cung kính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét