Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Kinh Thất giác chi


Kinh Thất giác chi

1. Này chư bậc thiện trí khả kính, Chư Thánh cao thượng đã chứng tri bảy pháp gọi là thất giác chi, có khả năng tiêu diệt quân ma, làm tiêu tan tất cả cảnh khổ của những chúng sinh đang sinh tử và luân hồi trong ba giới bốn loài (ba giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới; bốn loài: thai sinh, thấp sinh, noản sinh, hóa sinh).

2. Thất giác chi dẫn đến chứng ngộ Niết bàn cao thượng giải thoát khổ trong ba giới bốn loài thật sự, không sinh, không già, không bệnh hoạn, không có tai họa, cũng không chết. Thất giác chi là chú nguyện vô cùng linh ứng, là linh dược nhiệm mầu hiệu nghiệm, được tổng hợp vô số ân đức và có đầy đủ các đức cao thượng.

3. Đức Thế Tôn là bậc Toàn Tri, đã thuyết giảng bảy pháp giác chi là: niệm giác chi, phân tích giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, an tịnh giác chi, định giác, và xả giác chi. Thực hành bảy pháp giác chi, pháp hành càng được tăng trưởng nhiều, để ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh đạo Thánh quả, chứng đạt Niết bàn cao thượng. Do năng lực lời chân thật này, cầu phước lành thường có đến người.

4. Một thuở nọ, Đức Thế Tôn thấy trưởng lão Mahakassapa và Mahamoggallana lâm bệnh nặng, trầm trọng, thân nhiều khổ sở, ngài đến tận nơi thuyết giảng Thất giác chi tế độ mỗi vị. Hai vị phát sinh tâm hoan hỷ với Bảy pháp giác chi của đức Phật. Chứng bệnh liền khỏi ngay tức khắc. Do năng lực lời chân thật này, cầu phước lành đến cho người.

5. Một thời đức Phật lâm bệnh nặng. Ngài truyền Đại đức Mahacunda rằng, Con hãy tụng bảy pháp giác chi. Đại đức Mahacunda thành kính tụng bảy pháp giác chi ấy vừa xong, đức Thế Tôn vô cùng hoan hỷ, chứng bệnh liền khỏi ngay tức thì. Do năng lực lời chân thật này, cầu phước lành thường có đến người.

6. Phiền não nào bị diệt đoạn tuyệt do bởi Thánh đạo tuệ nào rồi thì phiền não ấy không sinh lại được. Cũng như chứng bệnh của đức Phật, và hai vị Đại đức Trưởng lão, bệnh ba vị đều khỏi hẳn, không bao giờ tái phát lại nữa. Do năng lực lời chân thật này, cầu phước lành thường có đến người.

Chú giải 

7. Niệm giác chi: Chánh niệm là thường xuyên nhớ biết và thấy rõ về biến hành của sắc uẩn (đất, nước, lửa, gió), biến hành của thọ uẩn (cảm giác tùy thuộc vào thực trạng thay đổi không ngừng của tứ đại) và biến hành của tưởng uẩn (tri giác thuận nghịch, chồng chất liên tục lên tâm thức).

8. Trạch pháp/ Phân tích giác chi: Sống như pháp là thuần thục trong quan sát các pháp hữu vi hiện tại như nó đang là. Lúc này, ba nghiệp thân, khẩu, ý đã thanh tịnh.

9. Tinh tấn giác chi: Tinh tấn thực hành các pháp thiện không thụt lùi, không bế tắc, biểu hiện sự tiến bộ thực sự, qua kết quả vững chắc trong pháp hành, không phải là tiến bộ dọ dẫm, mơ hồ, thiếu cơ sở.

10. Hỷ giác chi: Hỷ do thực chứng pháp thiền, đức tin được củng cố, xác nhận pháp đang hành là hữu hiệu và thanh cao. Đây là sự hoan hỷ toàn diện và biết rõ tại sao hoan hỷ toàn diện, đồng thời sự sống giản dị, đạm bạc, tri túc, độc cư được cảm nhận là cần thiết một cách sâu sắc. Vẻ mặt luôn tươi tỉnh, từ ái và thanh tịnh.

11. Khinh an giác chi: Nhẹ nhàng, hân hoan, biết rõ thân tâm thoải mái, không mệt mỏi. Nhục thân không nằm trong giới hạn vật lý, như không chịu đựng bất tiện không gian và thời gian nữa.

12. Định giác chi: An định là tâm hết phóng túng, an trụ trong toàn thân. Tâm ấy thanh tịnh đối diện với mọi biến hành của sắc uẩn và thọ uẩn. Tâm thức chỉ có một cảnh, thấy và quan sát duy nhất một thực tại, và không bị ảnh hưởng bởi những gì đã qua hay sẽ đến. Thực tại như thế nào, tâm thức chứng thật như thế ấy, không có tư tưởng xen vào. Khi đã hoàn toàn thanh tịnh thì tâm chỉ an trú vào một đề mục, không biết đến các đối tượng khác.

13. Xả giác chi: Hết vướng mắc, buông thả, bình đẳng, tự tại, biết rõ pháp giải thoát, buông bỏ các ấn tượng cảm thọ trong tưởng uẩn và an tịnh nơi pháp thiền, thậm chí dửng dưng với cả quả thiền, song hành với đề mục chứ không cột dính vào đề mục, do đó hết biến chấp, bình đẳng, vô lượng, trong sạch hướng đến thành tựu đạo quả.

(Tỳ khưu Hộ Pháp, Bài Kinh Cho người bệnh, Phật giáo nguyên thủy, PL. 2550, TL. 2006)
(Phật tử Tuệ Lạc, Nguyễn Điều, Thất giác chi, Dược pháp) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét