Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

KINH PHẢI BIẾT TỰ LƯỢNG SỨC MÌNH


KINH PHẢI BIẾT TỰ LƯỢNG SỨC MÌNH

Trên đường đi Linh Thứu, Phật đến thăm trung tâm tu học Rừng Mát. Nơi đây Phật gặp lại đại đức Sona Kolivisa. Đại đức đã xin xuất gia với Phật tại Linh Thứu rồi đến tịnh xá Rừng Mát tu học. Trước khi xuất gia Đại đức là một thanh niên nho nhã yếu đuối, da bàn chân non mỏng, con một nhà đại phú. Thấy đại đức Sona có vẻ yếu đuối, bệnh hoạn, chán nản, Phật gọi đến hỏi:

- Này Sona, thầy có được khỏe không? Việc tu học và khất thực có khó khăn lắm không?

- Bạch Thế Tôn, sức khỏe con vẫn bình thường. Việc tu học và khất thực không có gì khó khăn lắm.

- Này Sona, có phải trong lúc đi kinh hành chân thầy thường bị rách da chảy máu, và trong khi ngồi thiền tịnh nơi thanh vắng thầy có ý nghĩ muốn trở về  đời sống cư sĩ để thọ hưởng gia sản và tạo phước đức vì thầy không kham nổi đời sống xuất gia?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

- Trước khi xuất gia, thầy thường làm gì?

- Bạch Thế Tôn, con thường thích đánh đàn tranh.

- Này Sona, trong lúc đánh đàn thầy làm sao cho tiếng nhạc được êm tai, thánh thót?

- Bạch Thế Tôn, muốn cho tiếng nhạc được êm tai, thánh thót, thì trước khi đàn phải lên dây cho đúng độ căng. Nếu dây chùng quá thì tiếng nhạc mềm nhũn, điếc câm, nếu dây căng quá thì dễ bị đứt.

Này Sonna, việc tu tập cũng thế. Nếu giải đãi, lười biếng thì đạo nghiệp không thể thành tựu được. 

Nếu cố gắng quá sức chịu đựng thì sinh ra mệt mỏi, bệnh hoạn, thối chí ngã lòng. Thầy phải biết tự lượng sức mình, phát tâm dũng mãnh tu tập nhưng đừng gò ép thân tâm quá mức. Như vậy thầy mới mong thành tựu đạo nghiệp.           

Trong trường hợp này Đức Phật dạy rằng tùy theo hoàn cảnh, cơ địa của bản thân mà thực tập pháp môn cho thích hợp. Khi tu tập không quá cố gắng ép xác, ép tâm để mau đi tới thành tựu, hãy thực tập vừa sức, nếu có nhiều thì giờ và sức khỏe thì thực tập nhiều, ngược lại phải linh động. Tuy nhiên dù đang khỏe mạnh có nhiều thì giờ hoặc không khỏe mạnh và có ít thì giờ thì cũng không được rời bỏ việc thực tập. Thường xuyên duy trì năng lượng thực tập của mình. Mệt mỏi có thể buông thư, thiền uống trà hoặc thực tập ngồi yên, nằm yên với tư thế ngửa hoặc nghiêng phía bên phải … tất cả những điều này có thể xóa tan đi mệt mỏi. Khi khỏe mạnh hãy thực tập những bài đòi hỏi công phu nhiều hơn như học kinh điển, tọa thiền, viết sách, chia sẻ giáo lý, làm việc trong chánh niệm… Vấn đề là nên giữ cho được tâm Bồ Đề. Quán chiếu: Nếu tiếp tục gìn giữ tâm Bồ Đề mình sẽ đi về đâu? Và nếu không giữ tâm Bồ Đề thì mình sẽ đi về đâu? Cũng vậy làm bất cứ việc gì cũng quán niệm như thế. Hạnh phúc hay khổ đau đều do tâm mình tạo, thiên đường hay địa ngục cũng đều do tâm mình tạo và tất cả những điều ấy đều là do nghiệp chiêu cảm ra.  Nghiệp từ đâu mà có? Do ý mà ra và ý là dẫn đầu, ý đưa đến lời nói, hành động. Làm chủ được tâm, chánh niệm được tâm thì sẽ chánh niệm được lời nói và hành động. Làm được như thế sẽ đối diện được những nghiệp không thiện và thiện cũng như chấm dứt những nghiệp mới.

Này Sona, muốn tu tập có kết quả, người tu phải biết chọn pháp môn tu thích hợp với căn tánh, năng khiếu và trình độ của mình, như người quen làm thợ kim hoàn nên tập quán sổ tức, người quen làm thợ giặt nên tập quán bạch cốt, và phải biết rành thời gian nào nên tu chỉ, thời gian nào nên tu quán, thời gian nào nên tu xả.

Tùy theo căn tính của mình hãy lựa chọn phương pháp thực tập thích hợp. Có phương pháp thiền nguyên thủy, thiền tông, tịnh độ, mật tông… ngoài ra còn có những phương pháp hỗ trợ như lục độ ba la mật, trong đó Đức Phật dạy bố thí, kham nhẫn, trì giới. Để cho việc thực tập thiền, niệm Phật thuận lợi hơn thì nên thực tập trì giới, kham nhẫn. Trong thiền tập đòi hỏi phải có trì giới, kham nhẫn. Khi mình ngồi thiền tức là mình đang niệm giới. Thực tập thiền là đang niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp, có nghĩa là mình đang niệm giới chi tiết hơn. Khi tụng giới niệm giới theo cách thông thường thì điều này vẫn mang tính chất phổ quát còn khi đi vào thiền mình đang niệm giới một cách chi tiết, vi tế hơn. Thực tập thiền nghĩa là đang soi sáng tự thân, soi sáng thân thọ tâm pháp của mình. Niệm Phật cũng vậy, khi phóng tâm, tâm nào diễn ra phải nhận biết và sau khi niệm phóng tâm đó rồi thì quay lại với câu niệm Phật, không lấy câu niệm Phật để đè nén đối tượng phóng tâm. Ví dụ có một tâm tham dục nổi lên mà niệm câu A Di Đà Phật cho mau hơn để xóa tâm tham dục đi thì chưa thực tập đúng. Thực tập không phải là bãi chiến trường mà mình lấy cái thiện đè cái ác, trong cái ác có thiện và ngược lại, nhờ có ác mình mới nhận ra thiện, nhờ có thiện mà quyết chí không làm ác nữa cho nên thiện và ác giúp đỡ lẫn nhau. Trong lúc thiền, đối tượng thiện ác nổi lên mình mới biết tâm lăng xăng không an định như thế nào.

Đối với người thợ kim hoàn thì nên quán sổ tức, tức là đếm hơi thở. Thợ kim hoàn thì cân đong đo đếm nhiều cho nên sử dụng việc đếm hơi thở. Người làm kinh doanh, chứng khoán, kế toán tâm rất lăng xăng có đầy rẫy căng thẳng và sự lo lắng, đối tượng này nên tập quán sổ tức, điều này phù hợp với tính chất công việc của họ. Họ có thể trong lúc nghỉ ngơi ngồi thẳng lưng toàn thân buông lỏng trên ghế, sau đó bắt đầu tập đếm hơi thở. Thở vào đếm một, thở ra đếm một, đếm tới 10 rồi quay lại đếm một. Người thợ giặt thì nên quán bạch cốt hay cửu tưởng. Người thợ giặt phải làm sạch các bộ quần áo, mà mỗi vị trí nơi áo quần họ giặt tương ứng với những bộ phận trên cơ thể cho nên khi tập quán như thế sẽ phù hợp.

Phải biết rành thời gian nào nên tu chỉ. Lúc hoàn cảnh khiến tâm mình lăng xăng thì nên tu chỉ để an tịnh tâm hành. Buông thư cũsng được xem là phương pháp tu chỉ. Và khi có nhiều sức khỏe và thì giờ, cũng như sự minh mẫn thì nên tu quán, nghĩa là quán chiếu sự phát khởi diễn ra kết thúc của đối tượng, nguồn gốc cái đang diễn ra, đi về tương lai của một đối tượng nào đó. Ví dụ như tại sao mình lại giận, đó là quán chiếu quá khứ. Mình biết cái giận đang diễn ra có nghĩa đang quán chiếu hiện tại. Cơn giận này sẽ đưa mình đi đến đâu? Đó là quán về tương lai.

Thời gian nào nên tu xả. Tu xả khi trong tâm có những cố chấp, phân biệt, so sánh, tham cầu, dính mắc, mệt mỏi… để cân bằng trạng thái lại về không, không để cho trạng thái đi về phía 1 hay -1. Giống như người làm kế toán, khi đưa vào bên Nợ một con số thì bên Có cũng phải có một con số đó, âm bao nhiêu thì dương bấy nhiêu để cân bằng, trạng thái cân bằng được coi là xả, xả là bình thường hóa tất cả các trạng thái. Xả không có nghĩa là vô cảm mà mình nhận diện tất cả cảm thọ mà không kẹt vào chúng, không chạy theo, thấy trời xanh mây trắng mà có lạc thọ, mình niệm: À tôi có cảm thọ lạc vì nhìn thấy trời xanh mây trắng, nhưng đừng để bị kẹt vì nếu như kẹt vào đối tượng đẹp đẽ lúc bị bắt giam vào trong ngục thì đâu thấy trời xanh mây trắng, chỉ thấy một xà lim tối thui, lúc đó sẽ làm gì để duy trì trạng thái xả ở trong đó. Dính mắc vào đối tượng dễ thương thì vô hình chung không còn cân bằng nữa dù nó mang dáng vẻ của lạc thọ. Khi thực tập thiền sâu thì sẽ thấy được những điều vi tế như vậy, không kẹt vào những đâu cả, không theo phe, đối tượng nào cả. Còn theo phe thì có khuynh hướng bênh vực hay bảo vệ bằng mọi giá, lúc đó đẻ ra một phiền não gọi là cuồng tín, chính điều đó gây hại cho bản thân vì mình không xả được, mình lên án và chỉ trích, mình không bình thường hóa vấn đề được, không hiểu được tại sao người lên án và chỉ trích. Có người Comment trên bài viết Vô Tham của thầy rằng họ được mở ra một góc nhìn mới về lòng tham.

Tham không chỉ là dục lạc hưởng thụ mà còn là tham tu. Mình bắt người khác cung phụng cho sự tu của mình. Mình nói là tôi đang tu đó và mọi người phải yểm trợ cho cái sự tu của tôi, điều này cũng là cái vi tế của tham. Khi tu để tạo được thuận duyên thì có thể ngỏ ý người xung quanh yểm trợ cho mình và trường hợp hoàn cảnh không có như ý muốn thì cũng không có phiền não, chỉ là do người xung quanh chưa biết cách yểm trợ mà thôi, mình bình thường hóa hoàn cảnh và sẽ xả được trong tình huống như thế.

Khi người tu thấy hai hạnh định và tuệ chưa bình đẳng, lòng chưa tự tin, tâm chưa an, thì không nên tu hạnh xả. Lúc định tuệ bình đẳng thì nên tu hạnh xả, tức là bỏ cái chấp mình đang tu và có pháp để tu. Tâm xả là tâm vắng lặng, không chỉ, không quán.

Thực ra thiền quán vẫn còn ý niệm ở trong, thiền quán giúp mình giảm dính mắc và tham cầu. Khi tập Minh sát tuệ, thiền quán Tứ niệm xứ xong rồi thì phải tập thiền xả để không còn bị kẹt vào những bài thiền ấy. Khi qua sông thì nương vào bè nhưng khi qua rồi thì phải bỏ chiếc bè ấy đi.

Lúc định tuệ bình đẳng thì nên tu hạnh xả, tức là bỏ cái chấp mình đang tu và có pháp để tu. Khi có trí tuệ hay có cái thấy thì phải xả tuệ giác đó, không ôm tuệ giác. Người tu thường nói rằng phải phát triển niệm định tuệ để tuệ giác lớn mạnh nhưng khi tu tới mức độ nào đó phải xả bỏ cả tuệ giác đi để không còn chấp vào cái thấy nữa. Cái thấy mới sẽ làm mình hoan hỷ tuy nhiên sau sự hoan hỷ đó mình sẽ có một sự tầm cầu mới muốn thấy nhiều hơn nữa. Còn thấy là còn ý niệm cho dù được cho là tuệ giác. Tu cho tới khi không còn cái thấy gì nữa gọi là chân tu. Ban đầu chưa thấy thì phải tu sao cho thấy, nhưng sau đó phải quay lại cái chưa thấy. Giống như có vị tổ nói rằng: Khi chưa tu thì thấy núi là núi sau khi tu rồi thấy núi không là núi, tu nữa thấy núi chính là núi. Cách nói này rất hay để không chấp vào cái thấy nữa. Mới đầu chưa đi tu có ai hỏi rằng mình có ăn chay tu tập không? Mình nói không, tu làm gì ăn mặn cho khỏe. Sau khi đi tu rồi mình nói à tôi đang tu đó, có pháp danh, quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới, vào chùa mặc áo lam, ngồi thiền hai ba tiếng. Tu thời gian, có ai hỏi dạo này tu dữ hen? Không, tôi có tu gì đâu, tôi chẳng tu gì cả. Giống như vậy đó. Cho nên khi mình xây tòa Như Lai rồi thì tới lúc nào đó mình phải đập bỏ tòa ấy, có cái gì gọi là tòa Như Lai đâu.

Này Sona, khi người tu sinh lòng kiêu mạn vì tự thấy mình hiểu rành giáo lý, thuyết pháp hay, vấn đáp giỏi, được nhiều người cung kính thì không nên tu tập trí tuệ nữa mà phải lo tu tập chánh định. Khi người tu thối chí ngã lòng vì tự thấy mình kém cỏi, không chế ngự được phiền não, không điều phục được sáu căn, nghi ngờ giới luật không đúng thì không nên tu chỉ mà phải tu quán.

Khi sinh lòng kiêu mạn vì cho rằng hiểu được cái này cái kia thì tâm đang lăng xăng, đang trong trường hợp cống cao ngã mạn, đang tăng thượng mạn sai sử thì nên tập trung vào thiền định để chế ngự lăng xăng. Có một số người có những cái thấy rất sâu nhưng mà định chưa nhiều. Nói niệm dẫn tới định, định dẫn tới tuệ vẫn chưa chắc vì có thể do phước báu nhiều đời nên có tuệ, tuệ để dành đời này qua đời khác cho nên định phải có để duy trì, nếu không có định thì khi phước hết tuệ sẽ mai một đi. Tuy nhiên nếu thấy trí tuệ kém yếu, tật đố hơn, thua, kém, bằng khởi lên thì nên tu quán để phát triển trí tuệ. Việc tu quán nhiều khi có tính chất suy diễn. Tu quán để phát triển trí tuệ nhưng hãy chuẩn bị trước rằng không kẹt vào trí tuệ ấy, tu quán cũng là cách để diệt trừ tham sân si.

Này Sona, thầy nên học hỏi và thực hành theo Bảy Pháp giác chi là niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả, để được kết quả tốt đẹp.

Tại sao trong Bảy giác chi hay Thất bồ đề phần hay Bảy yếu tố giác ngộ, yếu tố cuối là xả? Khi có cái thấy nào thì phải xả liền: Tôi đang thấy đối tượng này, tôi biết đối tượng từ khi đối tượng khởi lên và kết thúc, tôi không kẹt vào đối tượng. Xả hay như vậy.

Đọc sách về nghiệp đừng nên kẹt vào, giờ mình đọc sách phân biệt đúng sai đủ điều, đúng cũng là ý niệm, sai cũng là ý niệm, không đúng không sai hay vừa đúng vừa sai đều là ý niệm. Đọc Kinh Chủ trương của Như Lai thì mình sẽ hiểu rõ hơn. Ở đây cũng vậy, đọc sách mình không kẹt vào sách, bất kì cuốn sách nào. Nghe giảng cũng vậy, nghe cũng chỉ để nghe thôi, và khi người đủ duyên chỉ cần nghe một câu rất bình thường nhưng chuyển hóa sâu sắc. Mình có một cái kẹt là thực tập thiền nguyên thủy mà đọc sách thiền tông quá nhiều. Một người thực tập thiền tùy theo duyên mà gặp được pháp môn phù hợp, tuy nhiên bảo vệ pháp môn một cách bất di bất dịch là dính mắc, đưa tới những tranh cãi. Pháp môn Hiện pháp lạc trú nếu thấy giúp ích cho mình thì thực tập, nhưng đừng kẹt vào, thiền tông hay thiền nguyên thủy cũng vậy. Thực tập thôi nhưng không kẹt vào, cái này mới đúng cái kia là sai, chỉ có pháp môn này là thù thắng hơn cả, mình cho rằng pháp môn mình thực tập là thù thắng nhất thì hãy thực tập sao cho có kết quả không nên dùng mỹ từ ca ngợi mà trong khi sự thực tập chưa có đi đến đâu.

Khi thực tập có niệm miên mật thì xả niệm đó, bình thường hóa niệm bởi khi có thói quen chánh niệm xuyên suốt thì có gì gọi là niệm nữa đâu. Trạch pháp có nghĩa là yếu tố quán chiếu và lúc nhuần nhuyễn cách quán chiếu ấy, bất kì đối tượng nào khởi lên mình đều có thể quán chiếu được và khi xả được yếu tố quán chiếu ấy thì mình không còn thấy gì nữa. Ví dụ như ngày trước ăn miếng chả giò chị gái mang tới, sau khi ăn mình đi ngồi thiền, quán chiếu và thấy đâu chỉ có mình ngồi thiền mà chả giò ngồi thiền, công sức của chị ngồi thiền, vạn vật giang tay góp mặt và mình chỉ là một cầu nối cho vạn vật ngồi thiền thôi, quán chiếu xong liền xả điều vừa thấy ra, xong rồi, mình không kẹt vào ai là người tu, ai là người ngồi thiền nữa. Ngồi thiền xong, nhớ lại chu trình quán chiếu vừa rồi mình cũng chỉ là một sự suy diễn, cũng là ý niệm mà thôi. Tất cả những gì mình quán chiếu đều là ý niệms. Mình không cần vận động để dành giải thưởng nào đó, mình tu rồi thì không cần những danh vọng, tài, sắc, danh, thực, thùy mình không cần. Tham len lỏi ở trong tâm, nhiều lúc mình sẽ không nhận ra được cho nên để cho duyên tự nhiên phát triển mặc dù người ta nói cần tạo ra cái duyên, còn tạo thì còn nghiệp, còn nghiệp thì tiếp tục tái sinh để trả nghiệp, cho nên muốn chấm dứt sinh tử thì phải chấm dứt tác ý và tạo duyên nghiệp, để tùy duyên mà vận hành. Dẫu vậy vẫn cần có sự điều chỉnh vì có những cái duyên dẫn mình đi xa sự thực tập. Khi duyên tới thì tránh cũng không được, khi duyên hết thì có cố gắng níu kéo cũng không được. Ví dụ như trước đây thầy có nói sau này bạn đồng tu kia sẽ lại tới kiếm thầy nhưng thầy không chịu nữa, vì đã hết duyên. Có những nghiệp bất thiện phá nghiệp thiện, phá duyên tốt lành của mình đi. Khi mình nhận một người không chỉ để lo tu tập mà người đó cần có sự hòa hợp với bạn đồng tu khác, ví dụ nếu bạn Tới muốn tập chung thì Tới và Dũng cần có sự hòa hợp với nhau mới được, mình xây dựng một cộng đồng hòa hợp chứ không làm theo ý cá nhân, khiến bản thân trở thành hạt nhân nằm ngoài cộng đồng, hạt nhân từ từ tách ra không đi chung cộng đồng nữa. Vì vậy khi phát triển cho một người thì phải xây dựng cho người đó hòa hợp với mình và cộng đồng của mình mới được nếu không họ sẽ thấy rất xa lạ, sau một thời gian mà thấy khó lòng hòa hợp thì thật khó có thể đi cùng.

Trong sự thực tập cần có sự tinh tấn siêng năng, siêng năng thực tập chánh niệm, quán chiếu, trạch pháp nhưng khi siêng năng như vậy phải xả ra, thực tế mình không làm gì, mình chỉ đi hết một ngày. Và khi phát khởi hỷ do siêng năng tu tập thì cũng xả cái hỷ đó bằng không sẽ đi vòng vòng với tâm hỷ đó, chừng nào đạt tới khinh an có nghĩa là an lạc với tất cả vấn đề cho dù là hỷ thì tốt. Ngày xưa khi Đức Phật hoan hỷ ngài đâu vui vẻ thái quá, có thể người chỉ mỉm cười, một nụ cười rất nhẹ mà không ai hiểu tại sao nụ cười ấy lại an lại lạc như vậy. Khi có định, có nghĩa là đã chú tâm vào một đối tượng nhất định thì cũng phải xả ra để không kẹt vào yếu tố mình chú tâm, thực tập là phải buông ra. Khi buông xả được thành tựu, những ý niệm im bặt, hành giả sẽ không biết nói gì vì không có ý niệm khởi lên để mà sử dụng. Có một số trường hợp có một số vị thầy được mời giảng mà không biết giảng ra làm sao, các vị thầy chỉ ngồi và sau đó nói vài bài kệ, không nói điều gì nữa.

Có một số trường hợp tâm sân là do mộng tưởng mà ra hoặc do sự sai khiến của những tâm bất thiện còn ngủ ngầm. Mình nên niệm tâm sân, biết, diễn ra tới khi lắng dịu thì mình biết nó lắng dịu. Khi thực tập chánh niệm thời gian đầu sau đó mệt thì mình đổi kiểu chánh niệm đi, ví dụ trước đây niệm thân, khẩu, ý thì mình có thể làm mới phương pháp sang các bài kệ để không bị nhàm chán. Hoặc mình có thói quen giải trí, và chánh niệm lâu ngày thói quen giải trí nổi lên.

Khi bị bức bách trong lúc thực tập thì phải biết mình bức bách điều gì? Ngột ngạt bởi bốn bức tường hay là gì, nếu bốn bức tường ngột ngạt thì mình đi ra ngoài, đi thiền hành quanh thất của mình. Việc này cũng là do mình chưa quen nhập thất lâu, nghiệp của mình níu kéo không cho mình thực tập, trạo cử nổi lên nên mình thấy bức bách.

Bị căng thẳng trong lúc thực tập là do mình ép thân tâm quá mức nên thực tập khoảng một giờ đồng hồ sau đó nghỉ ngơi một chút rồi đọc kinh, nghỉ ngơi tiếp, cứ như vậy, không nên làm việc một cách liên tục, như sợi dây đàn quá căng khi chơi sẽ bị đứt.

Khi ăn cơm mà thấy vui thì phải biết mình đang vui. Vui à! Tôi biết là tôi đang có hạnh phúc. Nếu không mình sẽ kẹt vào thiền ăn cơm, mình sẽ chờ tới giờ ăn cơm mới vui được. Dĩ nhiên là việc thực tập trong khi ăn cơm sẽ đem lại an vui nhưng nếu không có chánh niệm về niềm vui đó thì khi niềm vui qua đi tâm mình sẽ có mong cầu niềm vui, tìm kiếm lại giây phút vui vẻ đã từng trải qua. Thực tập có kết quả hơn thì khi bước đi từ bàn ăn ra mình vẫn có niềm vui như thường. Mong cầu ăn cơm để có niềm vui là một dục, và khi có dục sâu dày mình sẽ có tâm phán xét. Mình ăn rất từ tốn và chánh niệm, không vội vàng nhưng khi thấy người xung quanh ăn rất vội vàng, hối hả, tất bật nên trong tâm khởi lên sự phán xét là tại sao mấy người này không ăn như mình. Vì thế phải có chánh niệm trong mọi hoàn cảnh, khi vui biết đang vui và có ý thức về niềm vui đó. Khi buồn biết là mình đang buồn, có ý thức về nỗi buồn đó, như vậy niềm vui và nỗi buồn cũng sẽ mau chóng qua đi. Cho nên mình không níu kéo niềm vui, và không xô đẩy nỗi buồn.

Khi thiền bị tức ngực là do bị ép hơi thở. Nguyên tắc của việc thực tập thiền là mình theo dõi hơi thở một cách tự nhiên, không can thiệp vào. Mình có thể xem lại tư thế ngồi, do không được buông thư khi bắt đầu cho nên hơi thở không còn tự nhiên, thân bị gồng cứng sẽ bị tức ngực. Một nguyên nhân nữa là do bị phóng tâm nhiều, khi phóng tâm thì tạm ngưng theo dõi hơi thở, hãy niệm sự phóng tâm, khi nắm bắt được phóng tâm thì lúc đó mới theo dõi hơi thở trở lại.  Cuối cùng, có thể do thời tiết thay đổi, sự ăn uống trước đó không quân bình âm dương.

Ăn chay có ăn trứng không?

Nếu thuần chay thì câu trả lời là không được ăn trứng. Có một số nơi ăn chay không ăn sản phẩm làm từ sữa của động vật vì trong sữa có gen của loài vật và khi ăn, nguồn gen đó đi vào máu, tương tác với máu và biến đổi gen trong cơ thể mình khiến mình mang tính động vật hơn, đó là quan niệm của họ. Tuy nhiên trong trường hợp mình cần phải trị bệnh thì mình có thể ăn sữa chua, ví dụ đường tiêu hóa yếu ăn không tiêu thì nên dùng sữa chua vì trong thức ăn này có men vi khuẩn giúp mình tiêu hóa tốt hơn, làm cho đường ruột không bị viêm. Người dùng thuốc kháng sinh chống viêm nhiều làm vi khuẩn trong đường ruột mất đi dẫn tới bị viêm đường ruột. Nếu mình ăn chay thuần túy thì đừng dính mắc vào việc này, bản chất của ăn chay là để nuôi dưỡng lòng từ bi. Có một điều nhắc nhở là khi ăn chay có những vong bên ngoài thèm mặn có thể đi vào cơ thể của mình và khuyến khích mình ăn mặn: bữa nay ăn mặn một bữa có sao đâu? Làm như vậy để họ nương vào thân mình hưởng đồ ăn. Chính vì thế người ăn chay bị phá dữ lắm, ăn thuần chay thì càng bị phá dữ hơn.

Ăn chay thì tốt nhất là không ăn trứng, nếu ăn thì phải cầu siêu, dù là trứng công nghiệp hay không. Giờ khoa học có phương thức thụ tinh nhân tạo. Em bé được sinh ra là em bé công nghiệp nhưng dù vậy nếu mình làm tổn thương em bé thì vẫn là sát sinh như thường. Trong giới Tỳ kheo có giới là không sát hại hạt giống và cỏ cây. Ví dụ khi mình ăn trái xoài thì có hột xoài thì mình cũng phải bảo vệ hột xoài đó. Hột xoài có thể trở thành một cây xoài.

Trên thực tế có những người ăn mặn nhưng vẫn tu giỏi như thường, Đức Phật hay các sư Nam Tông là ví dụ, tuy nhiên khi ăn mặn thì phải tu cho giỏi như người đi trước vậy, đừng lấy thế hệ trước làm bình phong cho cái tham ăn trong mình.

Xin chỉ dẫn thêm về bài thiền số 11 Minh Sát Tuệ?

Bài thiền số 10 là chánh niệm về sáu tâm độc. Bài số 11 mình phải thu thúc cho được năm triền cái: Trạo cử, hôn trầm, dục, sân, hoài nghi. Người nào đi qua được năm triền cái này có thể đi vào dòng.

Triền cái thứ nhất là Trạo cử. Trạo cử gồm có bất an, lăng xăng và giao động. Nghĩa chính của trạo cử là lăng xăng, nghĩ chuyện này chuyện kia không ở trạng thái định. Lăng xăng kéo mình đi khiến mình không an trú được với suy nghĩ, việc làm, lời nói của mình. Nghĩa thứ hai là bất an, là một cục lo rất lớn về tương lai, về hoàn cảnh xung quanh nên không an trú trong thực tại đang là. Khi có những bất an sẽ kéo theo sợ hãi lo lắng. Nghĩa thứ 3 của trạo cử là giao động, giao động này có hơi hướng của hoài nghi. Mình bị lung lay bởi niềm tin hoặc quá hồ hởi hay quá tập trung vào một đối tượng nào đó khiến cho mình không còn điềm tĩnh với đối tượng đang tiếp xúc. Ví dụ như việc so sánh pháp môn thực tập, cho nên mình không biết nên đi theo hướng nào? Theo số đông hay thiểu số, chất lượng hay số lượng, đi theo năm dục hay thiểu dục… lúc này mình đánh mất tâm xả nên không xả ra được, làm mình giao động. Trong tâm khởi sự phân biệt cũng khiến cho mình giao động. Có phân biệt nên có so sánh, ngồi suy nghĩ làm cái nào tốt cho mình hơn, an toàn hơn và mình giao động trong sự so sánh, phân biệt đó. Khi có lăng xăng thì  phải biết lăng xăng, giao động và bất an cũng vậy, mình niệm cho tới khi chúng lắng dịu. 

Triền cái thứ hai là hôn trầm. Hôn trầm là mê muội và buồn ngủ. Khi ở trong trạng thái miên man thì không làm chủ thân tâm, thần thức đang vật vờ, sự vật vờ mang tới những mơ mộng, phóng tâm. Khi buồn ngủ thì phải sử dụng những phương pháp thắp lại ánh sáng nội tâm để diệt trừ cơn buồn ngủ: không ăn quá no, trước khi ngồi thiền không làm việc quá mệt nhọc, hãy nghỉ ngơi vừa đủ rồi hãy ngồi thiền, hay massage mặt, đi thiền hay tụng kinh .v.v… Mê muội trong hôn trầm chưa hẳn là buồn ngủ nhưng sự kiện diễn ra mà mình không có chánh niệm, mình bị đối tượng phóng tâm kéo đi, mình miên man trong dòng suy nghĩ về đối tượng đó. Nhiều khi mình khá tỉnh táo nhưng vẫn mê muội vì không có ý thức được những gì đang nghĩ tới.

Triền cái thứ ba là dục, chủ yếu là tham dục. Có năm thứ dục là tài, sắc, danh, thực, thùy. Trong lúc thực tập thiền, điều gì khởi lên trong tâm thì phải biết điều đó đang khởi lên, từ bài số 1 tới bài số 7 mình chỉ niệm rằng: à tôi biết là tôi đang phóng tâm thôi, nhưng tới bài số 10 thì phải biết dục nào đang khởi lên. Dục sắc đang khởi thì niệm tham sắc à. Sắc ở đây không chỉ là sắc thân mà còn là sáu sắc: thanh sắc, vị sắc, khứu sắc, xúc chạm sắc, suy nghĩ sắc, hay danh và sắc thì tất cả những đối tượng ấy đều là sắc. Thiền minh sát chỉ dừng lại ở chỗ là có điều gì khởi lên thì niệm, mình không can thiệp, không như những bài sau này như bài 13, 14, 15 thì phải niệm từ đầu cho tới cuối từ lúc ý niệm khởi lên, diễn ra và kết thúc. Bài 8 tới 11 thì dừng lại ở mức nhận diện điều đang diễn ra.

Đối với triền cái sân và nghi thì giống sáu tâm độc của bài số 10.

Hướng dẫn quán chiếu trong bài số 11? Việc áp dụng bài số 11 trong đời sống hàng ngày?

Bài Thiền minh sát số 11 là nhận diện đơn thuần về năm triền cái. Triền cái nào nổi lên thì phải niệm cho được. Thông thường trong giờ công phu mình mới quán chiếu được quá trình của đối tượng, tuy nhiên trường hợp ít thời gian cũng có thể thực hiện nhưng quá trình diễn tiến rất nhanh, đi thẳng tới kết quả quán chiếu, ví dụ như quán chiếu với tham dục thì quán chiếu tham dục sẽ đưa mình tới đâu? Nó có đáng dính mắc hay đáng tham cầu hay không? Trong giờ công phu cách thứ nhất là thở bình thường, tâm đặt vào đối tượng quán chiếu. Cách hai là vừa theo dõi hơi thở vừa chú tâm vào đối tượng quán chiếu: Thở vào tôi biết tôi đang để ý tới đối tượng tham dục, thở ra tôi biết tôi đang để ý tới đối tượng tham dục. Thở vào đối tượng tham dục này sẽ dẫn tôi tới tiến trình như thế nào, thở ra đối tượng tham dục này sẽ dẫn tôi tới tiến trình như thế nào? Mình có thể kết hợp sự quán chiếu với hơi thở như vậy. Chú ý là khi kết hợp mình không có quán chiếu được hơi thở từ đầu tới cuối, mình chỉ có thể nhận diện được sự phồng xẹp ở bụng. Trong đời sống hằng ngày mình không có nhiều thì giờ, đối tượng diễn tiến rất nhanh cho nên chỉ quán chiếu tới kết quả của đối tượng mà thôi. Trong giờ công phu thì mình có thể quán chiếu vi tế được lâu dài hơn.

Thực tập có rất nhiều hoan hỷ thì phải làm sao?

Khi thực tập có hoan hỷ thì mình phải nhận diện sự hoan hỷ đó. Mình phải nhận diện và không bị kẹt vào vì hoan hỷ rồi cũng sẽ trôi đi, vấn đề là mình có gìn giữ được sự hoan hỷ đó lâu hay không? Nếu duy trì được và biết sự duy trì đó, còn khi không còn duy trì được thì mình cũng biết mình đang ở trạng thái không hoan hỷ. Cho nên khi thực tập thiền quán thì mình biết được một đối tượng đang khởi lên, diễn ra và không còn nữa. Trong thiền tuệ cũng vậy, khi phóng tâm tới đối tượng, khi cảm thọ phát khởi thì mình cũng biết nó vừa phát khởi, diễn ra, kết thúc và không trỗi dậy lại nữa.

Niết Bàn là sự tĩnh lặng. Không nói mình đang nằm trong trạng thái gọi là hoan hỷ hay không hoan hỷ. Vấn đề là mình đang ở trạng thái nào thì mình phải biết nó, mình không kẹt vào trạng thái nào, khổ đau hay hoan hỷ. Quán chiếu về năm dục không đáng dính mắc, không đáng tham cầu mà mình còn dính mắc vào hoan hỷ thì mình vẫn còn tham cầu và dính mắc vào hoan hỷ dù cho đối tượng này là điều tích cực. Việc tụng kinh ngồi thiền là hành vi tích cực, mình rèn luyện đã thành thói quen mà khi tới giờ mình không thực tập được thì phiền não phát khởi, ham muốn ban đầu đã trở thành phiền não. Bố thí cúng dường là hành vi tích cực nhưng nếu rầu rĩ về nó thì phẩm chất thiện cũng giảm đi ít nhiều. Cho nên đối với người chưa có xây tòa Như Lai, chưa có ở trong nhà Như Lai có nghĩa là thân tâm chưa có niệm định tuệ thì vị Thầy sẽ hướng dẫn cho người đó phải xây cho được một ngôi nhà Như Lai, nhưng khi trong tâm đã xây được ngôi nhà Như Lai thì mình phải đập bỏ nó đi. Ngày xưa Thầy Bồ Đề Đạt Ma đi yết kiến sư phụ ở Ấn Độ, vị sư phụ yêu cầu Thầy xây nhà cho mình, tưởng xây một ngôi nhà bình thường nên Thầy Bồ Đề Đạt Ma kéo lá kéo cây về làm. Sau khi làm đi làm lại nhiều lần cuối cùng Thầy cũng xây được ngôi nhà. Vài bữa tổ bước ra ngoài cầm cây rìu chặt bỏ ngôi nhà đó liền. Lúc này vị sư phụ mới bắt đầu dạy đạo cho Bồ Đề Đạt Ma.


Những cái mình xây chẳng qua chỉ là một ý niệm nữa mà thôi. Cuốn sách Người vô sự cũng chỉ là những ý niệm, những lời dạy của tổ Lâm Tế là những ý niệm, những ngôn ngữ văn tự, những ngôn từ của thầy cũng chỉ là những ý niệm. Các ý niệm delete lẫn nhau. Sở dĩ người cố chấp là do ý niệm tồn tại quá lâu và cho đến khi có sự kiện nào đó diễn ra khiến ý niệm cũ xóa nhòa, cố chấp sẽ bớt đi tuy nhiên sự kiện mới sẽ tạo cho mình một ý niệm mới. Cho nên Thầy đã nhắn tin lại là tâm này là vô thường, tâm này còn phải buông sau tin nhắn của con. Khi mình có một ý niệm thì mình phải biết rằng mình đang có ý niệm như vậy và không kẹt vào ý niệm nào cả thì lúc này mình không còn cố chấp, khi ý niệm tắt ngấm thì mình thực sự tiếp xúc với Niết Bàn. Nói Niết Bàn là sự tắt ngấm của tất cả các ý niệm, tuy nhiên câu vừa nói cũng là một ý niệm, cho nên kinh điển sách vở chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, chừng nào mình im bặt không còn lời nói, thậm chí không còn thuyết pháp, không còn muốn đọc sách viết sách nữa… thì đó là Niết Bàn. Bật một tiếng nói là ý niệm, viết một chữ là ý niệm. Ví dụ giờ mình lấy Kinh Pháp cú ra viết thư pháp và cho đó là kinh, về mặt tướng thì đó là kinh nhưng kinh không nằm trong chữ mà nằm trong sự hành trì cho nên người ta nói rằng phải trì tụng tâm kinh mỗi ngày. Nếu nói đi theo con đường tâm hơn đi theo con đường tướng thì phải chú ý rằng tâm này không có thật, tâm bị chi phối bởi cảnh, cảm thọ và nhận thức. Tâm biến chuyển không ngừng và nếu không có chánh niệm sẽ bị các đối tượng kéo đi ngay lập tức cho nên mình đọc sách, quán chiếu chỉ để quán chiếu thôi. Sư ông nói rằng: ăn cơm chỉ là ăn cơm, lắng nghe chỉ là lắng nghe. Có thể những câu nói đó là những ý niệm nhưng nếu như mình không chấp vào gì nữa cả thì mình không còn ý niệm nào nữa. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét