Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Tâm từ cao ngùn ngụt


Tâm từ cao ngùn ngụt
  
Rải tâm từ là sự phát khởi tình thương và chuyển tình thương đó đến người khác. Đối tượng mình rải tâm từ dù ở gần hay xa sẽ nhận được năng lượng mát dịu, tinh thần trở nên dễ chịu, tâm bồ đề thêm vững chãi. Người đang toan tính làm điều sai sẽ ngừng lại, bắt đầu hối hận vời điều sai đã từng làm và không muốn làm điều sai nữa. Người đang đau khổ vơi bớt phần nào những nỗi khổ niềm đau… 

Bản thân người rải tâm từ là người hạnh phúc nhất vì năng lượng tình thương đầy dẫy cả thân và choáng ngợp cả tâm. Tâm từ cho đi nhưng không bao giờ hết mà ngày càng lấp đầy, cao ngùn ngụt. Người ấy đi đâu đến đâu cũng chỉ hằng mong làm công việc của tình thương. Ban đầu tâm từ yếu ớt, nhưng vì thường xuyên được thực tập, tâm từ lớn lên, cao to, vĩ đại, không gì có thể so sánh được. 

Rải tâm từ đến chúng sinh ở hướng đông, hướng đông nam, hướng nam, hướng tây nam, hướng tây, hướng tây bắc, hướng bắc, hướng đông bắc, hướng trên, hướng dưới, hướng giữa, đều sống lâu, an vui, không có khổ bệnh hoạn, không oan trái lẫn nhau, luôn thành tựu đầy đủ. Rải tâm từ đến chúng sinh là các loài hữu tình, kẻ yếu, kẻ mạnh, kẻ to, kẻ nhỏ, kẻ dài, kẻ lớn, kẻ trung, kẻ thấp, kẻ nhìn thấy, kẻ không nhìn thấy, kẻ ở gần, kẻ ở xa, các loài đã sinh ra, các loài đã được sinh, các loài sắp sinh, các loài bốn phương và tám hướng, ba giới và bốn loài, tất cả các cõi đều sống lâu an vui, không có khổ bệnh hoạn, không oan trái lẫn nhau, luôn thành tựu đầy đủ. 


Rải tâm từ đến chúng sinh là người thương mình, người không thương mình, người cưu mang mình, người ghét bỏ mình, người giúp đỡ mình, người hãm hại mình, người khen mình, người chê mình, tất cả mọi người đều sống lâu an vui, không có khổ bệnh hoạn, không oan trái lẫn nhau, luôn thành tựu đầy đủ, mong rằng không ai lường gạt lừa dối ai, không ai khinh chê miệt thị ai, ở bất cứ nơi nào ở bất cứ lúc nào, không hờn giận thù hận nhau, không chống đối đả kích nhau, không gây đau khổ thất vọng lẫn nhau. Rải tâm từ đến muôn loài đồng đều cả thảy trong tất cả thế giới không phân biệt, không hạn chế, không từ chối, không lười biếng, không dễ duôi, không trói buộc, không áp đặt, không thù địch, không ích kỷ. Rải tâm từ đến chúng sinh mười phương khi đi, đứng, ngồi, nằm, lúc khỏe, lúc bệnh, lúc đau yếu, không kể ngày hay đêm, không kể đối tượng. Đây là thực tập rải tâm từ cao thượng.
Bài thực tập quan trọng nhất là rải tâm từ cho người hãm hại mình, người được mình luôn miệng cho là kẻ thù. Đã quyết chí thực tập thì không có ai là kẻ thù cả. Nếu chỉ yêu thương người yêu thương mình thì bình thường nhưng thương được người không thương mình, thậm chí ban phước lành đến cho họ, mong họ thay đổi, mong họ có hạnh phúc, tình thương này to lớn hơn nhiều. 

Tâm từ là nguồn năng lượng nuôi sống mình trong khổ đau, khiến mình không bị chìm đắm, không bị dính mắc, đem lợi lạc cho mình và người. Người hãm hại mình có nhiều khổ đau, chưa bao giờ được thương, chưa bao giờ được hiểu, nên họ có nhiều tri giác sai lầm, nhiều bươn chải, nhiều trầm luân, mình phải thương họ mới đúng, tại sao phải giận họ, tại sao phải căm tức họ? 


Thực tập tâm từ tức là yêu thương hết tất cả, bất kể loài đó là đối tượng như thế nào. Người bị rắn cắn vì năng lượng tâm từ toả ra từ thân tâm yếu ớt hoặc không có. Con rắn tưởng người sắp tấn công nó nên nó phải phòng vệ và ra đòn trước. Rải tâm từ tới các loài, các loài sẽ tha thứ và buông tha mình. Nói lớn hơn, căn bệnh ung thư đang làm mình cằn cỗi, nhưng rải tâm từ với căn bệnh, cơn đau giảm đi phần nào. Thực tập thiền rải tâm từ là thực tập như vậy.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vun bồi tâm từ. Tâm từ phải dồi dào mới đem đi rải được, còn tâm từ chút xíu đem rải thì hiệu quả không lớn lắm. Ngày xưa thầy Mục Kiền Liên cứu được mẹ ra khỏi địa ngục khổ đau là nhờ vào năng lượng tâm từ của rất nhiều chư tăng. Vì vậy, muốn thành tựu trong việc rải tâm từ, mình phải vun bồi tình thương. Rải tâm từ bằng tâm ganh ghét, bực bội, so đo, phân biệt thì hiệu quả đã giảm đi ít nhiều. 

Để tâm từ thêm lớn mạnh, mình rải tâm từ đến mình trước, xong đến những người thân yêu hay gần gũi, đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp, rồi mới đến những người xa cách mình. Tại sao như vậy? Đơn giản thôi, vì năng lượng tâm từ phát khởi với những người thân thuộc nhanh hơn nên khi tiếp xúc với năng lượng của họ, mình có nhiều an lạc và hạnh phúc. Tâm từ phút chốc lớn mạnh, mình mới đủ năng lực, can đảm tha thứ và rải tâm từ đến người mình không ưa. Người mới gặp mặt đã không thấy ưa là do có oan trái từ kiếp xa xưa, nên vấn đề không phải là người đó có gương mặt hay thái độ không ưa, mà do mình không đủ khả năng chấp nhận người đó. Thay đổi thái độ, mình sẽ chấp nhận được họ và khi chấp nhận được rồi, mình bắt đầu thực tập rải tâm từ mãnh liệt để có thể yêu thương ngay người mình đã từng không ưa đó. Thông thường mình cho người chính là đối tượng làm khổ mình trong khi không chịu nhìn nhận mình là một trong các yếu tố gây nên tiến trình đau khổ này. Vậy thay vì ngồi trách cứ người khác, mình hãy nhìn lại mình, xem tâm từ có đủ để mang hạnh phúc cho người chưa, hay tâm từ quá yếu ớt, đang tàn lụi và chính năng lượng tâm không từ làm người khác đau khổ, và tệ hại hơn, tự làm khổ mình. Tình thương to lớn khiến mình nghĩ thà mình chịu khổ còn hơn để người khác khổ, mình chấp nhận ôm hết tất cả nỗi khổ để người khác được vui, nhưng mình biết cách làm nỗi khổ được vơi, được êm dịu, nên nỗi khổ đến, mình vẫn có thể bình thản. 
Người thường nói về tình yêu như sự bày tỏ tình cảm giữa người nam và người nữ nhưng tình yêu đó vẫn còn nhỏ bé, vẫn còn hạn hẹp đối tượng. Tình yêu ở đây to lớn hơn nhiều, yêu thương tất cả muôn loài, bao trùm vạn vật và vũ trụ. Người hay nổi sân, nóng tính, có nhiều hận thù thực tập tâm từ dễ dàng thanh tịnh trở lại, biết nghĩ về người nhiều hơn nghĩ về mình, từ đó chuyển hóa tính hay nóng giận thành ra tươi mát như hồ sen. 

Người may mắn sống đến trăm tuổi nhưng không phải ai vượt qua con số một trăm. Đời người chưa tới một thế kỷ, vài chục năm ngắn ngủi trôi rất nhanh. Vậy tại sao không tận dụng thời gian ngắn ngủi đó để thực tập tâm từ, để yêu thương, để hạnh phúc. Người nóng giận chắc chắn không biết được niềm hạnh phúc của tâm từ vì đã bị che lấp bởi u mê, bởi tối tăm, bởi sự mệt mỏi. Chỉ cần trải lòng ra, thương lấy người mà mình nghĩ là đối tượng làm mình giận, nghĩ đến điều tốt đẹp của họ, nghĩ đến những khổ đau mà họ đã từng gánh chịu, nghĩ đến việc thiếu vắng họ mình sẽ cô đơn dường nào, nghĩ đến việc vài trăm năm nữa mình có gặp họ không… Họ giống mình thôi, cần được yêu thương, cần được chăm sóc, cần được tôn trọng, vậy hãy biết về họ như mình muốn biết về mình. 


Hành vi bất bạo động là hành vi rải tâm từ, tức là khởi tâm yêu thương với người bạo động với mình nhất. Bây giờ còn trẻ, họ đầy dẫy hành động bạo động, nhưng khi già yếu rồi họ không đủ sức như vậy nữa đâu. Họ đang làm khổ bản thân mà không biết, còn mình biết, tại sao mình phải bắt chước họ. Mình là người khôn ngoan, mình biết rải tâm từ, biết yêu thương, biết tha thứ, phải làm điều đó ngay thôi, mình hiểu rõ tình trạng không đau khổ của mình và điều gì giúp mình có nhiều hạnh phúc, an lạc và thảnh thơi.          
Sử dụng năng lượng tâm từ tiếp xúc với vong linh hay những người mình không thể nhìn thấy, nhất là những người có mối liên hệ huyết thống với mình. Vào ngày 30 tết, người Việt Nam có truyền thống rước ông bà về ăn tết với con cháu trong ba ngày. Đây là cơ hội để con cháu tưởng nhớ và cùng với tổ tiên tu tập. 

Tâm từ có tác dụng ban phát đến hạnh phúc cho mình và người khác nên chỉ cần một người thực tập, một khu vực rộng lớn an hưởng thái bình, nhưng cả nước tu tập, cả nước đó nhiều niềm vui và thuận lợi. Năng lượng có khả năng truyền từ người này sang người kia, khác với năng lượng vật lý. Năng lượng điện làm nước sôi, sức nóng đi vào nước. Còn năng lượng tâm từ ban phát đến người, người nhận được nhưng năng lượng của bản thân người phát không hề mất đi. 


Sở dĩ con người có mối liên hệ với nhau hay thiết lập các mối quan hệ với nhau vì họ có những năng lượng cần nhau, các năng lượng này tương tác tạo ra hạnh phúc. Giống như một người thích nói thì phải có người thích nghe, vậy mới hạnh phúc, còn ai cũng giành nói hết, hạnh phúc không còn nữa. Những người đến sống chung, họp thành một nhóm vì nghiệp hay năng lương có sự tương đồng, nếu không, một người sẽ tách hẳn khỏi cộng động đó, thành lập cộng đồng riêng hay tham gia cộng đồng phù hợp với trường năng lượng đang hiện có. 


Học Anh văn cũng vậy, người học anh văn thương mại, người học anh văn dành cho bác sĩ. Doanh nhân sẽ đi học anh văn thương mại còn bác sĩ đi học anh văn y khoa. Trở lại, nói về năng lượng tâm từ, những người có năng lượng tâm từ mạnh, nhóm lại sống chung với nhau, như tăng thân chẳng hạn, còn năng lượng thấp, họ sẽ tương tác hay giao tiếp với những người có năng lượng thấp. Đây là cách giải thích khác của cộng nghiệp. Con người ăn ở với nhau hợp không là do năng lượng hợp không. Năng lượng điện không thể sống chung với năng lượng nước, nhưng khi đi chung với dây đồng thì năng lượng điện dễ dàng phát huy tác dụng.
Thực tập rải tâm từ là hành vi của từ bi, mong muốn người hạnh phúc và thông cảm với nỗi khổ của người. Chỉ có từ bi mới hoá giải gốc rễ của hận thù, giúp dân số vong linh ít hơn, loài người đông hơn, đến lúc nào đó, loài người ít hơn, người giải thoát đông hơn. Tâm từ thực chất không phải là thứ ban phát mà là sự thực tập. Từ là tố chất của mỗi chúng sinh, có sẵn trong mỗi chúng sinh, thực tập để nó được phát huy và mạnh mẽ. Người tu chân chính lấy việc thực tập tâm từ làm kim chỉ nam hàng đầu. 

Một số người không đồng ý việc tu tâm, tức là tu thì phải ngồi thiền, là quán chiếu sự sống… để được an lạc, thảnh thơi trong giây phút hiện tại. Điều này không có gì sai mà còn đúng nhưng chưa đủ. Tu phải tu từ tâm, việc hành thiền cũng để giúp điều phục tâm của mình. Ngày xưa đức Bồ Đề Đạt Ma chỉ dạy các thiền sinh Trung Hoa là ngồi thiền để thành Phật giống như mài đĩa làm gương. Thiền là phương tiện hỗ trợ cho phương pháp tu tâm của mình. 


Tu là sửa đổi, tu từ căn bản, tức là sửa cái tâm của mình. Sửa không có nghĩa làm mới nó bằng sơn phết, lấy cái mới đổi cái cũ hay tạo thêm chức năng, mà sửa những chỗ cong queo, cho ngay thẳng trở lại, nên cái tâm trước sau vẫn như một mà thôi. Nói rải tâm từ nhưng có rải cái gì đâu, chẳng qua chỉ là tình thương hay sự vắng lặng, đúng hơn là ban phát sự vắng lặng, vậy thôi. 


Đem tâm yêu thương nhìn sự vật, mọi sự vật đều đáng yêu và như nhau. Đem tâm từ nhìn mọi chúng sinh, người biết yêu thương muôn loài đồng đều, con mắt không còn kỳ thị, không còn phán xét. Ai cũng đáng quý, đáng trân trọng. Bằng con mắt của tâm từ, người đi vào cuộc sống không lo lắng, không sợ bị tấn công, không sợ bị hãm hại. Mọi thăng trầm của tâm đều do mình chưa bình an, chưa xả bỏ, chưa khiêm tốn và người khác xa lánh mình rồi tưởng tượng mình đang cô đơn trong chốn đông người. 


Làm bất cứ việc gì cũng đều lấy tâm từ ra mà đối chiếu, xem xem hành động, lời nói, suy nghĩ đó có làm tổn hại đến tâm từ hay không. Nếu có, hãy dám giương cao ngọn cờ can đảm một cách hân hoan để từ bỏ hành vi gây tổn hại đó đi. Thậm chí, mình phải phát tâm thương cả hành vi tổn hại này, nó đang lạc lõng giữa thế giới của tâm từ, nên hãy chia sẻ và ôm ấp để nó trở nên từ bi hơn.
Xây dựng hoà bình bằng chính tâm từ của mình vì người có từ tâm là biểu tượng của hoà bình và tâm từ là hiện tượng của hoà bình. Một người gây chiến nhưng nếu mình không tham gia, họ sẽ gây chiến với ai. Người xấu và tệ bạc nhất vẫn có tâm từ, chỉ tại chối bỏ, không chịu nhìn nhận nó. Mà tâm từ là gì, đơn giản là đem lòng thương ba mẹ, thương ông bà, thương bạn bè, thương đồng nghiệp bằng sự bình đẳng, không phân biệt…, mình giàu có ngay lập tức. 

Nhiều người nói mình mồ côi, không được ai thương, không được ai chăm sóc, không được ai chú ý. Thực ra mình mồ côi tình thương, như cô hồn đói. Cái đói này không phải đói tình thương của người khác, mà đói tình thương từ trong mình. Mình không thương nổi mình thì làm sao thương nổi người mình cho là người thương. Chỉ cần đem lòng thương, mình không còn mồ côi nữa, mình tìm thấy trong thế giới có hằng hà sa số yếu tố để thương, để chăm sóc. 


Chăm sóc khu vườn là hành vi của tâm từ, cho hoa nở, chim chóc bay về, làm giảm nhiệt độ Địa Cầu. Chăm sóc cơn giận là hành vi của tâm từ, không để bản thân bị các hạt giống hờn dỗi, dính mắc, đau khổ làm chủ. Chăm sóc mình là chăm sóc những đau khổ và hạnh phúc của mình, chuyển hoá những đau khổ và phát huy những hạnh phúc. Đau khổ và hạnh phúc chỉ là những ý niệm, buông bỏ các ý niệm, mình đối diện và đón nhận chúng một cách bình thản. 


Mình cần hoà bình, thế giới cần hoà bình và nền tảng của hoà bình là tâm từ, hay tâm bình. Người biết thương yêu nên tất cả đều là bạn, đã là bạn thì không đàn áp, không đối đầu, không kẻ thù, không chiến tranh và tâm từ là phương tiện chuyển hoá mọi hờn giận, căm thù, đau thương, mất mát.
Tâm từ lớn mạnh, trái tim lớn mạnh theo. Người không chỉ thương mình, thương những người thương mình, thương gia đình, bạn bè, cộng đồng, đất nước, dân tộc hay đồng loại mình, mà còn thương người khác với mình, thương người không thương mình, thương dân tộc khác, thương muôn loài. Tâm từ làm cho tình thương vượt khỏi biên giới quốc gia, biên giới ngôn ngữ, biên giới văn hóa, biên giới đồng loại. Trái tim không biên giới nên tình thương không biên giới. Trái tim không nhỏ bé như hạt đậu đỏ mà to lớn như Địa Cầu, thậm chí như vũ trụ. Vũ trụ bao la bao nhiêu, tình thương mênh mông bấy nhiêu. Trái tim không biên giới làm được như thế, không gói gọn trong lồng ngực mà bay đi khắp nơi. 

Trên thế gian này, có bao nhiêu loài, nguyện ôm lấy tất cả, có bao nhiêu địa ngục, nguyện giải trừ tất cả, có bao nhiêu khổ đau, nguyện chuyển hóa tất cả. Người có tâm từ mãnh liệt phát nguyện: Nguyện tu tập theo Tam Bảo, nương tựa Tam Bảo để có thể nương tựa chính mình; nguyện thực tập hạnh phúc thoát khỏi mọi tai nạn và đập tan địa ngục; nguyện chia sẻ các phương pháp tu học hạnh phúc với muôn loài và bảo vệ sự sống muôn loài; nguyện tu học tinh chuyên, thành tựu đạo quả, cứu độ các chúng sinh, hoà tan vào chúng sinh và đồng hành với chúng sinh, cùng tu cùng thực tập; nguyện gìn giữ giới luật, hành thiền và rải tâm từ bằng chính tâm từ của mình; nguyện hoá giải mọi phiền não tối tăm, sống an lạc thảnh thơi trong hiện tại và tiếp xúc với thực tại cùng tột; nguyện xóa bỏ luân hồi, chấm dứt sinh diệt, không còn tạo nghiệp nữa; nguyện không dính mắc vào các pháp thế gian như sắc dục, tiền tài, danh vọng, thức ăn…; nguyện tinh tấn thực tập tâm từ, thường xuyên soi rọi bản thân, nhìn mình nhiều hơn nhìn người; và cuối cùng nhưng không phải là hết, nguyện giải thoát ngay trong hiện tại, trở thành bậc giác ngộ trong kiếp này. Thực tập tâm từ là thực tập những lời đã phát nguyện như vậy.

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Kinh Các pháp tác thành Sa môn


Kinh Các pháp tác thành Sa môn 

1. Đức Phật khuyên các Tỳ kheo đã tự nhận mình là Sa môn, cần phải thọ trì và thực hành các hạnh tác thành vị Sa môn, vị Bà la môn, như vậy mới xứng danh xưng, sự cúng dường thọ hưởng mới có kết quả lớn, và sự xuất gia như vậy không thành vô dụng. 

2. Pháp thứ nhất là chúng ta sẽ thành tựu tàm quý. 

3. Pháp thứ hai là thân, khẩu, ý, sinh mạng phải được thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết, không vì sự thanh tịnh này mà khen mình, chê người. 

4. Pháp thứ ba là chúng ta phải hộ trì các căn. Khi tiêp xúc với các trần, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến cho các căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, pháp bất thiện khởi lên, chúng ta sẽ tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì các căn, thực hành sự hộ trì các căn.   

5. Pháp thứ tư là chúng ta phải tiết độ trong ăn uống, với chánh tư duy, chúng ta thọ thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy chúng ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên cảm thọ mới, chúng ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn". 

6. Pháp thứ năm là chúng ta phải chú tâm cảnh giác. Đi kinh hành hay trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Khi nằm, chúng ta phải nằm dáng nằm con sư tử, nghiêng bên hông tay phải, một chân đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tâm nghĩ đến lúc thức dậy lại, các pháp hành tiếp tục được thực tập. 

7. Pháp thứ sáu là chúng ta phải chánh niệm tỉnh giác. Khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác, khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác, khi đi, đứng, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác.  

8.1. Pháp thứ bảy là chúng ta ngồi thiền, gột trừ năm triền cái, và chứng bốn thiền. Tỳ kheo lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm và thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử hối tiếc, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với pháp thiện. 

8.2. Như một người mắc nợ làm các nghề nghiệp, những nghề này được phát đạt, người ấy không những trả được nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ con. Như một người bị bệnh, đau đớn, trầm trọng, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu, sau một thời gian, người ấy khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục. Như một người bị nhốt trong ngục, sau một thời gian người ấy được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị giảm tổn. Như một người nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được đi lại tự do, sau một thời gian thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, đi lại tự do. Như một người giàu có, nhiều tài sản, đang đi qua bãi sa mạc, sau một thời gian đi khỏi bãi sa mạc ấy, đến đầu làng, yên ổn, không có nguy hiểm, tài sản không bị tổn giảm. Những người này nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ. 

8.3. Cũng vậy, Tỳ kheo tự mình, quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường qua sa mạc. Tỳ kheo quán năm triền cái khi chúng được diệt trừ, cũng như không mắc nợ, không bị bệnh tật, được khỏi tù tội, được tự do, đến được đất lành an ổn.  

8.4. Sau khi đoạn trừ năm triền cái này, những triền cái làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, vị ấy ly dục, ly ác, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm có tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sinh, không một chỗ nào trên toàn thân không có hỷ lạc do ly dục sinh ấy thấm nhuần. Như một người hầu tắm lão luyện, hay đệ tử người hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thắm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. 

8.5. Tỳ kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sinh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sinh ấy thấm nhuần.  Như một hồ nước, nước từ trong dâng lên, phương Đông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra, thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. 

8.6. Tỳ kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần. Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sinh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, tràn đầy thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. 

8.7. Tỳ kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu. 

9.1. Pháp thứ chín là chúng ta thành tựu ba minh. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sinh ra tại chỗ nọ. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sinh ra ở đây". Vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Như một người đi từ làng mình đến làng khác, từ làng ấy đi đến một làng khác nữa, và từ làng này lại trở về làng của mình, người ấy nghĩ: " Ta từ làng của mình đi đến làng kia, nơi đây, ta đã đứng như thế này, đã ngồi như thế này, đã nói như thế này, đã yên lặng như thế này. Từ nơi làng nọ, ta đã trở về làng của ta". 

9.2. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sinh tử của chúng sinh. Với Thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, vị ấy biết rõ rằng chúng sinh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sinh làm những hạnh ác về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Những chúng sinh nào làm những hạnh thiện về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh về cõi thiện, cõi Trời. Như có hai nhà có cửa, và ở đây, một người có mắt đứng ở giữa, người này có thể thấy các người khác đi vào nhà, đi ra, đi qua, đi lại. 

9.3. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm, đến Lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: "Đây là khổ", biết như thật: "Đây là Nguyên nhân của khổ", biết như thật: " Đây là sự diệt khổ", biết như thật: "Đây là con đường đưa đến diệt khổ", biết như thật: Đây là những lậu hoặc", biết như thật: "Đây là nguyên nhân của các lậu hoặc", biết như thật: "Đây là sự đoạn trừ các lậu hoặc", biết như thật: "Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc". Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy tuệ tri: "Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa". Như một dãy núi lớn có một hồ nước, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, một người có mắt, đứng trên bờ sẽ thấy con hết, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá bơi qua lại hay đứng yên một chỗ. 

10. Tỳ kheo như vậy được gọi là Sa môn, là Bà la môn, là vị đã tắm sạch sẽ, là vị đã biết và hiểu rõ, là bậc có học, là bậc Thánh, là bậc A la hán. Là Sa môn, vị này đã làm cho dừng lại các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sinh, đáng sợ hãi, đem lại quả khổ, đưa đến sinh, già, chết trong tương lai. 

Thế Tôn thuyết giảng xong, các Tỳ kheo lấy làm hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. 

(Thích Minh Châu, Đại kinh Xóm ngựa, Thứ ba mươi chín, Kinh Trung bộ)

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Kinh Thất giác chi


Kinh Thất giác chi

1. Này chư bậc thiện trí khả kính, Chư Thánh cao thượng đã chứng tri bảy pháp gọi là thất giác chi, có khả năng tiêu diệt quân ma, làm tiêu tan tất cả cảnh khổ của những chúng sinh đang sinh tử và luân hồi trong ba giới bốn loài (ba giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới; bốn loài: thai sinh, thấp sinh, noản sinh, hóa sinh).

2. Thất giác chi dẫn đến chứng ngộ Niết bàn cao thượng giải thoát khổ trong ba giới bốn loài thật sự, không sinh, không già, không bệnh hoạn, không có tai họa, cũng không chết. Thất giác chi là chú nguyện vô cùng linh ứng, là linh dược nhiệm mầu hiệu nghiệm, được tổng hợp vô số ân đức và có đầy đủ các đức cao thượng.

3. Đức Thế Tôn là bậc Toàn Tri, đã thuyết giảng bảy pháp giác chi là: niệm giác chi, phân tích giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, an tịnh giác chi, định giác, và xả giác chi. Thực hành bảy pháp giác chi, pháp hành càng được tăng trưởng nhiều, để ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh đạo Thánh quả, chứng đạt Niết bàn cao thượng. Do năng lực lời chân thật này, cầu phước lành thường có đến người.

4. Một thuở nọ, Đức Thế Tôn thấy trưởng lão Mahakassapa và Mahamoggallana lâm bệnh nặng, trầm trọng, thân nhiều khổ sở, ngài đến tận nơi thuyết giảng Thất giác chi tế độ mỗi vị. Hai vị phát sinh tâm hoan hỷ với Bảy pháp giác chi của đức Phật. Chứng bệnh liền khỏi ngay tức khắc. Do năng lực lời chân thật này, cầu phước lành đến cho người.

5. Một thời đức Phật lâm bệnh nặng. Ngài truyền Đại đức Mahacunda rằng, Con hãy tụng bảy pháp giác chi. Đại đức Mahacunda thành kính tụng bảy pháp giác chi ấy vừa xong, đức Thế Tôn vô cùng hoan hỷ, chứng bệnh liền khỏi ngay tức thì. Do năng lực lời chân thật này, cầu phước lành thường có đến người.

6. Phiền não nào bị diệt đoạn tuyệt do bởi Thánh đạo tuệ nào rồi thì phiền não ấy không sinh lại được. Cũng như chứng bệnh của đức Phật, và hai vị Đại đức Trưởng lão, bệnh ba vị đều khỏi hẳn, không bao giờ tái phát lại nữa. Do năng lực lời chân thật này, cầu phước lành thường có đến người.

Chú giải 

7. Niệm giác chi: Chánh niệm là thường xuyên nhớ biết và thấy rõ về biến hành của sắc uẩn (đất, nước, lửa, gió), biến hành của thọ uẩn (cảm giác tùy thuộc vào thực trạng thay đổi không ngừng của tứ đại) và biến hành của tưởng uẩn (tri giác thuận nghịch, chồng chất liên tục lên tâm thức).

8. Trạch pháp/ Phân tích giác chi: Sống như pháp là thuần thục trong quan sát các pháp hữu vi hiện tại như nó đang là. Lúc này, ba nghiệp thân, khẩu, ý đã thanh tịnh.

9. Tinh tấn giác chi: Tinh tấn thực hành các pháp thiện không thụt lùi, không bế tắc, biểu hiện sự tiến bộ thực sự, qua kết quả vững chắc trong pháp hành, không phải là tiến bộ dọ dẫm, mơ hồ, thiếu cơ sở.

10. Hỷ giác chi: Hỷ do thực chứng pháp thiền, đức tin được củng cố, xác nhận pháp đang hành là hữu hiệu và thanh cao. Đây là sự hoan hỷ toàn diện và biết rõ tại sao hoan hỷ toàn diện, đồng thời sự sống giản dị, đạm bạc, tri túc, độc cư được cảm nhận là cần thiết một cách sâu sắc. Vẻ mặt luôn tươi tỉnh, từ ái và thanh tịnh.

11. Khinh an giác chi: Nhẹ nhàng, hân hoan, biết rõ thân tâm thoải mái, không mệt mỏi. Nhục thân không nằm trong giới hạn vật lý, như không chịu đựng bất tiện không gian và thời gian nữa.

12. Định giác chi: An định là tâm hết phóng túng, an trụ trong toàn thân. Tâm ấy thanh tịnh đối diện với mọi biến hành của sắc uẩn và thọ uẩn. Tâm thức chỉ có một cảnh, thấy và quan sát duy nhất một thực tại, và không bị ảnh hưởng bởi những gì đã qua hay sẽ đến. Thực tại như thế nào, tâm thức chứng thật như thế ấy, không có tư tưởng xen vào. Khi đã hoàn toàn thanh tịnh thì tâm chỉ an trú vào một đề mục, không biết đến các đối tượng khác.

13. Xả giác chi: Hết vướng mắc, buông thả, bình đẳng, tự tại, biết rõ pháp giải thoát, buông bỏ các ấn tượng cảm thọ trong tưởng uẩn và an tịnh nơi pháp thiền, thậm chí dửng dưng với cả quả thiền, song hành với đề mục chứ không cột dính vào đề mục, do đó hết biến chấp, bình đẳng, vô lượng, trong sạch hướng đến thành tựu đạo quả.

(Tỳ khưu Hộ Pháp, Bài Kinh Cho người bệnh, Phật giáo nguyên thủy, PL. 2550, TL. 2006)
(Phật tử Tuệ Lạc, Nguyễn Điều, Thất giác chi, Dược pháp)