Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Kinh Các pháp tác thành Sa môn


Kinh Các pháp tác thành Sa môn 

1. Đức Phật khuyên các Tỳ kheo đã tự nhận mình là Sa môn, cần phải thọ trì và thực hành các hạnh tác thành vị Sa môn, vị Bà la môn, như vậy mới xứng danh xưng, sự cúng dường thọ hưởng mới có kết quả lớn, và sự xuất gia như vậy không thành vô dụng. 

2. Pháp thứ nhất là chúng ta sẽ thành tựu tàm quý. 

3. Pháp thứ hai là thân, khẩu, ý, sinh mạng phải được thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết, không vì sự thanh tịnh này mà khen mình, chê người. 

4. Pháp thứ ba là chúng ta phải hộ trì các căn. Khi tiêp xúc với các trần, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến cho các căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, pháp bất thiện khởi lên, chúng ta sẽ tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì các căn, thực hành sự hộ trì các căn.   

5. Pháp thứ tư là chúng ta phải tiết độ trong ăn uống, với chánh tư duy, chúng ta thọ thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy chúng ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên cảm thọ mới, chúng ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn". 

6. Pháp thứ năm là chúng ta phải chú tâm cảnh giác. Đi kinh hành hay trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Khi nằm, chúng ta phải nằm dáng nằm con sư tử, nghiêng bên hông tay phải, một chân đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tâm nghĩ đến lúc thức dậy lại, các pháp hành tiếp tục được thực tập. 

7. Pháp thứ sáu là chúng ta phải chánh niệm tỉnh giác. Khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác, khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác, khi đi, đứng, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác.  

8.1. Pháp thứ bảy là chúng ta ngồi thiền, gột trừ năm triền cái, và chứng bốn thiền. Tỳ kheo lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm và thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử hối tiếc, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với pháp thiện. 

8.2. Như một người mắc nợ làm các nghề nghiệp, những nghề này được phát đạt, người ấy không những trả được nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ con. Như một người bị bệnh, đau đớn, trầm trọng, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu, sau một thời gian, người ấy khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục. Như một người bị nhốt trong ngục, sau một thời gian người ấy được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị giảm tổn. Như một người nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được đi lại tự do, sau một thời gian thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, đi lại tự do. Như một người giàu có, nhiều tài sản, đang đi qua bãi sa mạc, sau một thời gian đi khỏi bãi sa mạc ấy, đến đầu làng, yên ổn, không có nguy hiểm, tài sản không bị tổn giảm. Những người này nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ. 

8.3. Cũng vậy, Tỳ kheo tự mình, quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường qua sa mạc. Tỳ kheo quán năm triền cái khi chúng được diệt trừ, cũng như không mắc nợ, không bị bệnh tật, được khỏi tù tội, được tự do, đến được đất lành an ổn.  

8.4. Sau khi đoạn trừ năm triền cái này, những triền cái làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, vị ấy ly dục, ly ác, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm có tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sinh, không một chỗ nào trên toàn thân không có hỷ lạc do ly dục sinh ấy thấm nhuần. Như một người hầu tắm lão luyện, hay đệ tử người hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thắm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. 

8.5. Tỳ kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sinh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sinh ấy thấm nhuần.  Như một hồ nước, nước từ trong dâng lên, phương Đông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra, thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. 

8.6. Tỳ kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần. Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sinh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, tràn đầy thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. 

8.7. Tỳ kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu. 

9.1. Pháp thứ chín là chúng ta thành tựu ba minh. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sinh ra tại chỗ nọ. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sinh ra ở đây". Vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Như một người đi từ làng mình đến làng khác, từ làng ấy đi đến một làng khác nữa, và từ làng này lại trở về làng của mình, người ấy nghĩ: " Ta từ làng của mình đi đến làng kia, nơi đây, ta đã đứng như thế này, đã ngồi như thế này, đã nói như thế này, đã yên lặng như thế này. Từ nơi làng nọ, ta đã trở về làng của ta". 

9.2. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sinh tử của chúng sinh. Với Thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, vị ấy biết rõ rằng chúng sinh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sinh làm những hạnh ác về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Những chúng sinh nào làm những hạnh thiện về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh về cõi thiện, cõi Trời. Như có hai nhà có cửa, và ở đây, một người có mắt đứng ở giữa, người này có thể thấy các người khác đi vào nhà, đi ra, đi qua, đi lại. 

9.3. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm, đến Lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: "Đây là khổ", biết như thật: "Đây là Nguyên nhân của khổ", biết như thật: " Đây là sự diệt khổ", biết như thật: "Đây là con đường đưa đến diệt khổ", biết như thật: Đây là những lậu hoặc", biết như thật: "Đây là nguyên nhân của các lậu hoặc", biết như thật: "Đây là sự đoạn trừ các lậu hoặc", biết như thật: "Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc". Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy tuệ tri: "Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa". Như một dãy núi lớn có một hồ nước, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, một người có mắt, đứng trên bờ sẽ thấy con hết, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá bơi qua lại hay đứng yên một chỗ. 

10. Tỳ kheo như vậy được gọi là Sa môn, là Bà la môn, là vị đã tắm sạch sẽ, là vị đã biết và hiểu rõ, là bậc có học, là bậc Thánh, là bậc A la hán. Là Sa môn, vị này đã làm cho dừng lại các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sinh, đáng sợ hãi, đem lại quả khổ, đưa đến sinh, già, chết trong tương lai. 

Thế Tôn thuyết giảng xong, các Tỳ kheo lấy làm hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. 

(Thích Minh Châu, Đại kinh Xóm ngựa, Thứ ba mươi chín, Kinh Trung bộ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét