Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

KINH TÂM HOANG VU


KINH TÂM HOANG VU
Giảng vào ngày 6/7/2014
Phiên tả: Tường Lam

Trong lúc ngồi thiền mà bị ngộp thở thì niệm là “Ngộp thở à”. Nhưng nếu niệm một hồi mà không hết thì nên ngừng thiền và xoa bóp lại cơ thể. Sự ngộp thở là do tứ đại không được điều hòa hoặc do ép hơi thở. Phóng tâm nhiều làm giảm sự theo dõi sự phồng xộp của bụng, và lúc đó mình cũng không điều tiết được hơi thở dẫn tới bị ngộp thở.

Nếu như bị phóng tâm liên tục và phóng tâm nhiều lần thì mình vẫn tiếp tục niệm. Khi đối tượng phóng tâm hết rồi, hoặc sự phóng tâm hết rồi mà sau đó vẫn phóng tâm nữa thì niệm tiếp là: “Phóng tâm à”. Còn phóng tâm thì còn phải niệm. Vấn đề là nhận diện ra được là mình đang phóng tâm, còn nếu không nhận diện được có nghĩa là bị thất niệm. Thất niệm là một tâm sở bất thiện.

Thích nơi đông vui thì niệm là: “Ham thích à”. Đôi khi cũng không nên tách mình ra khỏi đám đông. Nếu như sự đông vui lành mạnh thì không có vấn đề gì. Nếu sự đông vui không lành mạnh, như ngồi nói chuyện trên trời dưới đất, hoặc nói những chuyện có thể khiến mình phát khởi ái dục, hoặc tham muốn, bạo động, thì không nên đi vào những đám đông như vậy.

Tuy nhiên, phải giả dạng trong một số trường hợp, thực tập đi giữa thế gian mà không nhiễm pháp thế gian. Mình đang tu mà không ai biết mình đang tu. Mình đang ngồi thiền mà không ai biết mình đang ngồi thiền. Môi trường không được thuận lợi nên mình phải che giấu thân phận. Trước hết là để bảo toàn cho mình, thứ hai là không để người khác rơi vào tình trạng phạm giới.

Nghe người ta nói những chuyện tầm bậy thì niệm là: “Nghe à”. Nếu tâm chưa vững thì nên đi ra khỏi chỗ đó. Còn tâm vững thì mình cứ ngồi đó như thường. Mình không trốn chạy mà niệm là “Nghe à”, không kẹt vào câu chuyện người ta nói. Nhiều khi đó là một bài thực tập để xem mình có vững hay không. Còn mình vẫn ngồi cười bình thường nhưng không chạy theo các pháp thế gian đó thì mình vẫn có chánh niệm.

Ngồi thiền mà bị nhức đầu thì đem tâm tới chỗ bị nhức đầu và niệm là: “Nhức à”. Niệm một hồi thì sẽ bớt nhức, hoặc buông thư chỗ bị nhức ra thì chỗ đó sẽ bớt nhức. Ví dụ như thầy bị nhức mặt hoặc nhức đầu thì thầy buông thư chỗ bị nhức ra khoảng 15 phút hoặc đem tâm tới chỗ bị nhức và niệm là “Nhức à” thì một hồi sau, chỗ đó nóng lên và bớt nhức.

Nên nhớ rằng Pháp thí thắng mọi thí. Mình có cơ hội chia sẻ pháp với người khác thì đó là trường hợp pháp thí. Cố gắng sắp xếp thời giờ chuẩn bị bài chia sẻ với người khác để có thêm công đức. Chính công đức này làm thuận duyên cho mình tu tập thiền và giữ giới. Nếu từ chối hoặc vịn vào công việc bận rộn thì mình mất đi cơ hội làm phước. Phải nhìn ra chuyện này. Cho dù ấn tống kinh sách, dịch kinh điển nhưng bằng tâm lăng xăng, hoặc bằng các chướng ngại, hoặc là dao động bất an, thì phước bị giảm đi rất nhiều. Dành thời gian chuẩn bị bài để nói pháp cho các bạn đồng tu cùng tu tập. Cùng một chủ đề nhưng mỗi người có cái thấy khác nhau. Mình có cái thấy này, nhưng bạn kia thì chưa có cái thấy đó, nên mình chia sẻ để bổ sung vào sự thực tập của người kia. Chia sẻ cũng là sự thực tập, thực tập chia sẻ và thực tập Pháp thí.

Hãy đem thiền vào công việc. Khi đi biết mình đang đi, khi ngồi biết mình đang ngồi, khi nằm thì niệm là “Nằm à”, khi ăn cơm thì niệm là “Ăn cơm à”. Trong lúc ăn cơm, từng động tác múc cơm, đưa cơm vào miệng nhai đều phải có ý thức: “Múc cơm à”, “Đưa cơm vào miệng à”, “Nhai cơm à”, “Nuốt cơm à”. Niệm chi tiết như vậy sẽ giúp mình dần dần thực tập thói quen chánh niệm, niệm trong tất cả mọi trường hợp. Nhiều khi thầy gọi mình đi chung với thầy để xem mình có thực tập hay không, thông qua việc quan sát mình đi, đứng, dẫn xe, dắt xe, thả chim, thả cá hay mua cái này, mua cái kia. Mình đi lăng xăng, mình không có niệm, quàng chân này quàng chân kia, vấp té có nghĩa là ở nhà mình chưa có thực tập miên mật, chưa có dành thời giờ công phu thực tập. Trong lúc thực tập mình cũng không thực sự thực tập nữa.

Thường xuyên nhắc bản thân thực tập, không để buông trôi. Năng lượng tu tập đi xuống rất uổng cho khoảng thời gian mình thực tập trước đây. Cho dù bận rộn cách mấy thì việc thực tập lúc nào cũng ưu tiên hơn cả. Đừng bao giờ đổ thừa cho sự bận rộn. Mình đã học quản trị thời gian rồi. Chỉ có thực tập mới là con đường tối thượng, đáng để hướng tới.

Tình trạng ngủ nhiều là do nghiệp của tâm si. Ngủ nhiều mà không dứt ra được là tâm si rất nhiều. Nghe pháp mà cứ ngồi ngáp thì không phải là do ông thầy đó giảng dở, mà do tâm si trỗi dậy.

Thời Phật còn tại thế, Phật giảng rất hay đâu cần pha trò. Vấn đề là Phật hiểu căn cơ của người nghe nên chia sẻ đúng với nhu cầu của người đó để người đó có thể tiếp nhận và hành trì theo. Khi giảng cho đại chúng gồm nhiều người thì Đức Phật giảng những bài pháp phổ thông tùy theo căn cơ của nhóm người. Có những người vẫn ngủ khi nghe Phật giảng pháp. Khi nghe pháp mà mình cứ ngủ như vậy, hoặc ngáp tới ngáp lui thì biết ngay là tâm si đang trổ nghiệp, nghiệp của tâm si. Hôn trầm thụy miên là các pháp của tâm si.

Trước khi hành thiền không nên ăn quá no. Ví dụ như bình thường mình ăn 100% thì trước khi hành thiền mình chỉ ăn 70%. Người tu ăn để duy trì sinh mạng mà tu hành chứ không phải ăn để hưởng thụ, hay là không có tống thức ăn vào miệng, mình không biến dạ dày của mình thành nghĩa địa. Mình ăn vừa đủ để duy trì năng lượng tu tập. Ăn nhiều sẽ làm hôn trầm và thụy miên. Mình trở nên lười biếng muốn đi ngủ.

Tiếp theo, trước khi hành thiền, không nên làm việc nhiều và khi đã xác định giờ đó là giờ ngồi thiền thì không làm việc gì hết. Đã lên lịch trình cho giờ công phu thì phải tuân thủ theo. Ví dụ một ngày mình dành ra 8 tiếng đồng hồ để làm việc và 4 tiếng để tu thì trong 8 tiếng kia mình sẽ thực tập thiền làm việc, còn 4 tiếng kia thì mình thực tập thiền ngồi, thiền nằm, thiền đi, đọc kinh, tụng kinh, rải tâm từ, viết bài, đọc sách, nghe pháp thoại…

Như vậy là mình có 12 tiếng đồng hồ và vẫn còn 12 tiếng đồng hồ nữa để đi lại trên các phương tiện xe cộ, để ăn uống, vệ sinh cá nhân, giao tiếp, ngủ nghỉ. Người trong độ 18 tuổi trở lên thì chỉ cần ngủ trong khoảng từ 6-8 tiếng là đủ, nhưng đối với người tu thì chỉ cần ngủ 6 tiếng là đủ. Thời gian thực tập thiền là mình đã nghỉ ngơi rồi. Mình đã ngủ biết bao nhiêu kiếp, mình đã ngủ hằng hà sa số kiếp trước đây, và bây giờ mình đừng ngủ nữa.

Mình phải tập. Bình thường mình ngủ 12 tiếng thì trong tháng này mình phải tập ngủ 11 tiếng. Tháng tiếp theo giảm xuống còn 10 tiếng, tháng tiếp theo nữa giảm xuống còn 9 tiếng, và tháng tiếp theo nữa giảm xuống còn 8 tiếng và cứ như thế cho tới khi nào mình chỉ còn ngủ 6 tiếng mà thôi. Lên kế hoạch tập những điều đó, nếu không mình sẽ lặp đi lặp lại việc của những kiếp trước là ngủ triền miên. Kiếp này nếu tiếp tục ngủ triền miên như thế thì kiếp sau cũng sẽ ngủ triền miên thôi.

Tu là tập, là sửa, là hành trì. Không tập, không sửa hay không hành trì thì tới 30 tuổi, 40 tuổi hay 50 tuổi thì vẫn mãi là trẻ thơ. Đầu hai thứ tóc hay mấy thứ tóc thì vẫn mãi là trẻ thơ. Mình cứ tiếp tục ngây ngô qua các thời đại. Gương mặt phụ huynh nhưng tâm vẫn non nớt như một đứa trẻ.

Dưới đây là Kinh Tâm Hoang Vu.

Tôi được nghe như vầy, một thời Thế Tôn ở Savatthi tại Jetavana, vườn ông Anathapindika, người đã thuyết giảng cho các vị Tỳ kheo về tâm hoang vu. 
Vị Tỳ kheo nào chưa diệt trừ năm tâm hoang vu, chưa đoạn tận năm tâm triền phược, vị ấy chưa thể lớn mạnh, chưa thể trưởng thành, chưa thể hưng thịnh trong pháp luật này.

Tâm hoang vu như là tâm đi hoang, phóng dật, lăng xăng, nhảy từ chỗ này tới chỗ kia, như vượn chuyền cành, như con voi hoang, con ngựa hoang. Mình ôm đồm rất nhiều việc, đó là biểu hiện của bệnh lu bu, và không biết cách nào để giảm được bệnh lu bu.

Làm ở công ty này, mình rất lu bu và đi qua một chỗ khác mình cũng tiếp tục lu bu như vậy. Nếu như nghỉ chỗ này đi qua chỗ khác mà không biết sắp xếp thời gian thì mình vẫn tiếp tục lu bu. Lu bu từ năm này qua năm nọ trở thành một căn bệnh, bệnh bận rộn, bệnh thích lu bu. Mình làm rất nhiều việc, chứng tỏ với người khác là mình không có ngồi không, không có ở không.

Đức Phật dạy mình bớt việc, ít nghĩ suy. Không phải bớt việc là làm biếng mà là dùng thời gian đó thực tập giữ giới, hành giới, thực tập thiền tuệ, niệm danh pháp, niệm sắc pháp, nhận diện danh pháp, nhận diện sắc pháp hay thực tập tăng trưởng trí tuệ bằng cách nghe giảng, đọc sách, tiếp xúc với bậc thiện tri thức, rèn luyện trí tuệ ngày càng phát triển.

Tâm triền phược là những cái lôi kéo mình hoặc ngăn cản mình ra khỏi con đường tu tập. Nó cản trở sự tu tập của mình rất nhiều. Nếu như không nhận ra triền phược thì mình sẽ bị đối tượng ngăn cản đó kéo đi rồi mình đổ thừa tại cái này tại cái kia. Do gia đình không cho mình tu tập, do môi trường không cho phép mình tu tập, do công việc nên mình không còn thời giờ tu tập. Muôn ngàn lý do tuôn ra, do tôi bị bệnh nên không tu tập được, do ba mẹ ngăn cản nên tôi không tu tập được. Có thể liệt kê 101 hay 1001 những nguyên nhân ngăn cản mình tu tập. Tại sao nói 101 hay 1001 ? Vì còn nhiều nguyên nhân sau đó vẫn chưa thể liệt kê hết được. Cái này chưa nói là do kém phước duyên, do thiếu phước báu mà những triền phược đó xảy ra, bắt mình xa rời tu tập.

Vẫn còn tâm hoang vu, tâm triền phược thì mình vẫn chưa thể đi xa được trên con đường tu tập. Chưa đi xa được thì chưa lớn lên, chưa trưởng thành. Có thể tuổi đời, hay tuổi đạo ngày càng tăng lên nhưng vẫn chưa thành đạo vì vẫn chưa miên mật trong việc tu tập.

Tu là phải miên mật. Tu trong từng sát na, từng giây phút. Khi đói bụng thì ăn cơm, khi khát nước thì uống nước. Khi thiếu tình thương thì phải tập tình thương. Phải tập cho tình thương phát triển lên. Muốn cho tình thương phát triển thì phải tu. Muốn đứng vững trên đôi chân thì phải tu, không ai đứng dùm hết. Phật dạy nếu sống 100 năm mà vẫn chưa thấy pháp sinh diệt thì 100 năm đó vô ích, không bằng người ta chỉ mới sống một ngày mà thấy pháp sinh diệt.

Tương tự, vị Tỳ kheo nghi ngờ Pháp, nghi ngờ Tăng, nghi ngờ các học pháp, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, thời tâm vị ấy không hướng về nỗ lực, không chuyên cần, không kiên trì, không tinh tấn, đây là ba tâm hoang vu tiếp theo chưa được diệt trừ. 

Như vậy tâm hoang vu thứ hai là nghi ngờ về Pháp. Pháp là con đường thực tập giải thoát, là kinh điển, là những lời dạy của Đức Phật, là con đường hành trì, là phương tiện giúp mình thực tập. Khi thực tập các bài Pháp thì mình sinh lòng nghi ngờ, không biết là hành trì phương pháp hành thiền, phương pháp niệm Phật hay phương pháp giữ giới có giúp ích gì không. Mình không dành thời gian để thực tập mà chỉ ngồi đó tự đặt câu hỏi và tự nghi ngờ.

Hoặc do việc hành trì không đúng pháp nên không có kết quả. Không có kết quả sinh ra nghi ngờ con đường đó. Ví dụ như bây giờ người ta không lo thực tập nhiều mà chạy theo việc tô tượng, xây chùa, ấn tống kinh điển, theo hình thức mà không theo nội dung, không theo sự chuyển hóa khổ đau, không theo việc tăng trưởng hạt giống thiện lành trong tâm, chạy theo sự khen ngợi, số lượng, tên tuổi, hình thức mà nội dung quan trọng lại bị bỏ rơi. Số lượng người tu rất đông, nhưng người thành tựu thì không bao nhiêu.

Không có nhiều tu sĩ đạt thành tựu thì cư sĩ và người nghe pháp sẽ nghi ngờ Pháp. Họ tự hỏi không biết pháp đó có thiệt hay không, pháp đó có phải do chính Đức Phật nói ra hay không?

Bây giờ người ta biến tướng thiền, làm mới thiền, thực tập thiền thì phải vui. Ví dụ thở vào tôi mỉm cười, thở ra tôi mỉm cười. Như thế, người tập sẽ bị kẹt vào những bài thiền hiện đại mang tính chất đối phó. Cái an cái lạc mà mình cho là đang nổi lên đó tuy biểu hiện ra ngoài nhưng mình không nhận diện được mà bị kẹt. Như vậy, tâm mình không đi lên được nữa mà chỉ đứng im một chỗ. 

Thực tập thiền mà muốn đi lên tầng tiếp theo thì phải buông bỏ cái tầng mình đang đứng. Muốn đi lên bậc thứ hai thì phải buông bỏ bậc thứ nhất. Muốn tâm xuất gia thì mình phải buông bỏ cái gia đi. Rời bỏ cái gia đó thì tâm mới xuất gia được. Tâm còn luyến ái vào chuyện gia đình thì vẫn chưa thể xuất gia, chưa thể đi xa.

Không chỉ luyến ái nam nữ, mình còn luyến ái gia đình và bạn bè. Mình thương bạn bè không phải bằng tâm từ mà bằng tâm luyến ái, thương thầy không phải bằng tâm từ mà bằng tâm luyến ái. Thương ba mẹ không phải bằng tâm từ mà bằng tâm luyến ái. Thương cái nhà không phải bằng tâm từ, mà bằng tâm luyến ái. Những cái đó mất đi hay rời xa mình thì mình sẽ đau khổ vô cùng. Mình chưa có đi xa được là vậy. Một lát nữa sau bài pháp thoại nếu có thì giờ thầy sẽ soạn tiếp bài Kinh Đoạn tận ái trong Kinh Trung bộ mà đức Phật giảng dạy. Kinh Đoạn tận ái thật ra là Kinh Mười hai nhân duyên được đức Phật giảng bằng ngôn từ khác. Có rất nhiều kinh mà Đức Phật nói đi nói lại với ngôn từ, ví dụ khác để nhiều đối tượng có thể nghe và hiểu được.

Nghi ngờ tăng là tâm hoang vu thứ ba. Mình không biết rằng vị đó có tu thiệt không, vị đó có mang phước điền cho chúng sinh không, lời dạy của vị đó có phải là thực chứng không, vị đó là phàm tăng hay thánh tăng… Có những vị thánh tăng hướng thượng và phàm tăng hướng hạ. Nếu như các vị phàm tăng hướng hạ mà cứ hướng hạ mãi thì sẽ dẫn tới mạt pháp. Lần trước thầy đã chia sẻ mạt pháp là từ trong nội bộ tăng chúng mà ra. Đất nước tàn rụi là do nội bộ của chính phủ. Một quốc gia mà chính phủ tham nhũng quá mức, ăn chơi quá mức, làm chuyện tầm bậy quá mức, áp đặt người dân quá mức thì biết ngay là trước sau gì nội bộ đất nước đó cũng tàn lụi. Tàn lụi từ bên trong đi ra chứ không phải từ bên ngoài đi vào. Giống như con mối đục từ trong ra. Nó tự động sinh ra trong khúc gỗ đó, ăn gỗ từ trong ra ngoài. Có những khúc cây bên ngoài rất nguyên vẹn nhưng nếu không để ý mà ngồi lên thì sẽ bị ngã bởi vì khúc cây đó đã bị mục, mỏng ra, bị rỗng ở bên trong hết. Ngồi lên thì té thôi.

Có người giảng pháp rất hay nhưng bên trong mục nát hết, không còn gì để cứu vãn. Khi nãy thầy có nghe sư cô Tâm Tâm giảng: Một vị tăng mà sát sinh là đi thẳng xuống địa ngục vì đó là trọng giới. Thọ giới nào thì phải giữ cho được giới đó. Bây giờ mình đã thọ sáu giới, có thể thêm một năm nữa sẽ thọ thêm một giới nữa thì phải giữ tất cả giới đã thọ. Thọ giới không được uống chất say thì phải giữ giới là không uống các chất say. Mình không đổ thừa tại người này người kia ép mình. Mình phạm giới là tại tâm mình không chuyên chứ không phải là do người khác ép mình. Không lẽ người ta ép mình giết người thì mình cũng giết người sao?

Ngày xưa đức Phật thực tập kham nhẫn ở tiền kiếp bị vua Kalinga chặt đứt cả thân thể mà Đức Phật vẫn không giận. Kham nhẫn ở tâm chứ không phải ở thân. Kham nhẫn thì dù sắc thực vật, rượu bia kề thân, mình cũng không uống. Kham nhẫn với sắc đẹp thì dù da thịt thơm tho kề tận mắt, tận răng, mình cũng không hưởng. Thực tập kham nhẫn tới tận cốt tủy là vậy, kham nhẫn tới tận cùng của thân tâm.

