Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Hạnh phúc của tuổi trẻ


Hạnh phúc của tuổi trẻ     
Giảng vào ngày 07-12-2013

Người thế gian thích cái vui phi thời. Ví dụ nhắn tin cho người thương và người ta nhắn tin lại thì mình vui. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Nhắn cho cô đó tin yêu thương là mình đã gán nợ cho mình rồi, và cô đó nhắn lại một tin nhắn yêu thương thì cô đó trả nợ lại cho mình. Đức Phật hướng dẫn ta không tìm kiếm lạc thú phi thời mà hay tìm kiếm lạc thú chân thật.

Tôi được nghe như vầy, vào một thời mà Phật cư trú tại tu viên trúc lâm Ca Lan Đà tại kinh thành Vương Xá. Vào một sớm mai nọ có một vị khất sĩ ra sông cởi y áo rồi xuống nước tắm gội xong vị ấy lên bờ đợi cho mình khô ráo rồi mặc y áo vào.

Một vị khất sĩ khi đi xuống sông tắm gội phải tìm chỗ rất kín đáo để không ai nhìn thấy, tắm gội xong lại đi lên, đợi khô ráo rồi mặc quần áo vào. Trên cơ thể có thể còn có nội y bên trong.

Bấy giờ một thiên nữ, xuất hiện trong hào quang, từ thân hình phát ra, soi sáng cả mặt sông.

Để sinh về cõi chư thiên thì phải làm phước, giữ giới rất nhiều. Vị thiên nữ xuất hiện nơi vị khất sĩ mới tắm gội và hai vị trò chuyện với nhau. Điều này chứng tỏ vị khất sĩ có thiên nhãn thông.

Thầy vừa mới xuất gia tuổi vẫn hay còn trẻ, giờ này đáng lý ra phải xông ướp hương thơm, trang điểm các châu báu, đeo các tràng hoa thơm, hưởng thọ năm thứ vui. Ấy vậy mà thầy bỏ, xa lìa những người thương, quay lưng với thế tục, chịu đựng sự biệt ly, cạo bỏ đi râu tóc, khoác chiếc áo cà sa, phát tâm nguyện xuất gia. Tại sao thầy lại bỏ, cái lạc thú hiện tại, mà rong ruổi đi tìm, cái lạc thú phi thời?

Vị thiên nữ có ý niệm người trẻ thì phải ăn mặc đẹp đẽ, trang điểm xông hương, chăm chút bề ngoài cho bắt mắt, hấp dẫn. Ngày trước mình ăn ở xuề xà, hay không sạch sẽ lắm nhưng để ý tới ai rồi thì lại ăn mặc thời trang đủ thứ, siêng vệ sinh cá nhân để có vẻ thơm tho hấp dẫn người kia bằng nét kiều diễm hay phong trần của mình.

Tại sao thầy không hưởng thọ năm thứ vui. Năm thứ vui là tài, sắc, danh, thực, thùy. Tài là tiền bạc, mình chạy theo tiền bạc rất nhiều, quên ăn quên ngủ và mình xung đột chém giết nhau cũng vì điều này. Thứ hai là sắc. Sắc không đơn thuần là sắc tứ đại mà còn thanh sắc, hương sắc, vị sắc, xúc chạm sắc và suy nghĩ sắc. Người ta nói về danh và sắc, sắc ở đây là tất cả sáu trần. Khi thực tập thu thúc sáu căn có tâm sở xúc và sự đụng chạm vào da thịt diễn ra thì xúc biểu hiện, nhưng chưa đủ, mắt cũng tạo ra xúc, khi mắt nhìn thấy sắc là đã tạo ra xúc. Tai khi tiếp xúc với âm thanh cũng tạo ra xúc và để tâm ý biết về những điều đó thì tạo ra thức. Mình có sáu căn, sáu trần, sáu thức, sáu xúc. Người ta nói mắt xúc sắc, tai xúc âm thanh, lưỡi xúc mùi vị, mũi xúc mùi hương, thân xúc xúc chạm, ý xúc pháp.

Thú vui thứ ba là danh, tức danh lợi. Mình muốn được nhiều người công nhận, biết đến, muốn điều chỉnh, sửa lại cũng là một cái danh.

Viết xong một bài mình đề tên tác giả là TG Minh Thạnh. Mình muốn nói cho người biết là bài này của tôi, do tôi viết. Tuy nhiên nếu mình thực tập quán chiếu thì sẽ thấy không có ông TG Minh Thạnh nào cả, nếu như ngày xưa sư phụ không đặt tên là Minh Thạnh thì không có Minh Thạnh và nếu không do trùng tên thì không có TG phía trước pháp danh. Trước khi viết bài mình đã ăn cơm, uống nước, đã nghe nhiều vị  thuyết pháp, cùng với sự thực tập, tất cả những điều đó gom lại mới đủ sức viết một bài. Bài viết kia là do bữa cơm viết, chai nước viết, vị sư giảng viết, sự thực tập viết, không có đối tượng nào là chủ thể duy nhất viết. Người ta đọc xong buông lời khen chê thì đang khen chê cái trống không mà thôi.

Thứ bốn là thực. Thức ăn không chỉ là đưa vào miệng, thức ăn còn đưa vào mắt, mũi, vào tai, thân thể, vào suy nghĩ cho nên thức ăn đi vào sáu căn và người ta chạy theo những thức ăn đó. Làm marketing thì đánh vào sáu căn là chủ yếu. Cuối cùng là thùy, tức ngủ nghỉ. Không nên ngủ quá nhiều. Mệt và bệnh thì  có quyền ngủ nhiều hơn để mau lấy lại sức nhưng sự nghỉ đó đừng kẹt vào mà hãy thực tập chánh niệm trong khi nghỉ. Thanh quy trong chùa thường phải dậy lúc ba giờ sáng. Bị bệnh thì việc này có thể uyển chuyển hơn. Sức khỏe bình thường thì nên dậy sớm.

Tài, sắc, danh, thực, thùy là năm thứ dục. La rầy người khác cũng là cái dục, mình muốn chứng minh là người bề trên.

Ấy vậy mà thầy bỏ, xa lìa những người thương, quay lưng với thế tục chịu đựng sự biệt ly, cạo bỏ đi râu tóc. Vị thiên nữ nghĩ đi tu là xa lìa với người thương, quay lưng với thế tục và biệt ly là sự chịu đựng. Tu là không chỉ cho riêng mình mà còn cho ba mẹ, cho tổ tiên, cho thầy, cho tất cả chúng sinh. Đi tu nhưng thực ra vẫn rất gần gũi với người thương. Sở dĩ mình cho là xa lìa, là còn kẹt vào tướng. Người xuất gia thực tập không kẹt vào tướng, thực tập nhìn bằng con mắt vô tướng.

Buổi sáng đi thiền hành với bài: Từng bước cứ đi, đạp vào sự sống, không cần hối hả, không cần vội vã… Nếu lỡ quên mình niệm thành: Từng bước cứ đi, đạp vào chúng sinh thì thầy không còn có mặt. Nếu có chánh niệm liền biết mình đã lầm, mình đi đúng theo bài kệ trở lại và lập tức thầy có mặt ngay cho mình. Chỉ cần bước ra khỏi ranh giới vòng tròn của Tôn Ngộ Không vẽ là sẽ bị ma phiền não bắt. Hãy tạo một vòng tròn như thế, vòng tròn chánh niệm, soi sáng thân tâm mình. Đi vào trong quân ngũ nếu có thực tập, không bị cho những cực khổ trong quân ngũ nhấn chìm, mình có an lạc trong tâm hồn là thầy có mặt và yểm trợ cho mình.

Có hợp là có tan. Tất cả là do nhân duyên. Duyên còn thì không níu kéo, ta vẫn gặp nhau. Duyên hết thì dù níu kéo cách mấy vẫn chia lìa. Sự chia lìa theo suy nghĩ của thiên nữ là về tướng. Người tu phải nhìn bằng con mắt vô tướng. Dù bạn Tới có đi vào quân ngũ thì ở bên cạnh thầy vẫn có bạn Tới. Thầy đi khám bệnh hay đi chùa nào đó mà có một bạn khác đưa thầy đi, thì thầy biết: À, tôi thấy bạn Tới ở trong bạn này này. Mình thực tập mình thấy thầy ở trong mình, Tam Bảo ở trong mình và sẽ không sợ hãi, mình không kẹt vào tướng.

Đi xa thì mình sẽ  nhớ gia đình nhưng không để cái nhớ trong sự khổ đau. Hãy nhớ một cách thông minh. Đừng để cho cái nhớ lay lắt mình. Đem cái nhớ gói trong hỷ lạc. Ba mẹ trong mình nên dù ở xa nhưng khi thực tập có an lạc thì ba mẹ cũng sẽ an lạc. Ba mẹ chưa có đủ thuận duyên gặp Phật pháp nên có nhiều khổ đau, giờ mình có cơ hội thực tập thì phải thực tập giùm cho ba mẹ, đó mới là có hiếu. Có điều kiện thì chia sẻ phương pháp thực tập cho ba mẹ.

Cạo bỏ đi râu tóc. Người thực tập quán chiếu vô thường, thấy râu cạo rồi lại mọc ra nữa là biết ngay vô thường, thế thì tại sao mình lại ngại sự đổi thay, lại ngại chuyện trời mưa hay nắng. Trời mưa thì đi trong mưa, trời nắng thì đi trong nắng. Nếu như ngồi bực bội chuyện trời mưa lạnh quá, nắng nóng quá thì bị hoàn cảnh chi phối và không có vô tâm. Đi trong mưa đã mệt lắm rồi. Ai cũng chịu chung số phận với mình mà còn bực bội cơn mưa thì mình đang nhân gấp đôi sự khổ đau lên.

Trên thế gian này ai cũng phải chết thì tại sao phải sợ cái chết. Sống lâu mới sợ vì hưởng phước ăn uống lấy từ đất mẹ nhiều quá mà không lo tu thì chỉ tiêu phước. Không cần sống lâu mà mình chỉ ước trong giây phút này có niệm, có định, có tuệ, có sự tỉnh thức là được. Sống lâu cách mấy mà năm giới đều phạm thì khi mất đi sẽ mất thân người ngay lập tức.

Tại sao thầy lại bỏ, cái lạc thú hiện tại, mà rong ruổi đi tìm, cái lạc thú phi thời? Thiên nữ cho rằng việc xuất gia là lạc thú phi thời, đột xuất: Chắc ông đó đột xuất đi xuất gia. Phải khổ đau mới đi tu, hiếm khi mình tự phát khởi lòng trắc ẩn rồi quán chiếu được sự sống và quyết chí đi tu như đức Phật ngày xưa. Đức Phật đâu có khổ, nhờ quán chiếu những hình ảnh mà ngài thấy trên đường đi khi lần đầu ra ngoài cổng thành, nhìn thấy cảnh sinh, lão, bệnh, tử và người phát khởi một lòng trắc ẩn và muốn đi tu. Người đời bây giờ khổ điều gì đó chịu không nổi và muốn tìm kiếm một bến đỗ được xem là có chút bình yên, tuy vậy thà như thế còn hơn là tiếp tục dấn thân vào con đường mà biết chắc chắn là không có bến đỗ. Ví dụ người khó khăn trong sự nghiệp,  làm ăn thất bát, nợ nần chồng chất, khổ quá và tìm tới Phật pháp để thân tâm được nhẹ nhàng hơn thì đó vẫn hay hơn, tốt hơn nhiều so với những phương cách khác. Vị thiên nữ cho rằng lạc thú hiện tại là tài, sắc, danh, thực, thùy cần phải hưởng thụ.

Vị khất sĩ trả lời:
Tôi nào đâu có bỏ, cái lạc thú hiện tại, tìm lạc thú phi thời. Tôi đã bỏ đi cái lạc thú phi thời để tìm cái lạc thú chân thật trong hiện tại.

Có thể hiểu thế này: Cô có nhầm không, cái cô nói là ảo đáng lẽ ra nó là thực, cái cô nói là thực thực tế nó là ảo. Cho nên cô phải đổi lại, năm thứ dục rất đột xuất, mong manh cho nên tôi muốn tìm cái hạnh phúc bền vững, vĩnh cửu và hạnh phúc này chỉ có được khi đi qua con đường thực tập. Tôi thực tập chánh niệm 24/7, tôi đem hạnh phúc vào đời sống hằng ngày của tôi, tôi có niềm vui hạnh phúc suốt ngày và hạnh phúc của tôi là con đường tôi đi chứ không phải cuối đường.

Từ giường ngủ đi ra nhà vệ sinh cũng là con đường mình đi có hạnh phúc. Cho nên người đời chạy theo thú vui phi thời mà cứ tưởng đang có những hạnh phúc chân thật.

Vị thiên nữ hỏi tiếp:
Thế nào là bỏ đi cái lạc thú phi thời để tìm cái lạc thú chân thật?

Vị thiên nữ ngạc nhiên và ngạc nhiên thì hỏi.

Vị khất sĩ trả lời:
Đức Thế Tôn có dạy, trong cái vui phi thời, của các loại ái dục, vị ngọt thì rất ít, mà cay đắng rất nhiều, cái hưởng thụ rất bé, mà tai họa rất lớn.

Trong kinh Bốn mươi hai lời dạy, Đức Phật dạy rằng người tận hưởng dục như nếm mật ngọt trên lưỡi dao, mật ngọt không nếm được bao nhiêu mà bị tai họa đứt lưỡi. Đi vào sự ham muốn đối tượng nào đó thì vị ngọt rất ít mà cay đắng rất nhiều. Người kiếm tiền phải cực khổ lắm người mới giàu. Người có sắc đẹp dính mắc và tự hào về sắc đẹp bao nhiêu thì khi thời gian trôi, vô thường đến, nhan sắc tán loạn, người sẽ buồn khổ bấy nhiêu.

Hưởng thụ rất bé mà tai họa rất lớn, Mới mua ti vi về, mình thích chí, ngày nào cũng coi nhưng tuần thứ hai bắt đầu giảm dần, thời gian sau thấy ngán coi luôn. Có người thích ăn phở, nhưng khi đã no rồi kêu ăn nữa thì không ăn được. Sự hưởng thụ dục lúc nào cũng có sự ngán ngẩm và mình khổ đau về sự ngán ngẩm đó, vì không thỏa mãn được cái ham muốn cao hơn nữa. Khi biết sự nghiệp không đi về đâu thì tại sao lại tiếp tục đi vào một cái hố. Biết khối tình không đi về đâu thế thì tại sao mình lại đi tiếp để cho trái tim đớn đau. Biết món ăn sẽ gây phiền toái, tại sao không ngừng lại mà tiếp tục ăn để đi vào nghĩa địa nhanh hơn. Mình chưa đủ dũng cảm để vượt qua những dục lạc như vậy. Một ông tỷ phú trong một đêm mất 30 tỷ đô la Mỹ, rất mau.

Trong hưởng thụ có những tai họa rất lớn mà mình không thấy được, cứ chạy theo ái dục thì sẽ làm mồi cho ái dục. Thức ăn của ma vương chính là khổ đau, khi mình có càng nhiều khổ đau thì ma vương càng no nê.

Tôi giờ đây an trú, trong hiện pháp an lạc, lìa bỏ được phiền não, vượt ra ngoài thời gian, đi đến để mà thấy, chính tự mình thông đạt, chính tự mình giác tri.

Vị khất sĩ nói tôi giờ đây an trú trong hiện pháp an lạc là đang sống sâu sắc trong hiện tại, thực tập an lạc hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Phiền não nào khởi lên thì mình niệm để chuyển hóa ngay lập tức, không để phiền não hiện ra nữa. Pháp môn Hiện Pháp Lạc Trú là tự mình thông đạt, tự mình tu tự mình thấy. Bạn Tới muốn có an lạc thì bạn ấy phải tu, phải thực tập chánh niệm, niệm giới, niệm định, niệm tuệ, không thể thầy thực tập mà bạn ấy có an lạc.

Chuẩn bị kỹ cho mình khi cơn sóng thần tới. Cơn sóng thần có thể mang những khổ đau. Có người khổ đau tới bất thình lình thì không chịu nổi chỉ muốn chết đi. Chuyện tình Romeo và Juliet cả thế giới ca ngợi là đẹp vì yêu nhau mà chết chung là đẹp. Nguyễn Du còn có câu: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Người có ý niệm như vậy. Dang dở sao mà đẹp, hai người yêu nhau phải uống thuốc độc tự tử thì đẹp sao được. Tình yêu bế tắc vì hai dòng họ không hòa giải được với nhau, nội kết giữa họ quá lớn nên chính con cháu là những hệ lụy. Có những dân tộc tới giờ vẫn còn nội kết hận thù vì không buông ra được, không để tâm tha thứ choàng lấy sân hận, không đủ dũng cảm buông sân hận ra. Giận ai, nhiều khi ngồi một mình và nghĩ rằng thôi thì tha thứ cho người này nhưng hôm sau nhìn lại gương mặt thấy ghét và thôi tha thứ nữa.

Việc tu là do tự mình tu,  muốn có an lạc thì đi vào con đường an lạc mà thực tập. Tu tập thì phải hạ thủ công phu, phải sửa đổi, đã hay lại hay hơn, loại bỏ những bất thiện từ từ. Tuy nhiên đừng tu một cách dồn dập, ép thân tâm vì sẽ không thấy kết quả mà chỉ thấy phiền não nổi lên. Như một sợi dây đàn căng quá thì đánh lên sẽ đứt. Còn nếu tu mà lười biếng thì như dây đàn chùn, chơi không ra tiếng. Tu vừa phải và tùy theo hoàn cảnh mà tu.


Đây như một bài kinh giữa đời và đạo. Người đời cho năm thứ dục là những mục tiêu tối thượng. Trường dạy học đều dạy nhận ảo làm thật, nhận thật làm ảo. Những điều này đã viết rất chi tiết trong cuốn Người chiến binh trong thế giới ảo. Cuốn này đơn giản, ngôn từ trẻ trung nhưng có những điều mình thực tập cả đời vẫn chưa làm được. Đâu là thật và đâu là ảo, không phải chuyện dễ.  

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Từ bi thênh thang như trời xanh


Từ bi thênh thang như trời xanh
Bậc tri túc có đủ đức tài
Thảnh thơi an nhàn tránh nạn tai
Đêm ngày an trú trong chánh niệm
Niết Bàn cực lạc ở nơi đây.
Chánh trực lòng an luôn đoan trang
Lương thiện ôn hòa không khoe khoang
An nhiêu thiểu dục luôn tri túc
Thế sự lợi danh quyết không màng.
Sáu căn nghiêm phòng luôn chế ngự
Dục trần không liều lĩnh luyến mong
Tinh thần trong sáng không nhơ bẩn
Không chê trách phê bình thánh nhân.
Luôn nguyện cho cả thảy chúng sinh
Thế giới an lạc không chiến tranh
Luôn nguyện cho bốn loài ba giới
Dù yếu mạnh ngắn dài bình trung
Dù béo gầy nhỏ lớn thấp bé
Dù vô tưởng hữu hình gần xa
Đều phước lành vô biên cộng hưởng.
Nguyện không vọng ngữ hay lừa dối
Không khinh miệt người làm hư danh
Dù cho xóm giềng hay thân thuộc
Người dưng kẻ lạ chốn xa xăm
Nguyện không phẫn nộ không hờn giận
Không lo âm mưu nghĩ hại người.
Nguyện tình thương cả thảy chúng sinh
Như lòng mẹ luôn luôn cần mẫn
Trăm cay ngàn đắng vẫn vui cười
Dù cho sinh mạng mất tất cả
Tình thương vẫn bao la thiên hạ
Từ bi thênh thang như trời xanh.
Theo gương Phật học thánh hiền nhân
Rải tình thương khắp cõi Ta Bà
Nguyện chúng sinh thoát vòng khổ não
Vượt luân hồi ra khỏi tử sinh.
Rải tình thương bốn phương tám hướng
Từ bi hỷ xả tấm lòng thành
Mặt hồ phẳng lặng lòng trong sạch
Không ác cảm không vương tư thù
Đêm ngày an trú trong chánh niệm
Đi đứng nằm ngồi chẳng nghĩ suy.
Hạnh phúc hiện tại và vị lai
Nhập lưu dòng thánh sẽ không sai
Khai thông tuệ nhãn A Hàm Tuệ
Đoạn tuyệt tà kiến cảnh bất lai
La Hán Niết Bàn đang chờ đón
Viên thành đạo quả hết nạn tai.


Trước khi hành thiền mình nên đọc kinh từ bi. Ngày xưa các vị khất sĩ vào rừng thực tập và gặp nhiều trở ngại. Trở ngại thứ nhất là do nghiệp trong quá khứ kéo về dầy đặc, thứ hai là những oan trái quá khứ. Thấy người tu, đặc biệt là những vị sắp đạt quả vị giải thoát thì bao nhiêu oan trái kéo tới hết để đòi cho bằng được. Thứ ba là những yếu tố không thích mình và năng lượng tiêu cực xung quanh và bên trong lôi kéo. Phương pháp đọc kinh từ bi nhằm đối trị với những chướng duyên trong khi thực tập, giúp vững tâm đi vào thiền dễ dàng hơn. Đừng ngại đọc kinh từ bi vì cho rằng sẽ tốn một khoảng thời gian,. Trường hợp gấp rút quá mình có thể chỉ đọc sáu câu cốt lõi trong kinh:

Nguyện tình thương cả thảy chúng sinh
Như lòng mẹ bao la cần mẫn
Trăm cay nghìn đắng vẫn vui cười
Dù cho sinh mạng mất tất cả
Tình thương vẫn bao la thiên hạ
Từ bi bao la như trời xanh.

Sáu câu này được xem là quan trọng nhất trong kinh, chỉ cần thực tập sáu câu này vẫn có thể giải thoát như thường. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được. Ngồi thiền xong thì thực tập rải tâm từ. Trước hết rải cho chính mình để tự thân có tâm từ, sau đó rải tâm từ tới người thương rồi cả người mình chưa thương được, rải cho tới khi tâm ghét bỏ thù hận chảy ra, mình ôm được thù hận và chuyển hóa chúng, yêu thương họ như chính bản thân mình. Rải tiếp tới những giống loài khác, môi trường, trái đất, vũ trụ bao la, hư không. Trong hư không có biết bao nhiêu chúng sinh, nhưng có nhiều lắm những chúng sinh không được ai hồi hướng, không có ai tụng kinh cho nghe. Mình hồi hướng tới mười phương tám hướng để đụng tới những nơi như vậy.

Người làm xong một việc thiện như: tụng kinh, ngồi thiền, làm phước… thì trong tâm đang sở hữu rất nhiều năng lượng từ và mình nên rải tâm này ra.

Có bài kệ nghe chuông:

Chuông là vị bồ tát
Ngân nga khắp trần gian
Nguyện thức tỉnh khắp chốn
Phiền não đều tiêu tan

Lắng nghe và nương theo tiếng chuông mang tình thương tới chúng sinh. Nhìn cơn mưa, rải tâm từ theo cơn mưa, nguyện cho cơn mưa này rơi tới đâu thì tình thương rải tới đó. Ánh sáng mặt trời, không khí, làn gió, không gian… cũng nên nương theo và rải tâm từ theo. Người thường xuyên thực tập rải tâm từ sẽ được nhiều người yêu mến, đó là nhân quả vì mình rải tâm từ cho người thì người sẽ thương lại mình, công đức của người thực tập rải tâm từ là vậy. Mình thương mến tất cả chúng sinh nhưng cũng mong tất cả chúng sinh thương mến mình.

Rải tâm từ trong mọi hoàn cảnh. Ví dụ lúc chạy xe thì Thầy cũng rải tâm từ : Tôi xin rải tâm từ cho người bên trái, người bên phải, người phía trước, người phía sau, cầu cho quý vị không có oan trái lẫn nhau, không có khổ tâm, không có khổ thân, thân tâm luôn an lạc, được hưởng năm điều an vui và thực tập cho tới khi đắc đạo quả Niết Bàn. Rải cho người khác thì tất cả những năng lượng đó sẽ dội lại mình, giống như đá trái banh vào tường thì trái banh sẽ dội lại mình. Rải tình thương đi thì tình thương dội lại, rải sân hận ra thì sân hận dội lại. Rải tình thương rất nhiều mà chỉ nhận sân hận ghét bỏ không thôi thì có nghĩa là rải chưa đủ, phải tiếp tục thực tập rải, mà muốn rải thì phải có tâm từ, không có tâm từ thì không rải được.
Thực tập quán niệm trước khi ăn, cũng là phương pháp để thực tập tâm từ: Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, muôn loài và công phu lao tác, con nguyện ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi và bảo vệ sự sống của muôn loài. Đi trên đường thấy người già hay trẻ em tôi cũng thực tập tâm từ: Con xin rải tâm từ cho trẻ em hiện tại và mười phương, nguyện cho các con được gìn giữ, được bảo vệ, được chăm sóc, luôn thông minh có trí tuệ, có nhiều sức khỏe, được cưu mang, được giáo dục, được giúp đỡ, được phát triển, được sống trong môi trường lành mạnh, có nhiều thuận duyên gặp Phật pháp và tu tập cho đến ngày giải thoát. Làm mới bài thực tập rải tâm từ tùy theo hoàn cảnh, không đơn thuần là không có oan trái lẫn nhau, luôn được sự yên vui.

Đi đường mà thấy có người đứng khóc bù lu bù loa, la lối um sùm vì một chuyện gì đó thì thay vì tò mò đứng xem mà hãy rải tâm từ cho người đó. Hoặc thấy gà, vịt, heo, bò, dê, chó bị xẻ thịt bày bán, hãy rải từ tâm cho chúng, rải liền không kể ngày hay đêm, đây là một dạng bố thí bình an. Tâm từ trước hết làm cho mình mát mẻ, có nghĩa là thân tâm trong lúc rải rất mát mẻ tươi mới. Có những lúc rải tâm từ mà trào nước mắt, không phải khổ đau mà khóc mà đây là giọt nước mắt của hạnh phúc, của hỷ lạc khi tình thương dâng trào trong lòng. Tu tập làm sao để chuyển hóa được những khổ đau và làm cho tình thương thẩm thấu vào cả trong khổ đau cho đến khi không có gì là khổ đau nữa.

Trong cái khổ có cái thương, vì khổ quá nên mình quyết chí thực tập tình thương. Người khổ quá nên mới lo tu còn ai cũng sung sướng, mọi chuyện đều trôi chảy thì không ai lo tu hết. Mọi sự luôn có hai mặt để người ta không có hả hê trong điều sung sướng và cũng không quá tuyệt vọng trong những khổ đau. Chuyện tình cảm có những khổ đau, khổ đau thì mới trân quý tình cảm, mới thấy hạnh phúc thế gian rất mong manh, không bền chắc. Có, không, còn, mất không làm chúng ta băn khoăn. Mình phải thực tập rải tâm từ cho chính mình vì tự thân còn những nỗi buồn, khổ đau, mệt mỏi, phiền não, cho nên khi phát khởi tâm từ cho tự thân là mình nhìn vào tình thương chính mình. Nếu không thương được bản thân thì không thương được ai, mình tụng kinh cứ nói thương cả chúng sinh thì thấy hơi kì kì.

Để nhìn ra như thế nào là người biết thương mình thì phương pháp là gìn giữ thân tâm bằng cách thực tập giới, chánh niệm, thiền tuệ để phát triển tuệ giác. Kinh Người Biết Sống Một Mình có thể đổi thành kinh Người Biết Thương Mình.

Nguyện tình thương cả thảy chúng sinh. Nói như vậy thì không loại người nào ra, dù đó là người đồng tính, lưỡng tính, người nam, người nữ, mầu da hay sắc tộc, tôn giáo, vùng miền... Hồi nào tới giờ nghe thấy đồng tính là tôi sởn gai ốc rồi cho nên tôi không có rải, như vậy thì không được. Thực tập tình thương đồng đều rộng khắp không phân biệt thì có nghĩa là thực tập tâm xả, chấp nhận tất cả bằng tình thương, không phải bị ép chấp nhận. Bị ép chấp nhận làm cho dằn vặn và gay cấn trong lòng dữ lắm. Thực tập để buông bỏ.

Như lòng mẹ luôn luôn cần mẫn, trăm cay nghìn đắng vẫn vui cười. Như người mẹ thương yêu đứa con, tất cả những đứa con đều là hóa thân của ba mẹ, mình là sự tiếp nối của ba mẹ. Khi đã là hóa thân thì có yếu tố ba mẹ trong mình cho nên gìn giữ ba mẹ chính là gìn giữ mình, mình có trách nhiệm gìn giữ. Sau này nếu có con cái thì cũng sẽ trao truyền cho con cái những hạt giống của tình thương lành mạnh, hạt giống Phật pháp nếu mình chịu thực tập, mà không phải lúc có thai mình mới gìn giữ mà phải bảo vệ bào thai từ lúc còn nhỏ, bảo vệ những hóa thân, những tiếp nối ngay khi mình còn nhỏ.

Nếu không lập gia đình, mình đi tu tại gia hay xuất gia thì không có con cái nhưng vẫn có đầy dẫy những hóa thân, đó là những học trò, là những người đã từng đọc sách, nghe mình thuyết giảng chia sẻ… Nếu không tu tập đàng hoàng thì những hóa thân của mình cũng trở nên không đàng hoàng. Hóa thân chưa được đàng hoàng thì phải điều chỉnh lại ngay lập tức, giống như người mẹ chăm sóc cho con, chăm sóc những tiếp nối, những hóa thân của mình như lòng mẹ luôn luôn cần mẫn vì đứa con, trăm cay ngàn đắng vẫn vui cười vì đứa con.

Từ bi là bản chất của ba mẹ. Ba mẹ chăm sóc mình từ nhỏ tới lớn rất cực khổ nhưng vẫn vui cười không than vãn, trách móc. Dù những hóa thân của ba mẹ có trách móc thì ba mẹ vẫn vui cười và chấp nhận tất cả. Thực tập kham nhẫn vì người mẹ biết được rằng đó là một hóa thân của mình, nếu như mình chăm sóc không chu đáo thì hóa thân sẽ đi vào những ngõ hẻm mà trong ngõ hẻm có rất nhiều những cạm bẫy, bị những cạm bẫy bắt và sa vào những cạm bẫy đó như con thiêu thân. Thực tập làm sao mà đối xử với chúng sinh cũng như mẹ vậy, luôn vui cười dù trăm đắng ngàn cay.

Dù cho sinh mạng mất tất cả
Tình thương vẫn bao la thiên hạ
Từ bi thênh thang như trời xanh.

Bài kệ Trái tim không biên giới có đoạn:

Đem cả thân mạng này
Mà ban phát tình thương
Như số cát sông hằng
Thương hết thảy chúng sinh
….
Đem cả thân mạng này
 Mà ban phát tình thương
Cho tất cả chúng sinh
Chúng sinh có bao nhiêu
Tình thương lớn bấy nhiêu
Dù cho chiến tranh gầm gừ
Dù cho ác độc phong tỏa
Dù bạo lực tràn lan. ...

Bài kệ này cũng là kinh từ bi và cũng là kinh rải tâm từ.

Ngày xưa khi thầy Phú Lâu La chọn vùng đất có nhiều người dân hành xử rất bạo lực để hoằng pháp, đức Phật biết liền mời thầy tới nói chuyện:

Vùng đất đó bạo lực tràn lan, người dân hung dữ, không an toàn cho thầy mà tại sao thầy lại chọn tới đó để giáo hóa vậy?

Thầy Phú Lâu la trả lời:

Nếu như con không tới đó thì đâu có ai dám đi. Con nghĩ họ vẫn còn dễ thương vì họ chưa chửi mắng con.

Đức Phật hỏi:

Nếu như người ta chửi mắng thầy thì thầy làm sao?

Trả lời: Con nghĩ là họ vẫn còn dễ thương vì họ chưa cầm dao gậy đánh đập con.

Nếu như họ đánh đập thầy?

Trả lời: Con nghĩ là họ vẫn còn dễ thương vì họ chưa giết con chết.

Nhưng nếu như họ giết thầy?

Trả lời: Con nghĩ là họ vẫn còn dễ thương vì họ đã cho con cơ hội không phải mang tấm thân ô trược này nữa.

Mình hãy thuộc lòng bài kinh này, Tôi đã đặt tên kinh này là Kinh Dễ thương. Khi nhìn người khác bằng tâm dễ thương thì ai cũng dễ thương hết, còn nếu nhìn bằng con mắt mệt mỏi khó chịu thì ai cũng mệt mỏi khó chịu cả.

Từ bi thênh thang như trời xanh. (Kinh Từ Bi)

Đem cả thân mạng này mà ban phát tình thương
Như số hạt bụi trong hư không
Hạt bụi nhiều bao nhiêu thì tình thương nhiều bấy nhiêu …. (Kệ Trái Tim Không Biên Giới)

Giờ đem địa cầu này nghiền nát ra thành bụi, được bao nhiêu hạt bụi thì tình thương nhiều như vậy. Trong vũ trụ này có bao nhiêu hành tinh mình đem nghiền nát ra hết  sau đó hãy thực tập tình thương cho từng hạt bụi rồi nhân rộng tình thương ấy lên. Khi đã làm được như vậy thì không cần thực tập gì nữa. Chỉ có sáu câu kệ trong Kinh Từ bi thì người thực tập đã đủ sức để giải thoát nói chi đến những bài thực tập vi diệu khác, mà Phật giáo là kho tàng của sự thực tập, kho tàng của trí tuệ giúp mình thực tập vô bờ bến. Học Phật không phải là chất chứa kiến thức mà học để thực tập, để mang lại lợi lạc cho bản thân, nếu không chỉ là sự trình diễn.

Tôi vừa được tặng cuốn sách Kinh Pháp cú viết bằng thư pháp. Có thể người ta rất trân quý cuốn sách này. Viết kinh ra là đã có phước đức nhưng nếu đem kinh ra để thực tập  thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Một bài hát Phật giáo hay một bài nhạc thiền du dương mình thích nghe lắm nhưng có thể mình đang bị kẹt vào những âm thanh công nghệ, mình hát, niệm, tụng kinh rất hay nhưng không có nội dung gì cả. Hãy xem lại điều này, hãy đem nội dung ra để thực tập thì sẽ hay hơn nữa. Đừng tu tập một cách hình thức mà hãy tu tập một cách có nội dung, hãy hạ thủ công phu, nếu không cái diễn ra vẫn chỉ là nghi thức mà thôi.

Đã nói là tu học thì phải tu, hằng hà sa số kiếp đã quên tu nên kiếp này có cơ hội thì hãy tu cho đã, giống như một người khát nước tìm thấy nguồn nước và tu ừng ực cho đã khát. Biết bao kiếp khô khan héo hắt đau khổ vì không có tu, nay tu được mình quýnh lên như bắt được vàng và quyết chí tu cho đã. Khi thực tập được từ bi thênh thang như trời xanh rồi thì tự nhiên bất động, bất động ở đây không phải là mình ngồi im một chỗ, bất động là do không phân biệt gì nữa, thênh thang trong tất cả mối quan hệ, trong diễn biến hoàn cảnh, trong những mệt mỏi đau khổ của đời sống hằng ngày, mình đón nhận tất cả như chuyện thường tình của thế gian. Ví dụ có người nói chuyển hóa năng lượng tình dục không chỉ có ngồi thiền mà cả trong lúc quan hệ xác thân cũng là đang chuyển hóa. Đây là suy nghĩ thường tình của thế gian. Khi đọc comment này tôi phì cười. Suy nghĩ thế gian là vậy nên không có chấp mà tiếp tục thực tập tình thương đối với người. Thương người chính là thương chính mình.

Sáu căn nghiêm phòng luôn chế ngự
Dục trần không liều lĩnh luyến mong
Tinh thần trong sáng không nhơ bẩn
Không chê trách phê bình thánh nhân.

Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Mắt căn, tai căn, mũi căn, lưỡi căn, thân căn và ý căn. Có người hỏi là nguồn gốc sinh tử là gì? Người ta trả lời là vô minh nhưng cũng có người nói rằng nguồn gốc sinh tử là sáu căn. Có học trò hỏi tôi:

Có ông thầy tướng coi con và nói  rằng con có căn tu. Căn tu là gì hả Thầy?

Thầy mới trả lời vui:

Căn tu là đem sáu cái căn ra mà tu.

Căn có nghĩa là gốc, gốc gác của con người. Chúng ta tiếp xúc với bên ngoài thông qua căn và hoàn cảnh bên ngoài chi phối lại căn. Có những loài sinh vật không đủ sáu căn nhưng các căn còn lại phát triển mạnh hơn để bù đắp phần nào. Con dơi không có mắt nhưng vẫn bay lượn được trong bóng đêm vì có khả năng tiếp xúc với những loại sóng phát ra từ những vật khác nhau. Con chó có căn mũi rất mạnh, mạnh hơn những căn khác. Một số người do phước báu không đủ, do đã gây ra gì đó mà thiếu căn nên con mắt không sáng, đôi tai bị điếc vì vậy thế giới đối với họ thiếu mất hình ảnh, thiếu mất âm thanh, thế giới của họ chỉ còn năm lĩnh vực thôi. Tuy nhiên có những người tiếp xúc với cõi trời, cõi âm, có người tiếp xúc với cả cõi địa ngục, cõi súc sinh thì họ có những căn vượt trội hơn người bình thường, có thể có 7, 8, hoặc thậm chí 10. Bà Phan Thị Bích Hằng có thể tiếp xúc với người cõi âm vì bà có thêm căn thứ 7 hoặc thứ 8. Mình không tiếp xúc được vì mình không có loại căn đó. 

Đối tượng của căn là trần, ví dụ mắt thấy hình sắc thì hình sắc là đối tượng của căn mắt, tức sắc trần. Đối tượng của tai là thanh trần, đối tượng của mũi là hương trần, đối tượng của thân là xúc trần, đối tượng của ý là ý trần. Ngày nay người ta chìm đắm trong sáu trần và bị sáu trần lôi kéo. Một chàng thanh niên nhớ người yêu đa phần là nhớ tới cái sắc thôi, là ánh mắt, nụ cười, dáng đi, mái tóc, hương thơm… và bị sắc trần kéo đi. Âm thanh thì mình thích nghe những bài nhạc du dương, êm dịu. Có người mới nghe được bài nhạc nên thích quá bật từ sáng tới chiều, làm tôi bên này nghe tới thuộc luôn. Nếu nghe và bị kẹt vào âm thanh nào đó thì sẽ có sự luyến ái vào âm thanh. Nghe giọng người yêu nhỏ nhẹ và luyến ái vào giọng của người ta: Nhớ giọng của em, anh gọi điện cho em để nghe giọng em thôi, mình đang luyến ái âm thanh. Đối tượng của mũi là mùi hương, thông thường mình thích ngửi mùi hương dễ chịu, thơm tho nên tạo ra những tiện nghi có hương thơm quyến rũ người khác phái. Bên Pháp có một loại nước hoa là passion, có nghĩa là đam mê, dùng để hút hồn người khác, tạo nội kết cho nhau. Mình bị hút hồn bởi mùi hương chứ không phải là những tình cảm trong sáng. Người ta cũng nói với nhau rằng “Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi”, mùi hương tạo dính mắc cho nhau.

Đối với lưỡi, mình tìm kiếm những mùi vị khác lạ, những món lạ lùng hơn để thỏa mãn, chính vì vậy biết bao loài sinh vật bị giết hại bởi ham muốn ăn uống. Hơn 5 triệu con chó bị giết hại mỗi năm ở Việt Nam! Chó là loại rất gần gũi với con người mà mình còn đan tâm giết hại thì loại nào mình không dám giết. Lại còn có người nói rằng: Văn hóa ăn thịt chó là biểu trưng của văn hóa Việt Nam. Giết hại loài không có phương tiện để bảo vệ, nếu như chúng có phương tiện bảo vệ thì sẽ có chiến tranh giữa mình và chúng, hoặc chúng sẽ xuống đường biểu tình đòi quyền được sống. Đối với thân thể, mình tìm kiếm những xúc chạm. Đi mua đồ mình thường tìm kiếm những loại vải khi mặc vào dễ chịu hay thích những đụng chạm dễ chịu. Một bàn tay đụng vào một bàn tay, ôi bàn tay mát dịu làm sao và mình luyến ái vào những cảm thọ được cho là dễ chịu đó. Người luyến ái với nhau là trường hợp người tìm kiếm những xúc chạm được cho là dễ chịu, dính mắc vào dục tính. Đối tượng của ý là cái mình nghĩ tới, ví dụ thích được ngợi khen. Ai khen mình thích, không ai khen thì mình tự khen, mình đưa lên facebook những bức hình thật đẹp để người khác like, để có cảm giác sung sướng.

Với suy nghĩ, mình nghĩ tới những ái dục và để cho những đối tượng suy nghĩ đó kéo đi, tưởng tượng đủ thứ trong đó, mình không có chánh niệm về tâm và khi tưởng tượng sâu dầy thì có xu hướng đi tới lời nói, hành động. Thù hận trong tâm quá nhiều thì họ quyết chí phục thù và biểu hiện ra lời nói. Ái dục trong tâm quá nhiều, họ quyết chí hành động. 

Đối tượng của sáu căn là sáu trần và trong khung trời của sáu căn có những tên trộm, những tên trộm này ở đâu ra? Sáu căn được xem là sáu đại dương và đại dương có những con thủy quái, nhưng những con thủy quái này ở đâu ra? Mắt tiếp xúc với sắc sinh ra xúc, xúc dẫn tới cái biết và những ý niệm về đối tượng trần thì là thức. Đối tượng sáu căn là sáu trần nhưng khi mình đưa ra ý niệm biết về sáu trần gọi là sáu thức, ba nhóm căn, trần, thức này cộng lại gọi là 18 nội ngoại xứ. Tất cả các trần đều gọi là dục trần, bản thân của trần không có tội như người yêu của mình không có tội nhưng tâm mình khởi luyến ái với người yêu thì người yêu trở thành một dục trần, cho nên tình yêu là sự dính mắc vào sáu căn sáu trần của người đó để thỏa mãn sáu thức của mình mà thôi.

Anh ơi tôi yêu anh quá đi, thực tế là tìm kiếm những ảo giác khi tiếp xúc với sáu trần đó. Kinh từ bi nói: sáu căn nghiêm phòng luôn chế ngự là nhìn thấy sắc đẹp thì sinh tâm dâm cuống nên khi tiếp xúc thì phải có chánh niệm, niệm rằng: sắc à hay sắc đẹp à, vậy thôi.

Nếu tâm phát khởi ái dục thì phải nhận ra liền và niệm tâm cho đến khi lắng dịu, không có bực mình. Một dục trần nhẹ nhàng mình thích thì mình luyến ái nhưng một dục trần dữ dội cũng có thể là sự luyến ái, tại sao lại nói như vậy? Đang chạy xe thì một ông xe tải phía sau bấm còi inh ỏi mình giật mình, giật mình là phản ứng bình thường vì bỗng nhiên có một âm thanh lớn đột ngột phát ra nhưng sau sự việc đó mình nổi sân lên nghĩa là mình luyến ái với cơn giận, cho nên sự ham thích là sự luyến ái mà cơn giận cũng có sự luyến ái, mình ham thích cơn giận. Cứ việc niệm những đối tượng mà mình đang chú tâm vào.

Tinh thần trong sáng không nhơ bẩn. Bài thiền Minh Sát Tuệ số 8 là bài thu thúc sáu căn và khi thu thúc sáu căn là thu thúc sáu trần, sáu thức, có chánh niệm về sáu căn, sáu trần, sáu thức và từ đó chánh niệm về cảm thọ ở bài tập số 9, bài số 10 là thực tập chánh niệm về sáu tâm phiền não. Thiền Minh Sát Tuệ có 16 bài thực tập.

Không chê trách phê bình thánh nhân. Phỉ báng đức Phật, mà đức Phật là một thánh nhân thì mình sẽ chịu một nghiệp báo là bị câm, ăn nói không lưu loát, nói không ai tin hoặc có người phải ăn những cặn bã của người khác. Các bậc thánh nhân, cao tăng, thánh tăng, đừng có lên tiếng chê trách hay phán xét. Thời buổi bây giờ người ta phê bình tu sĩ, điều này rất nên tránh,  nên nhìn vào bản thân xem đã thu thúc sáu căn hay chưa mà lại dành thì giờ đi phê phán người khác không thu thúc sáu căn. Phương pháp xem lại bản thân là tự soi sáng, thấy mình chưa được chỗ nào thì phải tự sám hối, mình đi kiếm người đồng tu, thầy để sám hối: Lạy thứ nhất con xin sám hối sáu căn, cho tất cả tội lỗi đi vào các căn trần thức gây ra. Lạy thứ hai con xin sám hối sáu tâm phiền não. Lạy thứ ba con xin sám hối ba nghiệp thân khẩu ý. Mình phải sám hối triền miên.

Luôn nguyện cho cả thảy chúng sinh
Thế giới an lạc không chiến tranh
Luôn nguyện cho bốn loài ba giới
Dù yếu mạnh vắn dài bình trung
Dù béo gầy nhỏ lớn thấp bé
Dù vô tưởng hữu hình gần xa
Đều phước lành vô biên cộng hưởng.

Những loài hữu tình là loài có tri giác, những loài vô tưởng như đất đá, cây cỏ, sông núi thì không có tri giác, nhưng tại sao ngoài bảo vệ bản thân, đồng loại hay những loài sinh vật khác lại còn phải bảo vệ cả những gì vô tưởng? Mình được làm bằng những yếu tố vô tưởng, không có tri giác. Mình tuy được xem là loài có tri giác nhưng lại được làm bởi những yếu tố không có tri giác. Bảo vệ đất, nước, lửa, gió là bảo vệ chính mình, nếu như không bảo vệ thì sẽ làm bậy, gây ra ô nhiễm môi trường và lúc đó mình chính là người chịu những hậu quả. Nếu không quán chiếu tự thân là gì thì mình sẽ vung vãi ô nhiễm tới rất nhiều đối tượng khác kể cả hữu tình và vô tưởng. Thực tập rải tâm từ cho muôn loài thì hãy rải cả cho đất đai, cây cỏ, sông ngòi… nhiều khi phải rải tâm từ cho cái cây tại vì có cái cây thì mình mới có chỗ ngồi thiền, mới có nhiên liệu để nấu được thức ăn, mới có vật liệu làm bàn ghế, giấy viết… và nhờ có cây đó mà mình mới có dưỡng khí để sống. Đưa ra một quyết định bỏ một cánh rừng để xây khu công nghiệp là phải đắn đó suy nghĩ rất kĩ. Nếu xây khu công nghiệp thì phải trồng thêm rừng ở vùng khác để thay thế cho cánh rừng chặt đi. Lấy thứ gì từ lòng đất mà không trả lại thì mắc nợ và cho tới lúc nào đó phải trả lại thôi. Như vùng đất Cà Mau người ta nói trong mười mấy năm tới Cà Mau sẽ ngập xuống biển, nguyên nhân không phải nước biển dâng mà do người dân sử dụng mạch nước ngầm quá mức, nước ngầm lấy lên thì lòng đất bị rỗng và sẽ từ từ sụp xuống. Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, đào bới cho ra vàng, kim cương, quặng sắt… đất sẽ nứt gãy và sụp xuống. Tất cả là nhân quả và rất khoa học cho nên người ta mới nói rằng khoa học là thành tựu của nhân quả.

Luôn nguyện cho bốn loài ba giới. Bốn loài gồm sinh từ trứng, sinh từ nơi ẩm thấp, sinh từ bào thai và sinh do sự biến đổi. Ba giới là cõi người, cõi trời và cõi dưới, cõi dưới gồm địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và a tu la. Cho dù mình sinh về cõi trời nhưng vẫn chịu nhân quả nghiệp báo nên nếu không lo tu thì vẫn rớt xuống những cõi dưới. Người chết ở cõi dưới trông chờ phước đức của người còn sống rất nhiều cho nên mình phải thực tập rải tình thương với người còn sống cũng như người đã chết. Nguyện cho bốn loài ba giới đều sống an lạc, đều hưởng phước lành vô biên.

Thế giới an lạc không chiến tranh. Ngày nào cũng nên cầu nguyện cho chúng sinh mười phương, nguyện cho chúng sinh mười phương ở hiện tại và vị lai mãi mãi không có chiến tranh, không còn thiên tai, không còn bệnh tật, sống an bình và thực tập cho tới giải thoát. Cực lạc không nằm ở phương tây mà nằm ngay tại chỗ này bây giờ, người ta nói rằng duy tâm Tịnh Độ nên sinh một cõi Tịnh Độ trong tâm thì tâm chính là cõi Tịnh Độ.

Tịnh độ là lòng trong sạch
Di Đà là tính sáng soi
Tâm này là tâm thanh tịnh
Cực lạc bây giờ ở đây

Mình không chờ để đi tới một thế giới cực lạc trong tương lai mà phải xây cõi cực lạc ngay vào lúc này,  tại chỗ này để cho các chúng sinh khác sinh về cõi của mình và để cho đức Phật Di Đà có thì giờ nghỉ ngơi. Đừng để đức Phật bận rộn quá. Luôn nguyện cho cả thảy chúng sinh, thế giới an lạc không chiến tranh. Mình phải nguyện những lời như vậy.

Nguyện không vọng ngữ hay lừa dối
Không khinh miệt người làm hư danh
Dù cho xóm giêng hay thân thuộc
Kẻ dưng người lạ chốn xa xăm
Nguyện không phẫn nộ hay hờn giận
Không lo âm mưu nghĩ hại người.

Đoạn này nói về sự giữ giới, trong đó có giới bảo vệ sinh mạng tức là không âm mưu hại người khác. Giới tôn trọng sự thật là không vọng ngữ hay lừa dối, giới bảo vệ tiết hạnh là không làm hại danh dự tiết hạnh người khác, giới tôn trọng sự thật có nghĩa là không nói lời ác ngữ, nói dối trá, hai lưỡi và thêu dệt, cuối cùng là giới bảo vệ và nuôi dưỡng thân tâm. Những giới này là năm giới cư sĩ đích thực và khi thực tập đến đây mình nhớ tới hồi sáng lỡ giết con kiến mình phải sám hối, con xin sám hối về tội cố ý giết con kiến, nguyện cho con kiến được siêu thoát sinh về cõi trời và tu tập cho tới ngày giải thoát. Mẹ của tôi ngồi quan sát đàn kiến chạy và rút ra một kết luận: Khi hai con kiến gặp nhau thì nó bắt tay. Giống như nói say hello rồi mới đi, Con kiến nó còn như vậy, biết cách hòa hợp.

Nguyện chúng sinh thoát vòng khổ não
Vượt luân hồi ra khỏi tử sinh
Rải tình thương bốn phương tám hướng
Từ bi hỷ xả tấm lòng thành.

Thực tập rải cả tâm bi, tâm hỷ, tâm xả, như thấy người đau khổ quá thì khởi tâm cầu cho đau khổ của người tan nát như vi trần, thấy người có niềm vui thì rải tâm hỷ tới người làm cho hạnh phúc của người tăng lên gấp bội, ai đang phân biệt thù hận thì rải tâm xả để cho người không còn sự phân biệt, hận thù. Mình không chỉ rải từ, bi, hỷ, xả mà còn rải sức khỏe. Nội con yếu quá, con xin chia sức khỏe của con cho nội. Thấy người si mê nhiều quá nói chuyện không trí tuệ mình xin rải trí tuệ cho người, ráng tu làm sao có nhiều trí tuệ để rải tới. Rải đi nhưng chẳng mất đi chút nào mà tình thương ngày một tăng trưởng.

Mặt hồ phẳng lặng lòng trong sạch
Không ác cảm không vương tư thù
Đêm ngày an trú trong chánh niệm
Đi đứng nằm ngồi chẳng nghĩ suy

Con xin rải tình thương cho các vị có oan trái và không oan trái với con, mọi oan trái xin được cởi bỏ chuyển hóa, cầu cho quý vị được hưởng nhiều phước báu và tu tập cho đến ngày giải thoát. Trái tim của thiền tập là chánh niệm và chánh niệm là trái tim của thiền tập mà thiền không đơn thuần là đi vào thiền đường hay khi mặc áo tràng mà ở đâu, làm gì vẫn là thiền như thường. Thiền là thực tập chánh niệm trong tất cả tư thế đi, đứng, nằm, ngồi, đi vệ sinh, đánh răng, rửa mặt, mang dép… trong tất cả hành động, lời nói và tâm ý. Có những bài kệ để giúp duy trì chánh niệm:

Dép cũng như đôi đũa
Thường phải có cả hai
Đường tu dù chông gai
Tăng thân nơi nương tựa.

Hay:
Tắt đèn đi ngủ sớm
Để dành nguồn năng lượng
Lòng dặn lòng tỉnh thức
Soi sáng suốt đêm trường

Ban đêm biết bao năng lượng tiêu cực phát sinh nên nếu không nhắc mình soi sáng suốt đêm trường thì trong giây phút đáng lẽ thư giãn thì mình sẽ bị làm mồi cho những tiêu cực. Những oan trái lôi mình đi, nên nếu như mình có oan trái với ai thì hãy giải cho hết trong kiếp này và một cách hay là im lặng sấm sét, rải tình thương đến với những đối tượng đó thì từ từ sẽ được chuyển hóa.

Đêm ngày an trú trong chánh niệm, đi, đứng, nằm, ngồi chẳng nghĩ suy. Chẳng nghĩ suy ở đây là đừng cho suy nghĩ rơi vào thất niệm, không phải là không suy nghĩ. Suy nghĩ để làm việc thì phải có chánh niệm, để suy nghĩ vượt ra chánh niệm thì lúc chợt phát hiện ra phải niệm trở lại. Ví dụ đang ngồi nói chuyện với tôi mà mình nghĩ sáng mai mình đi đâu, làm việc gì thì mình thất niệm rồi.

Bậc tri túc có đủ đức tài
Thảnh thơi an nhàn tránh nạn tai
Đêm ngày an trú trong chánh niệm
Niết Bàn cực lạc ở nơi đây.

Làm được những điều này có nghĩa là mình sống thảnh thơi, đem thiền vào đời sống hằng ngày.

Chánh trực lòng an luôn đoan trang
Lương thiện ôn hòa không khoe khang
An nhiên thiểu dục luôn tri túc
Thế sự lợi danh quyết không màng.

Thiểu dục là ít ham muốn, tri túc là biết đủ. Đừng đòi hỏi cao siêu. Duyên tới đâu thì dùng tới đó, không đòi hỏi cái thất rộng, chùa lớn, máy bay riêng hay tài sản nhiều… Tùy duyên mà làm việc. Lợi danh như nước đầu gành, nên tùy duyên mà công việc tiến triển hay không tiến triển. Cứ làm việc hết lòng, đừng để cho lợi danh sai sử. Những chuyện thế sự cũng đừng quan tâm quá nhiều, như hôm qua ca sĩ này cưới đại gia kia, người mẫu này mới có scandal… Bàn tán sai trái thì bị khẩu nghiệp, dính vào vọng ngữ vì có sự chỉ trích trong đó, rất tốn thì giờ. Dành thì giờ đó tụng giới, thực tập thiền, phát triển tuệ giác giúp cho bản thân, giúp cho chúng sinh. Đã là người tu thì nên khiêm tốn đừng nên phán xét điều gì. Tôi có làm một bài kệ về quyền không phán xét:

Ai là người phán xét
Và ai phán xét ai
Khi tâm trí hình hài
Vẫn còn vô mình mãi.

Mình là ai, mình là gì mà đi phán xét người khác. Còn phán xét thì chưa xả được, là người cố chấp nên đi phán xét người.

Đọc sách có bài kệ:
Đọc sách cầm hai tay
Tâm trí phải dồi mài
Tinh thần tập thể dục
Không đúng cũng không sai.

Không có gì đúng, không có gì sai. Tùy theo hoàn cảnh người cho cái này đúng, người cho cái này sai, mình có ý niệm về đúng sai. Cho nên mình không phán xét. Mình thực tập vẽ nét đẹp của sự khiêm nhường và hạ mình xuống: Tất cả mọi người đều là Phật, là Bồ tát chỉ có con là phàm phu mà thôi, xin hãy chỉ dạy cho con. Một đứa trẻ bảy tám tuổi vẫn dạy về Phật Pháp cho mình như thường. Một chiếc lá rơi cũng vậy, khi lá lìa cành có nghĩa là vô thường, sinh lão bệnh tử đó thôi. Chiếc lá rơi là một bài pháp thoại,  hạt mưa rơi xuống hạt mưa cũng bay lên là một bài pháp thoại.

Kinh Từ bi là một trong những bài kinh tuyệt vời. Khi thực tập được kinh này từ đầu tới cuối một cách miên mật thì hạnh phúc sẽ tới, mà hạnh phúc này không tới từ bên ngoài mà từ tự thân mình phát khởi ra.

Hạnh phúc hiện tại và vị lai
Nhập lưu dòng thánh sẽ không sai
Khai thông tuệ nhãn A HàmTuệ
Đoạn tuyệt tà kiến cảnh bất lai
La Hán Niết Bàn đang chờ đón
Viên thành đạo quả hết nạn tai.


Đức Phật dạy, ai mà thực tập bài kinh này một cách miên mật và viên mãn thì chắc chắn sẽ nhập vào dòng thánh, đắc đạo quả Tu Đà Hoàn và từ đó sẽ đi tới đạo quả Niết Bàn. Theo một số bài kinh, ai đã nhập vào dòng thánh sẽ luôn đi lên, trong vòng bảy kiếp sẽ giải thoát hoàn toàn, là không đúng. Theo tôi, nhập vào dòng thánh nhưng các tâm bất thiện vẫn còn nên vẫn có thể phạm giới, bật ra khỏi dòng thánh, đi xuống, thậm chí rớt xuống cõi dưới. Mình có thể sống một đời sống thảnh thơi nhưng đừng tu thảnh thơi, mà khi tu phải tu những căn bản đúng hướng là giới, định, tuệ hay là niệm, định, tuệ. Đó là những căn bản tu học.