Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Kinh Phước Điền


Kinh Phước Điền 

1. Tôi nghe như vầy, một thời Phật du hóa tại nước Xá Vệ, trong rừng Thắng, vườn cấp Cô Độc. Bấy giờ, cư sĩ Cấp Cô Độc đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi xuống một bên, thưa rằng, Bạch Thế Tôn, ở đời có bao nhiêu hạng người phước điền, người xứng đáng được cúng dường? 

2. Đức Thế Tôn dạy, Này cư sĩ, ở đời có hai hạng người phước điền hay người xứng đáng được cúng dường. Những hạng người nào là hai? Một là hạng học nhân, hai là hạng vô học nhân. Hạng học nhân là các bậc thánh dưới quả A La Hán vì vẫn còn phải học. Hạng vô học nhân là các bậc thánh đắc quả A La Hán, không cần phải học nữa. Hạng hữu học có mười tám và hạng vô học có chín. 

3. Này cư sĩ, mười tám hạng người hữu học là những ai? Là 3.1. tín hành hay tùy tín hành, 3.2. pháp hành hay tùy pháp hành, 3.3. tín giải thoát hay tín thắng giải, 3.4. kiến đảo hay kiến chí, 3.5. thân chứng, 3.6. gia gia là những vị chứng quả dự lưu, 3.7. nhất chủng là những vị chứng quả dự lưu chỉ tái sinh một lần trước khi đắc Niết bàn, 3.8. hướng Tu Đà Hoàn, 3.9. đắc Tu Đà Hoàn, 3.10. hướng Tư Đà Hàm, 3.11. đắc Tư Đà Hàm, 3.12. hướng A Na Hàm, 3.13. đắc A Na Hàm, 3.14. trung Bát Niết Bàn là nhập Niết Bàn ngay sau khi thác sinh lên Tịnh cư thiên hay Niết bàn thân trung hữu, 3.15. sinh Bát Niết Bàn là thác sinh Tịnh cư thiên một thời gian mới nhập Niết bàn, 3.16. hành Bát Niết Bàn là thác sinh thượng giới tinh tấn tu tập mới nhập Niết Bàn, 3.17. vô hành Bát Niết Bàn là không cần tinh tấn tu tập nữa, 3.18. thượng lưu sắc cứu cánh là lần lượt tái sinh qua các cõi từ sơ thiền cho đến tầng cao nhất của sắc giới và nhập Niết Bàn tại đó. 

4. Này cư sĩ, chín hạng người vô học là những ai? Là 4.1. tư pháp là mong cầu vô dư Niết Bàn cấp thời vì sợ thối thất, 4.2. thăng tấn pháp là có khả năng tiến tới bất động tánh, 4.3. bất động pháp là căn cơ mãnh lợi không bị chi phối bởi bất cứ duyên gì, 4.4. thối pháp là gặp nghịch duyên bị sụt xuống các bậc thánh thấp hơn, 4.5. bất thối pháp, 4.6. hộ pháp, 4.7. hộ tắc bất thối bất hộ tắc thối là do thủ hộ mà không bị thối thất, 4.8. thật trụ pháp là không bị chi phối bởi nghịch duyên để thối thất nhưng không tiến tới, 4.9. tuệ giải thoát, câu giải thoát. 

5. Khi ấy đức Thế Tôn nói bài kệ:
Học, vô học trong đời
Đáng tôn đáng phụng kính
Các ngài tu chánh thân
Miệng ý cũng chánh hạnh
Ruộng tốt cho tại gia
Cúng dường được phước lớn. 

6. Phật thuyết xong, cư sĩ Cấp Cô Độc và các Tỳ Kheo hoan hỷ phụng hành. 

(Kinh Phước Điền, Phẩm Đại, Kinh Trung A Hàm, Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm dịch Hán, Thích Tuệ Sĩ dịch Việt và hiệu chú)

Ân Đức Phật


Ân Đức Phật 

1. Namo tassa Bhavagato Arahato Sammasambuddhassa
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn, bậc A la hán, bậc Chánh Ðẳng Giác.

2. Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ bậc Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn.

3. Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ bậc Ứng Cúng, bậc đáng được nhận sự cúng dường của chư thiên và loài người.

4. Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ bậc Chánh Biến Tri, bậc giác ngộ tối thượng không thầy chỉ dạy.

5. Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ bậc Minh Hạnh Túc, bậc có đầy đủ tuệ giác và đức hạnh.

6. Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ bậc Thiện Thệ, đấng có sự hành trình hoàn hảo,  đấng khéo léo thuyết pháp chân lý đem lại lợi ích cho chúng sanh.

7. Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ bậc Thế Gian Giải, người hiểu thấu tất cả các pháp của thế gian, người thông suốt Tam giới.

8. Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ bậc Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu, đức vô thượng giáo hóa chúng sinh, đấng điều ngự những chúng sinh chưa thuần thục không ai bằng.

9. Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ bậc Thiên Nhân Sư, thầy của chư thiên và loài người, người hướng dẫn chư thiên và loài người đạt được lợi lạc trong hiện tại, tương lai, và cuối cùng được quả vị giải thoát.

10. Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ đức Phật, người hiểu biết trọn vẹn tất cả những gì có thể biết được, người hiểu biết sâu sắc Tứ thánh đế và dạy cho chúng sinh hiểu được Tứ thánh đế.

11. Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, người có những tính chất tuyệt đỉnh vượt lên trên tam giới.

(Niệm Ân Đức Phật, Susanta Nguyễn, Montreal, Québec, 2002)

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Thiền đi - Bài số 1


Thiền đi - Bài số 1

1. Bước chân trái, niệm “trái bước à” hoặc “bước à”.
Bước chân phải, niệm “phải bước à” hoặc “bước à”.
Khi đứng lại, niệm “đứng à”.
Khi xoay người, niệm “xoay à”.
Khi bước chậm, niệm “bước chậm à” hoặc “chậm à”.
Khi bước nhanh, niệm “bước nhanh à” hoặc “nhanh à”.
Khi tâm vượt khỏi sự theo dõi bước chân, niệm “phóng tâm à”.
Khi tâm muốn kết thúc sớm hoặc muốn qua bài, niệm “móng tâm à”.
2. Khi thực tập đi thiền, đi thẳng người, buông thư toàn thân, không nghiêng về bên trái hay nghiêng về bên phải, hai tay thả lỏng hai bên thân, mắt nhìn về phía trước khoảng một mét, thở bình thường.
3. Tâm đặt ở lòng bàn chân hoặc khu vực của bàn chân, tâm duyên theo sự cử động của bàn chân và  ý thức về sự di chuyển hay sự bước của chân. Sự cử động của chân là sự cử động của sắc pháp, và nhận biết sự cử động của chân là do tâm biết, đây là danh pháp.
4. Thiền đi không nhất thiết phải theo dõi hơi thở, vì không thể đặt tâm vừa ngay chỗ lòng bàn chân vừa ngay chỗ hơi thở. Không nên lạm dụng hơi thở và xem hơi thở là chánh niệm. Theo dõi hơi thở không phải là chánh niệm. Chánh niệm là nhận diện đơn thuần, không phán xét, không đặt ý niệm.
5. Thời gian ban đầu thực tập khoảng 15 phút, sau đó tăng thời gian thực tập lên, 20 phút, 30 phút hoặc nhiều hơn. Khi tâm suy nghĩ đến đối tượng khác ngoài việc theo dõi bước chân, niệm “phóng tâm à” cho đến khi buông bỏ đối tượng tâm phóng tới đó. Khi tâm đang thực tập mà khởi mong muốn kết thúc giờ đi thiền để nghỉ ngơi hay làm việc khác, hay mong muốn qua bài tiếp theo cho nhanh, niệm “móng tâm à” cho đến khi buông bỏ được sự mong muốn đó.
6. Thực tập đi thiền suốt ngày, từ việc đi từ nhà ra phố, từ chỗ để xe đến văn phòng làm việc, tử lên xuống cầu thang cho đến vào ra nhà vệ sinh. Bài thiền đi số 1 thích hợp cho thực tập ở mọi hoàn cảnh, kể cả việc đi chậm hay đi nhanh, nhưng dù chậm hay nhanh thì tâm cũng phải nhận biết.