Cho dù ai mời, ai xúi, ai khuyên cái gì để mình đi vào con đường phạm giới thì mình vẫn nhất quyết nói không vì mình đã nguyện thực tập giữ giới, không xá gì thân mạng. Thà người ta bắn mình chết chứ mình nhất quyết không bắn lại. Thà người ta chửi mình tới tận cùng xã hội, mình nhất quyết không chửi lại. Đó mới gọi là người tu. Kham nhẫn là hành vi cao thượng của người tu. Kham nhẫn là biểu hiện dũng mãnh, biểu hiện của đại trượng phu mà bậc chân tu có được. Do đó, nghi ngờ tăng là tâm hoang vu thứ ba cần được diệt trừ.

Tâm hoang vu thứ tư là nghi ngờ các học pháp, nghi ngờ các bài pháp, nghi ngờ các bài kinh, nghi ngờ các lời giảng của Phật. Ví dụ Đức Phật nói: Đây là vô thường, đây là vô ngã, đây là vô tướng, đây là vô tác, đây là không, đây là tự tính không, đây là tự tính Niết Bàn. Nhưng mình nghi ngờ vì tà kiến trong mình trỗi dậy. Do tà kiến mà mình sinh ra nghi ngờ. Hoặc do tâm lý đám đông mà mình sinh ra nghi ngờ. Mình thấy nhiều người chạy theo vị thầy đó nghe pháp nên mình nghĩ rằng thầy đó giảng đúng, mình kẹt vào tâm lý đám đông.

Một số trường hợp phải hiểu là nhiều người giảng rất hay, nghe rất xuôi tai, thấm thía dữ lắm nhưng thực tế không phải vậy. Tất cả đều đang đánh lừa hết. Người ta đóng kịch rất giỏi. Ví dụ như Bồ tát Di Lạc trong tiền kiếp thị hiện ra một người đi đứng không nhẹ nhàng, đi ầm ầm, bụng bự, miệng cười sang sảng. Một số vị đi nhẹ nhàng, khoan thai nhưng chưa hẳn là vậy. Vấn đề là mình đi bằng cái tâm gì? Cái tâm gì khiến mình đi như vậy? Mình đi nhanh nhưng có chánh niệm, có giới, có định, có tuệ thì sự đi nhanh đó hay hơn là đi chậm trong thất niệm, không có giới, không có định, không có tuệ gì cả. Đi chậm nhưng đi bằng sự trình diễn, muốn được mọi người ngắm nhìn dáng đi đẹp, dễ thương thì mình đang đi bằng tâm ngã mạn, không có ích lợi gì. Cần nhận diện mình làm việc bằng tâm gì, tâm bất thiện hay tâm thiện? Mình nghe pháp bằng tâm gì ? Không phải ai vào chùa là cũng có phước. Vào chùa để học hỏi chánh pháp, để thực tập, hay vào chùa để chứng tỏ với mọi người là mình đang tu tập, phải giành chỗ tốt để tu tập. Thế thì có phải đi vô chùa để tu tập không hay đi vô chùa bằng tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm ngã mạn ? Vào chùa bằng tâm bất thiện như thế là khiến cho mình tạo nghiệp chứ không phải tạo phước, tạo nghiệp bất thiện.

Tiếp theo, vị Tỳ Kheo phẫn nộ đối với các đồng phạm hạnh, không có hoan hỷ, tâm tư chống đối, cứng rắn, thời tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, không chuyên cần, không kiên trì, không tinh tấn. Đây là tâm hoang vu thứ năm chưa được diệt trừ.

Đối với bạn đồng tu của mình thì mình nổi sân, không nói lời ái ngữ. Mình chỉ trích vị này vị kia. Bằng lời chỉ trích, vô tình gây ra phá hòa hợp tăng, rơi vào Năm nghịch là năm tội cực ác có thể khiến mình đọa xuống địa ngục Vô gián, là nghiệp cực ác. Tăng thân làm sai thì có tăng thân dạy dỗ, khuyên răn, soi sáng, đừng phá hòa hợp tăng. Đó là chuyện không nên và bị cấm làm vì mình không biết nội tình bên trong như thế nào. Mình chỉ là một người đứng ngoài mà mình nói ra nói vào làm cho các vị đồng tu nghi ngờ lẫn nhau. Từ nghi ngờ mà bùng nổ thành cuộc chiến làm họ không tu nữa thì tội của mình lớn biết chừng nào. Thấy người tu tập thì mình phải tán thán sự tu tập đó, học theo sự tu tập đó. Nếu người ta làm sai thì mình phải nhìn vô cái sai đó mà học, biết cái sai đó mà tránh. Không làm chuyện có thể khiến mình đọa lạc, xa rời việc tu tập.

