Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Mình có dám dấn thân không?


Mình có dám dấn thân không?

Đức Phật dạy tiếp trong Kinh Tuổi trẻ và hạnh phúc:
Không thấy rõ ái dục, mới vướng vào ái dục, ảo tưởng về ái dục, đưa người về nẻo chết. Ái dục là nguồn gốc của sinh tử. Ái có liên quan tới luyến ái, mắc kẹt vào đối tượng nào đó. Ham muốn sáu trần làm phát khởi sáu thứ dục bao gồm sắc dục, thanh dục, vị dục, xúc dục, ý dục, hương dục. Sáu dục đều có đủ trong tình dục.

Không thấy rõ ái dục, mới vướng vào ái dục. Sở dĩ bị vướng vào ái dục vì vướng vào cảm thọ, tưởng rằng thọ là thật nên muốn nắm giữ. Mắt thấy sắc đẹp, mình thấy dễ chịu nên muốn nhìn vào sắc đẹp đó để tìm kiếm cảm thọ được cho là dễ chịu, ăn uống những thức ăn ngon để cung phụng lưỡi của mình…

Ảo tưởng về ái dục đưa người về nẻo chết. Muốn ăn những thức ăn lạ nên người đi tìm kiếm. Tìm kiếm được và hưởng rồi thì sẽ không bao giờ thỏa mãn vì sự thỏa mãn không thực có. Nếu có thật theo nhận thức của người tìm kiếm thì nó trôi qua rất mau. No nê ái dục, mình muốn thỏa mãn tiếp cũng không được, như khi ăn no những món ưa thích thì không ăn được nữa, hay đối với những người quan hệ tình dục, lúc chưa quan hệ thì họ cứ ham muốn để thỏa mãn, nhưng khi thỏa mãn rồi mà yêu cầu họ thực hiện hành vi quan hệ nữa thì họ không thể làm được, phải chờ một thời gian để năng lượng tình dục phát khởi trở lại.

            Tu tập cũng vậy, tu nhiều quá, bắt tu nữa cũng không được, phải chờ cái đói tới mới tu được tiếp, nên khi tu cần phải có những khổ đau, chính khổ đau nhắc mình tu nữa. Mình cứ tưởng rằng tu là phải có hạnh phúc, cái này phải xem lại vì nhiều khi đó là cái tưởng. Sau mỗi cơn khổ, mình lại tu tập mạnh mẽ hơn, không ai dập sự tu tập của mình xuống được. Cho dù có bị các bậc phạm chí hay các vị sa môn chê bai thì con đường mình đã chọn, mình vẫn cứ đi.

Không bao giờ mình no vì cái cho là no sẽ đói trở lại do quy luật vô thường. Muốn hết đói thì phải ăn, ăn tiếp sẽ no. Cung phụng cho ái dục quá nhiều thì mình sẽ làm việc cho tới chết mà không bao giờ thỏa mãn. Tất cả chúng sinh chạy vào ái dục như con thiêu thân, người ta tưởng về ái dục, như con thiêu thân tưởng về ngọn đèn trong thau nước. Đức Phật ví ái dục như mật trên lưỡi dao, vị ngọt rất ít nhưng lại bị nạn đứt lưỡi.

Ái dục là nguồn gốc sinh tử, người ta sống chết chỉ vì ham muốn của mình. Thực tập thiền, ái dục nổi lên thì phải niệm, không bịt mắt, bịt mũi, bịt tai, bịt lưỡi lại mà hãy nhận rõ rằng đây là một đối tượng không đáng tìm cầu hay dính mắc. Mình ăn uống và có sức khỏe. Sử dụng sức khỏe ngồi thiền, tụng kinh, giúp đỡ người, không ăn uống để no thân và phục vụ cho ái dục, bằng không phước sẽ giảm dần.

Mình có đầy đủ thức ăn là phước rất lớn. Trên thế giới có nhiều người không đủ thức ăn, nước uống, giờ mình có phước đó nên hãy ăn trong chánh niệm, nguyện rằng sử dụng thức ăn này để tu tập tinh chuyên, thành tựu đạo quả, phổ độ chúng sinh. Ăn là để tu, không phải phục vụ cho nhu cầu của ái dục, bằng không là có tội với thức ăn. Ăn uống có hiếu là khi đem năng lượng của sự ăn uống để phụng sự mình và phụng sự chúng sinh.

Thấy chân tướng ái dục, tâm ái dục không sinh, tâm ái dục không sinh, ai cám dỗ được mình. Đối với người tâm bất động dù đối tượng ái dục đứng trước mặt cũng không cám dỗ được. Mình thực tập quán thân bất tịnh, biết thân này là đại gia hôi thối, tiềm ẩn nhiều khổ đau. Thân thể được thế gian xem là ngọc ngà nhưng trong con mắt người tu chứa nhiều thứ bất tịnh, không mang lại giá trị gì, tuy nhiên nếu biết tận dụng chúng để tu tập thì thân này sẽ thanh tịnh như lưu ly. Người ta nói: Tâm Phật sáng ngời như trăng tỏ, thân Phật thanh tịnh như lưu ly. Phải làm cho tâm sáng ngời như vậy, dội tới đối tượng của ái dục nào cũng không bị kẹt, cũng không dính mắc.

Để buông xả những cám dỗ, cách hay nhất là thực tập giữ giới, năm giới cư sĩ là cơ bản, sa di là 10 giới, tỳ kheo là 250 giới... mình có đầy đủ tài sản về giới luật để gìn giữ. Năm giới cư sĩ: Giới thứ nhất là không sát sinh, không giết hại sinh mạng của ai, kể cả các loài động vật và môi trường. Giới thứ hai là tôn trọng quyền tư hữu, có nghĩa là không trộm cắp, không tích trữ đầu cơ, không làm giàu bất chính. Giới thứ ba là bảo vệ tiết hạnh, trước hết là cho mình, không quan hệ trước hôn nhân, không bày đặt sống thử, không quan hệ với người không phải là vợ hay chồng của mình, giữ hạnh chung thủy, nghĩa tào khang. Giới thứ tư là tôn trọng lời nói thật, nghĩa là không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời hai lưỡi và ác ngữ, hay những lời gây chia rẽ. Giới cuối cùng là bảo vệ và nuôi dưỡng thân tâm, chỉ ăn uống những thức ăn lành mạnh, những tiêu thụ qua sáu căn phải lành mạnh. Sản phẩm mình tiêu thụ mà thấy bất an, bạo động, cuồng tín, sợ hãi, hận thù thì đừng tiêu thụ. Trước đây mình đã lỡ tiêu thụ thì mình phải sám hối và nguyện rằng không bao giờ tái phạm, mình phải làm lại, làm mới từ đầu, tu tập là lúc nào cũng phải làm mới. Sám hối đừng tái phạm theo kiểu là : nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên. Khi ái dục tới gõ cửa dụ dỗ mà tâm ái dục không sinh ra thì cho dù hoàn cảnh có đầy dẫy ái dục xung quanh thì không ái dục nào cám dỗ được mình.

Cho nên lúc nào cũng phải có chánh niệm. Chánh niệm là phương pháp như sợi tơ sen trói chặt con mãnh hổ. Mãnh hổ ở đây là tâm ái dục sai sử mình phải chiếm hữu đối tượng ái dục. Khi có chánh niệm miên mật, để luồng điện chánh niệm lúc nào cũng “on” thì trở thành chất kháng sinh kháng lại tất cả vi khuẩn ái dục. Nhìn sâu hơn, đối tượng ái dục không xấu mà do tâm ái dục khiến đối tượng trở lên xấu. Vì thế vấn đề không phải là đối tượng ái dục kia như thế nào mà là tâm của mình như thế nào, nếu tâm ái dục sai sử thì dù đối tượng xấu xí cỡ nào mình vẫn luyến ái như thường. Người ta nói rằng: Chánh niệm miên mật như luồng kháng sinh diệt trừ những con virus gây bệnh. Để buông xả được những cám dỗ phải gìn giữ giới luật, thực tập chánh niệm thường xuyên.

Trừ dục vượt ba mạn, tâm lặng hết mong cầu, mọi đau phiền cởi bỏ, đời này và đời sau. Sở dĩ người ta khổ vì người có ba sự so sánh, so sánh hơn, kém, bằng.

Mặc cảm hơn kém bằng, tạo ra nhiều rối rắm, ba mạn đã vượt rồi, tâm không còn khuynh động. Khi ai hơn mình, mình ghen tức: Tại sao người đó có nhiều tài sản hơn, hạnh phúc hơn… tâm đố kỵ phát khởi gây ra phiền não. Để diệt trừ tâm ghen tỵ, đố kỵ thì thực tập tâm tùy hỷ, thấy người hạnh phúc quá thì khởi tâm: Hay quá, người có phước quá! và mình vui với hạnh phúc của người. Khi thấy người giỏi giang, điểm cao nhất lớp, thi đậu thủ khoa: À hay quá, anh này phải rày công lắm mới đạt được kết quả như vậy. Bản thân điều chỉnh tâm lại, phát tâm tùy hỷ thì thấy vui vẻ, còn khi phát khởi ý nghĩ đố kỵ, ghen tỵ mai kia mình thành công sẽ có người ghen tỵ lại, phải trả nghiệp bị người khác ghen tỵ. Khi ghen tỵ nổi lên thì biết: À con đang có tâm ghen tỵ nổi lên. Tâm bất thiện sẽ dẫn tới những hành động bất thiện, dừng lại tâm này và phải niệm cho cái tâm lắng dịu đi cho tới khi không còn nữa, tâm bất thiện nào khởi lên hãy thực tập chuyển hóa cho được, đó là chánh niệm về tâm. Làm được vậy sẽ thoải mái an nhiên trong mọi hoàn cảnh.

Khi kém người, mình tự ti mặc cảm, khi hơn người mình kiêu căng, khi bằng người thì mình so đo. Cho nên đức Phật dạy mặc cảm hơn, kém, bằng tạo ra nhiều rối rắm. Sở dĩ thế giới này tranh giành do đâu? Mười phương loạn lạc cả mười phương, tranh giành từng thị phần. Có người là tỷ phú vẫn phá sản như thường, trong một đêm mất 30 tỷ, đó là một tỷ phú bên Đức. Hãng General Motor được xem là một tập đoàn lớn của Mỹ vẫn phải nộp đơn xin phá sản, chính phủ không cứu thì tòa án sẽ chấp nhận đơn phá sản và không còn tập đoàn này nữa. Tập đoàn Siemens bên Đức đang nằm trong vòng khủng hoảng. Đây là tập đoàn đa ngành nghề, tuyển dụng hàng chục nghìn nhân viên làm việc, khi khủng hoảng tới thì vẫn có nguy cơ bị phá sản. Hãng phim Kodak phá sản sau 133 năm. Cho nên không có gì là mãi mãi, không có gì là muôn năm. Một tập đoàn lớn có thời gian tồn tại hàng trăm năm như vậy vẫn bị sụp đổ huống chi tình cảm, sự nghiệp, tài sản của một cá nhân, nó còn mong manh hơn nhiều.

Mạng sống của mình cũng rất mong manh, đâu biết mai mình có còn sống? Con biết ngày mai con sẽ chết, con chỉ còn 24 tiếng đồng hồ cho nên con phải làm cho 24h đồng hồ đó thật sự tinh khôi. Muốn cho tinh khôi con phải thực tập giới định tuệ miên mật, 9h con đi ngồi thiền, 4 giờ sáng con dậy đi thiền, 10h con tụng kinh, tụng giới, sám hối, thực tập rải tâm từ bi, và trong những giờ đó con đúc rút mình đã thành tựu được gì và chưa được gì? Đừng để ngày mai mới làm vì mai còn sống nữa đâu mà thực tập. Có bài hát là Nếu chỉ còn một ngày để sống, nếu còn một ngày để sống con sẽ sống sâu sắc trong giới định tuệ, tất cả những luyến ái tham dục khác bỏ hết, không đáng cho con tìm cầu vào. Khi thực sự có giới định tuệ thì dù một ngày thôi, ngày mai có chết con vẫn bình an.

Đức Phật dạy rằng cho dù sống 100 năm không thấy pháp diệt sinh đâu bằng sống môt ngày mà thấy pháp diệt sinh. 100 năm mà ngày nào cũng phạm giới hết đâu bằng ngày nào cũng sống có giới định tuệ. Trong cuốn Thảnh thơi đi giữa dòng đời tôi có viết bài Bình yên khi mái tóc còn xanh. Sự thực tập giới định tuệ không dành cho người già mà dành cho người trẻ tại vì già đâu còn sức phải nhờ máy niệm giùm, ngồi thiền không nổi chỉ có thể nằm thiền, nhiều khi nằm cũng không nổi suy nghĩ đủ thứ hoặc đi vào giấc ngủ. Cho nên khi còn trẻ phải thực tập ngay, như thế con đường bình yên của mình sẽ được dài hơn, còn người già nếu thành công thì chỉ bình yên lúc già. Mình còn trẻ và hãy biết rằng bản thân may mắn hơn người già rất nhiều. Người già mà không lo thực tập thì người già vẫn đau khổ, có thể thân thể đã già mà đầu óc vẫn còn trẻ thơ vì không thực tập.

Còn trẻ mà gặp được Phật Pháp thì biết rằng mình may mắn, phước đức rất lớn, nếu thực tập nữa thì phước đức lớn hơn nữa, nếu mang lại hạnh phúc thực sự cho mình và cho người xung quanh thì lại càng lớn nữa. Bởi vậy phải hiểu rằng trong gia đình mà có một đứa con đi tu thì phước rất lớn và nếu ngăn cản đứa con đi tu thì biết bao phước đức trước đây mất hết, thậm chí tạo nghiệp xấu. Khi đứa con đi tu hãy hết sức hoan hỉ vì đứa con này mang lại phước đức không biết bao nhiêu. Khi đứa con đi tu thì gia đình hưởng phước ba đời, nếu đứa con thành đạo thì hưởng phước bảy đời.

Đức Phật dạy rằng: Trừ dục vượt ba mạn, tâm lặng hết mong cầu, mọi đau phiền cởi bỏ, đời này và đời sau. Có nghĩa là phước của mình hưởng do sự tu tập mang lại không chỉ có đời này mà cả đời sau. Tại sao mình không lo tu tập, ngay khi thực tập thì sẽ có hạnh phúc liền, vừa niệm câu A Di Đà Phật là có hạnh phúc liền, không đợi tới khi thực tập xong 108 niệm. Còn nhiều bài để mình thực tập như thực tập thiền theo dõi hơi thở, đi thiền... hạnh phúc vô cùng. Khi mình thực tập và có người tu xung quanh nhắc nhở mình thực tập, giúp cho mình đi đúng con đường là biết mình hạnh phúc lớn nhường nào, không có gì bằng. Không phải có máy bay, nhà cao cửa rộng mới có hạnh phúc, những tài sản sự nghiệp cao lớn làm cho mình khổ, tình cảm dính mắc làm cho mình khổ, con cái làm cho mình khổ… Thấm thía được nỗi khổ của cuộc sống cho nên con quyết tâm hành trì thực tập giới định tuệ để có thể chuyển hóa nỗi khổ niềm đau của bản thân, của chồng vợ, ba mẹ, của thế hệ tiếp nối và người sống xung quanh con. Muốn giúp được cho người xung quanh thì phải thực tập, nếu không có kinh nghiệm thì không thể giúp, nhắm mắt mà giúp thì việc giúp sẽ khiến người mất niềm tin vào Phật pháp, là tạo nghiệp. Khi có tu có chứng có an lạc có thảnh thơi thì mình mới có thể giúp cho người khác. Thời gian đầu hãy chuyên tu, bởi khi tu là đã giúp đời, cuộc đời bớt đi điều bất thiện, ba mẹ bớt lo lắng vì mình có thể đứng vững trên đôi chân của mình.

Đứa con đi tu là đứa con có hiếu, vì có thể tự xây dựng thành trì hạnh phúc cho mình, nhìn đứa con không còn khổ đau, ba mẹ sẽ không còn lo lắng. Khi con có thành tựu quay về độ cho ba mẹ, ba mẹ có những tập khí khổ đau vô cùng, giờ con của mình về có cơ hội thực tập, mình nương vào. Ngày xưa con nương mình, giờ mình nương con. Giống như thuở ban đầu thì học trò nương thầy, giờ thầy già cả rồi, đầu hai thứ tóc, thầy giờ nương vào mấy đứa học trò. Cho nên chúng ta nương tựa vào nhau, vạn vật nương nhau mà sống, không ai đơn phương độc mã cả, khi ta mất cái này sẽ có cái kia. Mất cha còn mẹ, mất mẹ còn thầy, mất thầy còn bạn. Cho nên là nương nhau mà sống và mình đừng cho mình có cảm giác cô độc, mình không bao giờ bị cô độc cả.

Đi thiền không được thì ngồi, ngồi thiền không được thì nằm, nằm ngửa không được thì nằm nghiêng thiền, không thiền được thì niệm Phật, niệm không được thì nghe, nghe không được thì nhìn… có đầy đủ phương tiện thực tập, không có gì bế tắc lúc nào cũng có con đường cho mình đi, vấn đề là có dám bước vào con đường không, có dám buông bỏ những dính mắc để thực tập giới định tuệ hay không. Những người đi tu là người rất dũng cảm vì đã chiến thắng những tên giặc, tên trộm lôi kéo mình luyến ái ở trong tâm. Khi bị những tên trộm, tên giặc lôi kéo đi, mình sẽ bị bầm dập, cho tới lúc ngồi lại không hiểu tại sao mình bị bầm dập.

Phải thực tập bố thí, bố thí ba la mật: nội thí, ngoại thí, pháp thí, và vô úy thí. Ngoại thí là bố thí những đối tượng bên ngoài như cơm áo gạo tiền tứ vật dụng, bố thí cho người cần. Trong thời buổi khó khăn mà bố thí được như vậy là hay lắm, nhưng còn có sự bố thí hay hơn là nội thí, như người hiến máu, nội tạng, bố thí những thứ bên trong khó hơn những cái bên ngoài. Lại còn có sự bố thí hay hơn nữa là pháp thí, pháp thí là nói pháp cho người khác nghe, để họ tu tập và chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, giúp họ có được bình an trong cuộc sống. Để nói pháp thì mình phải tu để có kinh nghiệm truyền đạt, không chỉ có tu sĩ nói pháp mà cư sĩ cũng nói pháp được vậy. Không cần nói lời hoa mỹ cao siêu mà chỉ cần bình dị, dân dã, gần gũi, vì đức Phật dạy phải sử dụng những ngôn từ gần gũi với đối tượng nghe để họ dễ tiếp nhận. Khi bố thí pháp phước đức rất lớn. Cuối cùng có loại bố thí cao siêu nhất, đó là vô úy thí. Vô úy thí là gì? Là một loại tâm. Trong 51 tâm hành có hai loại tâm đi với nhau là vô ưu và vô úy, tâm vô ưu là tâm không phiền não, tâm vô úy là không sợ hãi, mà không sợ hãi tức là bình an, an lạc. Bố thí vô úy ban tặng bình yên an lạc cho người khác và muốn ban tặng như vậy phải thực tập giới định tuệ, có bình yên rồi thì mới có thể vô úy. Nếu như đã có đóa hoa vô ưu tức là không phiền não thì hãy làm tiếp một đóa hoa không sợ hãi, đóa hoa vô úy.

Đức Phật Dược Sư có nguyện rằng: Cho dù mặt trăng mặt trời có sập xuống tôi vẫn thực tập tất cả các hạnh của Phật. Còn giờ mình nguyện chỉ một chút, khổ đau của mình có chút thôi đã chịu không nổi vậy làm sao có thể đối diện với những khổ đau lớn hơn, đó là vấn đề sinh tử. Những khổ đau về tiền bạc, tình cảm, sự nghiệp, học hành không so sánh được với khổ đau của sinh tử. Cho nên muốn bố thí vô úy tức là không sợ hãi thì phải thực tập giới định tuệ và đem cái tâm vô úy đó cúng dường chư Phật.

Đức Phật có dạy rằng không có hương thơm nào bằng hương thơm của giới, của định, của tuệ, của tri kiến, của tri kiến giải thoát. Hãy đem những hương thơm này đem lên bàn thờ cúng dường chư Phật. Không cần cúng hoa quả, nước, quần áo quá nhiều, mà cách cúng dường cao thượng nhất là sự tu tập, hãy đem tâm tu mà cúng dường chư Phật, mình hãy đọc lại Kinh Cúng dường cao thượng. Ngoại thí có thể đem lại cho mình giàu sang, nội thí có thể đem lại cho mình sức khỏe, pháp thí có thể mang lại cho mình trí tuệ, vô úy thí thì mang lại cho mình quả vị giải thoát. Đó là nhân quả trong sự thực tập nên bố thí mà cầu giàu sang thì mong manh, cầu sức khỏe vẫn mong manh, cầu trí tuệ thì dày hơn, còn cầu giải thoát, cầu gặp đạo nhiệm mầu mới gọi là cầu nguyện tối thượng. Người ta nói: Khi bố thí không cầu phước báu giàu sang trí tuệ chỉ mong thấy đạo nhiệm mầu. Cho dù làm tỷ phú như Bill Gates mà vẫn trải qua sinh tử thì vẫn khổ đau như thường, cho nên mình thực tập bố thí ba la mật, bố thí chỉ để bố thí vì không thấy ai bố thí, không thấy vật bố thí, không thấy ai nhận, tất cả là do duyên sinh duyên diệt, tùy duyên mà bố thí. Bố thí là một trong sáu pháp môn đi tới giải thoát, đi song hành với giữ giới. Ngày xưa đức Phật bố thí mà cái thân cũng cho, cho con sư tử đang đói.
Kinh Tuổi trẻ và hạnh phúc tuy dài nhưng thực ra tinh yếu chỉ có như sau:

Không thấy rõ ái dục
Mới vướng vào ái dục
Ảo tưởng về ái dục
Đưa người về nẻo chết.

Thấy chân tướng ái dục
Tâm ái dục không sinh
Tâm ái dục không sinh
Ai cám dỗ được mình.

Mặc cảm hơn, kém, bằng
Tạo ra nhiều rối rắm
Ba mạn đã vượt rồi
Tâm không còn khuynh động.

Trừ dục, vượt ba mạn
Tâm lặng, hết mong cầu
Mọi đau phiền cởi bỏ
Đời này và đời sau.

Hãy học thuộc lòng bốn bài kệ trên. Mình buông bỏ chấp, không còn ba mạn, chánh niệm tâm thì sẽ nhận diện ra được ái dục phát khởi và mình chấm dứt ái dục đó đi. Đó là nội dung bài Kinh Tuổi trẻ và hạnh phúc. Nghe xong rồi mình hãy nằm thiền, ngồi thiền, niệm giới… có rất nhiều bài thực tập cho mình. Mình thật là may mắn. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét