Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Thiền ngồi - Bài số 1


Thiền ngồi – Bài số 1

1. Thở vào, bụng phồng lên, niệm “phồng à”.
Thở ra, bụng xọp xuống, niệm “xọp à”.
Thở vào, ghi nhận bụng phồng lên, niệm “phồng à”.
Thở ra, ghi nhận bụng xọp xuống, niệm “xọp à”.
Thở vào, phồng à.
Thở ra, xọp à.
Suy nghĩ đến một đối tượng nào đó, niệm “phóng tâm à”.
Không còn suy nghĩ đến đối tượng nào đó, niệm “hết phóng tâm à”.

2. Ngồi theo tư thế kiết già, sau khi điều thân, hành giả bắt đầu quán sát sự phồng xọp của bụng. Tâm đặt nơi bụng, khu vực đan điền, dưới rốn khoảng 2-3cm, tùy theo cơ địa của mỗi người.

3. Chú tâm vào đan điền, ghi nhận sự phồng lên xọp xuống của bụng. Thở chủ yếu là thở bằng bụng. Thở vào, bụng phồng lên, ghi nhận sự phồng lên của bụng và niệm “phồng à”. Thở ra, bụng xọp xuống, ghi nhận sự xọp xuống của bụng và niệm “xọp à”. Niệm bằng tâm không nhất thiết phải nhép miệng hay thành tiếng.

4. Niệm “phồng à, xọp à” thì bụng phồng lên là nhân và bụng xọp xuống là quả, và tiếp theo bụng xọp xuống là nhân và bụng phồng lên là quả. Phồng lên xọp xuống và xọp xuống phồng lên cứ nối tiếp nhau, vì thế nhân quả và quả nhân cũng nối tiếp nhau. Điều này cũng minh chứng cho sự vô thường. Bụng không thể phồng mãi mà đến lúc phải xọp xuống. Cũng vậy, bụng không thể xọp mãi mà đến lúc phải phồng lên.

5. Trong lúc ghi nhận phồng xọp mà phát sinh suy nghĩ đến một đối tượng nào đó như hình ảnh của Phật, mẹ, con vật, đồ vật hay một hiện tượng thì niệm “phóng tâm à”. Niệm như vậy liên tục cho tới khi việc suy nghĩ đến đối tượng không còn nữa thì niệm “hết phóng tâm à”. Đối tượng phóng tâm cũng mang tính chất vô thường vì phóng tâm đến lúc nào đó cũng hết phóng tâm. Lúc này, hành giả quay trở lại theo dõi phồng xọp của bụng.

6. Ngồi một hồi thấy mỏi lưng, tê chân, nhức mông thì niệm “mỏi à”, “tê à”, “nhức à” cho đến khi sự mỏi, sự tê, sự nhức không còn nữa. Tuy nhiên việc niệm vẫn chưa giúp cho cơ thể bớt đau nhức thì nên xả thiền và xoa bóp tay, chân và cơ thể để máu huyết lưu thông. Ghi nhận các cử động khi xoa bóp và niệm “xoa bóp à”. Không còn xoa bóp nữa thì niệm “không xoa bóp à”. Hành giả quay trở lại thực tập tiếp sau đó.

7. Có lúc niệm "phồng à, xọp à" rồi nó mất, mất là thấy không niệm nữa hoặc quên niệm. Hành giả có trí nhớ, biết mất hoặc biết quên, niệm "biết à". Nếu phồng xọp không trở lại, niệm "biết à" thì phồng xọp trở lại như cũ, tức là nhận ra phải niệm phồng xọp. Trường hợp phồng xọp mất, nên chú tâm ở bụng và nhớ rằng niệm là nhân, biết là quả.

8. Niệm "phồng à" thấy bụng phồng lần lần, đến một mức nào phồng không được nữa, là khổ, tức nhiên phải xọp, niệm "xọp à". Xọp đến một mức nào, chịu không được, là khổ, phải phồng lại, ... Có lúc niệm thấy phồng xọp rất nhanh, có lúc phồng xọp rất chậm, có lúc phồng xọp mất, đó là sự vô thường của hơi thở. Hành giả nhận thấy tự mình không điều khiển được hơi thở, đó là vô ngã.

9. Ngồi niệm phồng xọp, thấy nhiều cảnh vật, ánh sáng, sông núi, chùa, tháp, có khi thấy ba mẹ, thấy Phật, như đã nói ở trên. Nếu niệm "thấy à" hoặc “phóng tâm à” mà các hiện tượng lâu mất, có nghĩa là chưa đạt được tuệ thấy sinh diệt của danh sắc. Nếu niệm "thấy à" hoặc “phóng tâm à” mà các hiện tượng mất liền, thì đạt được tuệ thấy sinh diệt của danh sắc. Các ấn chứng phát sinh lên cho thấy là sắc, biết sự phát sinh này là danh. Khi niệm "thấy à" mà ấn chứng mất là diệt. Đó là sự sinh diệt của danh sắc.


10. Thực tập cho đến khi thuần thục và đạt đến mức độ an trụ tâm tốt đẹp, lúc này hành giả có thể qua bài tiếp theo.  

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Kinh PHÁP DIỆT TẬN


Kinh PHÁP DIỆT TẬN 

1. Như thật tôi nghe, một thời Đức Phật ở thành Câu-thi-na. Như Lai sẽ nhập niết-bàn trong vòng ba tháng nữa, nên các tỷ-khưu, tỷ-khưu ni cũng như vô số các loài hữu tình đến để cung kính đảnh lễ. Thế tôn tĩnh lặng , ngài không nói một lời và hào quang không xuất hiện. Ngài A-nan cung kính đảnh lễ và hỏi:
“Bạch Thế tôn, từ trước đến nay khi nào Thế tôn thuyết pháp, ánh sáng oai nghi của Thế tôn đều tự nhiên xuất hiện, nhưng hôm nay trong đại chúng, không thấy ánh hào quang ấy từ Thế tôn tỏa ra nữa, chắc hẳn có nhân duyên gì, chúng con mong muốn nghe Đức Thế tôn giảng giải.”
2. Đức Phật vẫn im lặng không trả lời, cho đến khi A-nan cầu thỉnh đến ba lần, lúc đó Đức Phật mới bảo A-nan:
“Sau khi Như Lai nhập niết-bàn, khi giáo pháp bắt đầu suy yếu, trong đời ngũ trược ác thế, ma đạo sẽ rất thịnh hành, ma quỷ biến thành sa-môn, xuyên tạc phá hoại giáo pháp của ta. Chúng mặc y phục thế tục, ưa thích y phục đẹp đẽ, cà sa sặc sỡ; uống rượu, ăn thịt; giết hại sinh vật tham đắm mùi vị; không có lòng từ, thường mang sân hận, đố kỵ lẫn nhau.
3. “Vào lúc ấy, sẽ có các vị Bồ-tát, Bích-chi Phật, A-la-hán hết sức tôn kính, siêng năng tu đức, được mọi người kính trọng tiếp đãi, họ đều giáo hóa bình đẳng. Những người tu đạo này thường cứu giúp kẻ nghèo, quan tâm người già, cứu giúp người gặp cảnh nghèo cùng khốn ách. khuyến khích mọi người thờ phượng, hộ trì kinh tượng. Họ thường làm công đức, hết lòng từ bi làm lành, không hại kẻ khác. hy sinh giúp đỡ không tự lợi mình , thường nhẫn nhục nhân hòa.
4. “Nếu có những người như vậy, thì các tỷ-khưu tà ma đều ganh ghét họ, ma quỷ sẽ nổi ác phỉ báng, xua đuổi trục xuất các vị tỷ-khưu chân chính ra khỏi tăng viện. Sau đó, các tỷ-khưu ác ma này không tu đạo đức, chùa chiền tu viện sẽ bị hoang vắng, cỏ dại mọc đầy. Do không chăm sóc bảo trì, chùa chiền trở thành hoang phế và bị lãng quên, các tỷ-khưu ác ma sẽ chỉ tham lam tài vật tích chứa vô số của cải không chịu buông bỏ, không tu tạo phước đức.
5. “Vào lúc đó các ác ma tỷ-khưu sẽ buôn bán nô tỳ để cày ruộng, chặt cây đốt phá núi rừng, sát hại chúng sanh không chút từ tâm. Những nam nô trở thành các tỷ-khưu và nữ tỳ thành tỷ-khưu ni không có đạo đức, dâm loạn dơ bẩn, không cách biệt nam nữ. Chính những người này làm đạo suy yếu phai dần. Những người chạy trốn luật pháp sẽ tìm đến quy y trong đạo của ta, xin làm sa-môn nhưng không tu giới luật. Giữa tháng cuối tháng tuy có tụng giới, nhưng chỉ là trên danh nghĩa. Do lười biếng và phóng dật, không còn ai muốn nghe nữa. Những ác sa-môn này sẽ không muốn tụng toàn văn bản kinh, tóm tắt đoạn đầu và cuối bản kinh theo ý của họ. Chẳng bao lâu, việc tụng tập kinh điển cũng sẽ chấm dứt. Cho dù vẫn còn có người tụng kinh, nhưng họ lại không hiểu câu văn. vẫn khăng khăng cho họ là đúng, tự phụ, kiêu căng mong cầu danh tiếng, ra vẻ tao nhã để mong cúng dường.
6. Khi mạng căn của các ma ác tỷ-khưu này chấm dứt, thần thức của họ liền đọa vào địa ngục A-tỳ. Đã phạm phải 5 tội trọng, nên họ phải tái sinh liên tục chịu khổ trong loài quỷ đói và súc sinh. Họ sẽ nếm những nỗi thống khổ trong vô số kiếp nhiều như cát sông Hằng. Khi tội hết, họ sẽ tái sinh ở những vùng biên địa, nơi không có Tam bảo lưu hành.
7. “Khi chánh pháp sắp biến mất, phụ nữ sẽ trở nên tinh tấn và thường làm việc công đức. Đàn ông sẽ trở nên lười biếng và sẽ không còn ai giảng pháp . Những vị sa-môn chân chính sẽ bị xem như đất phân và không ai tin ở các vị ấy nữa. Khi chánh pháp sắp suy tàn, chư Thiên sẽ bắt đầu khóc lóc, sông sẽ khô cạn và năm thứ cốc loại không chín (mất mùa, đói kém). Bệnh dịch thường xuyên xảy ra, cướp đi vô số mạng người. Dân chúng phải làm việc cực khổ, quan chức địa phương mưu tính lợi riêng, không thuận theo đạo lý, đều ưa thích rối loạn. Người ác gia tăng nhiều như cát dưới biển, người thiện rất ít, hầu như chỉ có được một hoặc hai người.
8. “Khi kiếp sắp hết, vòng quay của mặt trời và mặt trăng trở nên ngắn hơn và mạng sống của con người giảm lại. Bốn mươi tuổi đầu đã bạc . Đàn ông dâm dục, cạn kiệt tinh dịch nên sẽ chết trẻ, thường là trước 60 tuổi. Khi mạng sống của nam giới giảm, thì mạng sống cuả nữ giới tăng đến 70, 80, 90 hoặc đến 100 tuổi.
9. "Những dòng sông lớn sẽ dâng cao bất thường không đúng với chu kỳ tự nhiên, nhưng con nguời không để ý hoặc không quan tâm. Khí hậu khắc nghiệt được xem là điều bình thường. Người các chủng tộc lai tạp lẫn nhau không phân quý tiện, chìm đắm, trôi nổi như cá rùa kiếm ăn. "
10. "Lúc đó các vị Bồ-tát, Bích-chi Phật, A-la-hán bị chúng ma xua đuổi trục xuất không còn cùng dự trong chúng hội . Giáo lý Tam thừa vẫn được lưu hành ở vùng hẻo lánh, những người tu tập vẫn tìm thấy sự an lạc và thọ mạng kéo dài. Chư thiên sẽ bảo vệ và mặt trăng sẽ chiếu sáng họ, giáo pháp Tam thừa sẽ có dịp hòa nhập và chính đạo sẽ hưng thịnh. Tuy nhiên, trong năm mươi hai năm, kinh Thủ-lăng-nghiêm và Kinh Bát-chu Tam-muội sẽ bị sửa đổi trước tiên rồi biến mất. Mười hai bộ kinh sau đó sẽ dần dần bị tiêu trầm cho đến khi hoại diệt hoàn toàn và không bao giờ xuất hiện lại nữa. Văn tự kinh điển sau đó hoàn toàn không được biết đến, giới y của sa-môn sẽ tự bị biến thành màu trắng."
11. "Khi giáo pháp của ta sắp biến mất, cũng giống như ngọn đèn dầu tỏa sáng lên trong chốc lát trước khi tàn lụi, chánh pháp cũng bừng sáng rồi suy tàn. Từ đó về sau khó nói chắc được điều gì sẽ xảy ra."
"Thời kỳ này sẽ kéo dài suốt mười triệu năm. Khi Đức Di-lặc sắp thị hiện ở thế gian để thành vị Phật tiếp theo, các cõi nước đều được hoàn toàn an vui. Khí độc sẽ bị tiêu tán, mưa nhiều và đều đặn, năm thứ cốc loại tươi tốt , cây cối sum suê cao lớn, và loài người sẽ cao đến tám trượng (hơn 24 mét) tuổi thọ trung bình của con người sẽ đến 84.000 năm, chúng sanh được độ khó có thể tính đếm được."
12. Ngài A-nan thưa thỉnh Đức Phật :
"Bạch Thế tôn, chúng con nên gọi Kinh này là gì, và làm thế nào để phụng trì kinh ấy?"
Đức Phật bảo :
"Này A-nan, kinh này gọi là Pháp Diệt Tận. Hãy dạy cho mọi người truyền bá rộng rãi kinh này. Những ai truyền bá kinh nầy, công đức của những người ấy không thể nghĩ bàn, không thể nào tính đếm được."

13. Khi bốn chúng đệ tử nghe nói kinh này rồi, họ đều rất đau lòng và buồn tủi, mỗi người đều phát tâm tu đạo để đạt đến quả vị Thánh tối thượng, họ cung kính đảnh lễ Đức Phật rồi lui ra.

(Thích Nhuận Châu dịch Việt ngữ, Đức Phật thuyết kinh Pháp diệt tận, Đại chánh tạng quyền 13, Hiệt 1118 số 396 Niết Bàn Bộ, xem ngày 22/11/2014, http://www.dharmasite.net/KinhPhapDietTan.htm)