Người thông minh tu tập một cách thông minh và trí tuệ. Không hoan hỷ với sự tu tập, với thành tựu của người khác thì không có phước. Giống như lần trước thầy chia sẻ một người trong túi chỉ có 100,000 đồng, người này đem hết 100,000 đó ra cúng dường. Còn người kia trong túi chỉ có 5,000 đồng, cũng đem 5,000 đó ra cúng dường. Cả hai đều cho hết tài sản của mình nhưng tâm của họ phát khởi hạnh phúc như nhau, cho nên phước của hai người này bằng nhau. Người thứ ba trong túi không có đồng nào nhưng thấy người đó làm việc thiện như vậy sanh tâm vui mừng, tán thán. Cả ba người đều có phước bằng nhau.

Cũng như thế, khi đi vào một thiền thân, thấy người ta tu tập, cho dù mình không được giỏi bằng nhưng mình khởi tâm tùy hỷ, tán thán sự tu tập của thiền thân đó thì mình cũng tạo phước rồi.

Tâm tư chống đối cứng rắn nghĩa là không nghe lời bậc đạo sư, phê bình thầy dạy đúng sai, nói ý mình mới đúng, chống đối lại lời dạy của người khác. Mình nghe là chỉ để nghe thôi, nếu trong sự nghe đó, mình thấy hợp với căn cơ của mình, hợp với hoàn cảnh của mình thì mình lấy ra thực tập. Còn nếu không hợp thì để dành tùy hoàn cảnh trong tương lai thích hợp thực tập sau cũng được. Ngày xưa thầy nói với một học trò khi mình thiền Minh sát tuệ tới một bài nào đó mình sẽ cảm thấy muốn ói. Nếu như không kềm được thì có thể ói ra luôn, hoặc bị những bệnh cũ tái phát thì bạn ấy trề môi nói làm gì có chuyện đó. Mình không có thực tập nên mình không biết. Có những người đang thực tập tới bài 11, 12 rồi bỏ về, không muốn thực tập nữa, ngưng ở chỗ đó luôn. Bởi vì họ thiếu phước. Phước thực tập tới bài 12 hết rồi nên chỉ đi được tới đó thôi, muốn thực tập thêm thì phải tạo phước nữa.

Có người chỉ chứng được sơ thiền mà không chứng được nhị thiền, bởi vì phước của họ không đủ để chứng được nhị thiền. Hoặc mình thực tập hoài mà không đi lên được Tu Đà Hoàn là bởi vì mình thiếu phước. Hoặc từ Tu Đà Hoàn mà không lên được Tư Đà Hàm là vì không đủ phước. Mình cứ tưởng là mình có phước nhưng thực tế là mình đang thiếu phước.

Mẹ thầy dạy là đem toàn bộ tài sản trên thế gian này, trên vũ trụ này ra bố thí cũng không bằng phước một người chứng Tu Đà Hoàn. Còn phước của người chứng Tư Đà Hàm thì gấp hằng hà sa số lần như vậy. Muốn thành tựu hơn nữa trong tu thiền và tu tập thì lúc nào cũng phải làm phước. Trong tâm có một chút nghi ngờ nào đó thì hãy nhận diện và niệm: “Nghi ngờ à”, cho tới khi không còn một chút nghi ngờ nào nữa thì mình mới đi xa hơn. Bằng không thì tự mình sẽ xa lánh các bậc thiện tri thức, xa lánh đức Phật, xa rời Pháp và Tăng, không phải ai xúi giục mình. Không ai ép được mình uống bia nếu mình không muốn. Thực tập tốt thì ngay cả trong ý niệm cũng không khởi lên ham muốn một giọt.

Đối với tâm tà dâm, có những người không hành dâm nhưng ý niệm lại có tà dâm. Ví dụ mình đọc bài thơ của TTKH :

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạc lõng với chồng tôi
Mà từng thu chết từng thu chết,
Vẫn giữ trong tim một bóng người.

Người đời có thể nghĩ đoạn thơ này lãng mạn, nhưng đối với người tu thì đây là bài thơ của tà dâm. Có chồng nhưng không yêu thương chồng nên thấy cuộc sống rất nhạt nhẽo. Mỗi năm trôi qua như đang chết dần chết mòn. Hình bóng người tình xa xưa vẫn còn trong tâm. Đây là ngoại tình tư tưởng, là suy nghĩ tà dâm. Người đời cho đoạn thơ đề cập việc hồi tưởng một cuộc tình đã qua.

Sống chung trong tăng thân hoặc thiền thân, hoặc trong nhóm bạn tu thì phải học và nghe theo những vị tiền thân đi trước, những người nhìn ra lỗi lầm của mình, khuyên răn mình không lầm đường lạc lối. Nếu hành xử cứng rắn thì người thiệt thòi là mình, không phải người kia. Người ta thương nên mới khuyên răn dạy dỗ, còn không thương thì người ta sẽ bỏ mặc luôn cho mình muốn làm gì thì làm. Mình phải cám ơn người nhìn thấy và nói cho mình biết khuyết điểm để mình tu sửa lại. Người lúc nào cũng khen thì đôi khi lại làm hại mình.

Trong cuộc đời có nhiều cái khổ. Do vậy, mình quyết tâm tu tập, trân quý hạnh phúc đang có. Một thầy nghe đệ tử than bệnh thì nói: “Thầy thấy con bệnh mà mừng cho con”. Vì nghĩ là sẽ được thầy chăm sóc và thông cảm nên khi nghe thế vị đệ tử chưng hửng, ngay trong thời khắc đó phát tâm giận thầy: “Mình bệnh như vậy, bấy lâu nay mình chấp tác, làm Phật sự rất miên mật mà không thấy sư phụ khen gì, bữa nay mới bị bệnh tới than một tí thôi mà sư phụ nói vậy đó, như hất một gáo nước lạnh vào mặt. Thật là giận.” Sau đó chạy về phòng khóc thút thít mà không biết rằng ý của sư phụ là hồi nào giờ mình ỷ lại vào sức khỏe, cho nên bây giờ mình bệnh sư phụ mừng là mình tỉnh ngộ, không còn ỷ lại, biết sử dụng thân này đúng mực, không để thân này đi vào con đường lạc lối, làm việc quá mức, hưởng dục quá mức...

Thế nào là năm tâm triền phược chưa được đoạn tận? Khi nãy thầy đã nói là năm tâm hoang vu. Tâm hoang vu thứ nhất là nghi ngờ bậc đạo sư, tâm hoang vu thứ hai là nghi ngờ pháp, thứ ba là nghi ngờ tăng, thứ tư là nghi ngờ các học pháp, thứ năm là các bạn đồng tu tới chia sẻ học tập cho mình thì lại chống đối, không hoan hỷ mà lại phẫn nộ.

Thế thì năm tâm triền phược chưa được đoạn tận là gì? Vị Tỳ kheo đối với các dục mà tham ái, cầu mong, luyến ái, khao khát nhiệt tình, ham thích. Thời tâm vị ấy không hướng về nỗ lực, không kiên trì, không tinh tấn. Đây là tâm triền phược thứ nhất chưa được đoạn trừ.

Vậy thì mình có dính tâm gì trong các tâm đó không? Nếu đã vướng phải tâm phiền trược thì phải làm gì để chấm dứt nó? Tâm triền phược thứ nhất là do tham ái. Vì tham ái nên cầu mong, cầu mong nên luyến ái, luyến ái nên khao khát, và do khao khát nên nhiệt tình trong hưởng thụ. Khi nhiệt tình trong hưởng thụ thì gia tăng sự ham thích. Gia tăng sự ham thích thì tất cả thành triền phược hoặc triền cái ngăn cản con đường tu tập ngày đêm không dứt.

Dục rất nhiều nhưng có năm dục chính là: tài, sắc, danh, thực, thùy. Bên cạnh đó còn có sáu dục của sáu căn: sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục và pháp dục. Dục nhiều vô số. Phật thì ít mà ma thì nhiều, người tu thì ít, người bỏ tu thì nhiều, người cõi trên ít – người cõi dưới nhiều, Niết Bàn ít – địa ngục nhiều, hành tinh như trái đất thì ít mà nơi không có sự sống trong vũ trụ thì nhiều.

Vì vậy, trong thời mạt pháp, nếu ai biết sử dụng công phu tu tập thì sẽ rất nhanh được thành tựu. Trong kinh Phật dạy, trong thời mạt pháp không ai tu thiền nữa, vì đôi lúc chỉ cần niệm một câu niệm Phật cũng có đủ phước duyên tiếp tục hành trì chánh pháp ở hiện tại và tương lai. Tâm triền phược đầu tiên được đề cập là dục, tham ái dục, cầu mong dục, luyến ái dục. Muốn buông bỏ tâm triền phược thì phải cắt được luyến ái dục, tham ái dục, cầu mong dục.

Buông bỏ tâm tham ăn, tham uống, tham mặc, tham ở, tham khen, tham xúc chạm, tham nhìn sắc đẹp, tham suy nghĩ tới dục lạc, tham đi nhậu, tham đọc sách báo tạp chí, tham nghe nhạc... Phải bỏ tất cả tham đó đi.

Tương tự, vị Tỳ kheo đối với tự thân, đối với các sắc pháp mà tham ái, cầu mong, luyến ái, khao khát, nhiệt tình, ham thích, thời tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, không chuyên cần, không kiên trì, không tinh tấn, đây là hai tâm triền phược tiếp theo chưa được đoạn tận.

Thế thì tham ái đối với tự thân là tâm triền phược thứ hai và tham ái đối với sắc pháp là tâm triền phược thứ ba. Ví dụ, mình rất ái thân xác, thân thể đẹp, gương mặt đẹp. Mình trau chuốt, cung phụng cho thân thể tất cả dục lạc trên thế gian. Đó là tâm triền phược. Ở trong chùa ăn cực quá, về nhà mình cố gắng kiếm món ngon ưa thích để ăn. Hoặc mình ở trong trại quân đội ăn một món hoài nên bây giờ được đi ra ngoài, mình tìm kiếm những món lạ, những món mà mình thèm hồi nào tới giờ để cung phụng cho vị của mình.Thật ra ăn chỉ là ăn vị thôi. Đụng tới gạo lứt muối mè mình ăn không nổi, chạy xa trăm cây số liền. Mà mình đâu biết là mình ăn vị thôi chứ đâu phải món đó đâu. Còn kẹt vào tướng thì nghĩ tôi ăn món tên này tên kia, còn không kẹt vào tướng thì biết là tôi chỉ ăn vị thôi.

Thực tập chánh niệm trong lúc ăn. Thấy cay thì niệm là: “Cay à”. Thấy mặn thì niệm là “Mặn à”. Thấy ngọt thì niệm là “Ngọt à”. Chỉ niệm vị trong lúc ăn thôi. Ăn chỉ là ăn vị, không phải ăn món này món kia.

Mình kẹt vào sắc pháp của mình đã đành mà mình còn kẹt vào sắc pháp của người nữ, người nam, hay ba mẹ, cái nhà, chiếc xe. Cái nhà cũng là một sắc pháp, khu vườn, miếng đất, cái chùa, cuốn sách… là những sắc pháp. Có những người ham thích món đồ nào đó như tem, tiền cổ. Người ta cho đó là thú vui. Đối với thế gian đó là thú vui lành mạnh, nhưng đối với người tu thì có tâm tham và tâm si. Tham sắc pháp và mê mẩn hình ảnh con tem. Ham thích tem cổ, ham thích tiền cổ và thuyết giảng thao thao bất tuyệt về đồ cổ. Trong nhà mình có những chiếc bình cổ rất lớn, trưng đầy nhà. Vô nhà toàn là đồ vật, không có chỗ cho người ở. Một bài báo viết về chàng ca sĩ chụp hình ngôi nhà được đăng lên mạng. Nhìn ngôi nhà chỉ thấy toàn đồ cổ, ghế cổ, bàn cổ, tranh cổ treo đầy nhà mà có một mình anh đó ngồi rất cô đơn. Một vị khán giả sau khi đọc đã cho ý kiến là nhà này để đồ vật ở chứ không phải người ở. Kẹt vào sắc pháp của ngôi nhà là một triền phược.

Tiếp theo, vị Tỳ kheo ăn cho đến thỏa thê, cho đến bụng chứa đầy, sống thiên nặng về khoái lạc về sàng tọa, khoái lạc về ngủ nghỉ, khoái lạc về thụy miên, thời tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, không chuyên cần, không kiên trì, không tinh tấn, đây là tâm triền phược thứ tư chưa được đoạn tận. 

Khi ăn thì người đời ăn cho tới khi nào ăn không được nữa thì thôi. Còn người tu thì ăn vừa đủ, ăn gần no là dừng lại, cho nên ăn 70% hoặc 80%, không ăn nít bụng vì ăn mà thỏa thê là ăn bằng tâm tham. Ăn chay mà tìm những món lạ, mặc dù đó là món chay thì cũng là tâm tham. Ví dụ món bún mắm chay, bún riêu chay, thức ăn chay giả mặn để nhớ nhung món mặn. Hoặc làm những món chay mà có những đồ giả mặn như lẩu chay có ốc chay, chả chay, thịt quay chay... Tâm tham vi tế trong đó: Tham ăn. Đi tu là đi sửa, trước đây tham ăn thì bây giờ đừng tham ăn nữa.

Hoặc là sống thiên nặng khoái lạc về sàng tọa. Ví dụ mình ngủ trên một cái giường rất rộng, rất cao, có những nệm gối êm dịu. Hoặc ngồi thiền thì phải có gối mới ngồi được, phải có bãi cỏ mới ngồi được, phải có tọa cụ, bồ đoàn mới ngồi được, còn nếu không có thì không ngồi được. Sống thiên về khoái lạc, sàng tọa không phải là hạnh tri túc của người tu.

Thời tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, không kiên trì. Do ăn no nên buồn ngủ, là thụy miên. Người tu phải buông bỏ tình trạng này. Nếu không sẽ khó đi lên được. Nếu chùa nào ăn uống tối ngày, sáng, trưa, chiều, tối, làm các món ngon cung phụng cho việc ăn thì nên đi. Mình là người tu, vô chùa để tu, không phải để ăn.

Để thực tập được thành tựu, có đủ điều kiện thực tập thì phải xem lại việc ăn uống, tiện nghi, ngủ nghỉ, chỗ ở của mình. Nếu chỗ ở quá tiện nghi đầy đủ thì tâm sẽ có sự tự hào, pháp của ngã mạn trong đó. Ngã mạn về cái chùa, cái nhà… Chùa tôi là to nhất nước, tượng của tôi xây là lớn nhất Đông Nam Á. Những cái nhất đó khiến người ta tự hào mà tự hào là pháp của ngã mạn.

Bài Kinh Tâm Hoang Vu hôm nay giảng tới đoạn số 7, mình ghi nhớ để hôm sau nhắc thầy giảng tiếp.

Con xin nguyện hồi hướng công đức, tâm từ, phước báu và tình thương đến cho ba mẹ, ông bà, tổ tiên và chúng sinh ở hiện tại và mười phương. Cầu nguyện cho hòa bình ở Viêt Nam, biển Đông, Ukraine, Iraq… Cầu cho chúng sinh mười phương sống trong an lạc, thái bình, không có oan trái lẫn nhau, không có khổ thân, khổ tâm, thân tâm thường an lạc, được hưởng năm điều an vui và đắc đạo quả Niết Bàn. Tất cả đều được hưởng đồng đều nhau cả thảy.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét