Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Thiền ngồi - Bài số 1


Thiền ngồi – Bài số 1

1. Thở vào, bụng phồng lên, niệm “phồng à”.
Thở ra, bụng xọp xuống, niệm “xọp à”.
Thở vào, ghi nhận bụng phồng lên, niệm “phồng à”.
Thở ra, ghi nhận bụng xọp xuống, niệm “xọp à”.
Thở vào, phồng à.
Thở ra, xọp à.
Suy nghĩ đến một đối tượng nào đó, niệm “phóng tâm à”.
Không còn suy nghĩ đến đối tượng nào đó, niệm “hết phóng tâm à”.

2. Ngồi theo tư thế kiết già, sau khi điều thân, hành giả bắt đầu quán sát sự phồng xọp của bụng. Tâm đặt nơi bụng, khu vực đan điền, dưới rốn khoảng 2-3cm, tùy theo cơ địa của mỗi người.

3. Chú tâm vào đan điền, ghi nhận sự phồng lên xọp xuống của bụng. Thở chủ yếu là thở bằng bụng. Thở vào, bụng phồng lên, ghi nhận sự phồng lên của bụng và niệm “phồng à”. Thở ra, bụng xọp xuống, ghi nhận sự xọp xuống của bụng và niệm “xọp à”. Niệm bằng tâm không nhất thiết phải nhép miệng hay thành tiếng.

4. Niệm “phồng à, xọp à” thì bụng phồng lên là nhân và bụng xọp xuống là quả, và tiếp theo bụng xọp xuống là nhân và bụng phồng lên là quả. Phồng lên xọp xuống và xọp xuống phồng lên cứ nối tiếp nhau, vì thế nhân quả và quả nhân cũng nối tiếp nhau. Điều này cũng minh chứng cho sự vô thường. Bụng không thể phồng mãi mà đến lúc phải xọp xuống. Cũng vậy, bụng không thể xọp mãi mà đến lúc phải phồng lên.

5. Trong lúc ghi nhận phồng xọp mà phát sinh suy nghĩ đến một đối tượng nào đó như hình ảnh của Phật, mẹ, con vật, đồ vật hay một hiện tượng thì niệm “phóng tâm à”. Niệm như vậy liên tục cho tới khi việc suy nghĩ đến đối tượng không còn nữa thì niệm “hết phóng tâm à”. Đối tượng phóng tâm cũng mang tính chất vô thường vì phóng tâm đến lúc nào đó cũng hết phóng tâm. Lúc này, hành giả quay trở lại theo dõi phồng xọp của bụng.

6. Ngồi một hồi thấy mỏi lưng, tê chân, nhức mông thì niệm “mỏi à”, “tê à”, “nhức à” cho đến khi sự mỏi, sự tê, sự nhức không còn nữa. Tuy nhiên việc niệm vẫn chưa giúp cho cơ thể bớt đau nhức thì nên xả thiền và xoa bóp tay, chân và cơ thể để máu huyết lưu thông. Ghi nhận các cử động khi xoa bóp và niệm “xoa bóp à”. Không còn xoa bóp nữa thì niệm “không xoa bóp à”. Hành giả quay trở lại thực tập tiếp sau đó.

7. Có lúc niệm "phồng à, xọp à" rồi nó mất, mất là thấy không niệm nữa hoặc quên niệm. Hành giả có trí nhớ, biết mất hoặc biết quên, niệm "biết à". Nếu phồng xọp không trở lại, niệm "biết à" thì phồng xọp trở lại như cũ, tức là nhận ra phải niệm phồng xọp. Trường hợp phồng xọp mất, nên chú tâm ở bụng và nhớ rằng niệm là nhân, biết là quả.

8. Niệm "phồng à" thấy bụng phồng lần lần, đến một mức nào phồng không được nữa, là khổ, tức nhiên phải xọp, niệm "xọp à". Xọp đến một mức nào, chịu không được, là khổ, phải phồng lại, ... Có lúc niệm thấy phồng xọp rất nhanh, có lúc phồng xọp rất chậm, có lúc phồng xọp mất, đó là sự vô thường của hơi thở. Hành giả nhận thấy tự mình không điều khiển được hơi thở, đó là vô ngã.

9. Ngồi niệm phồng xọp, thấy nhiều cảnh vật, ánh sáng, sông núi, chùa, tháp, có khi thấy ba mẹ, thấy Phật, như đã nói ở trên. Nếu niệm "thấy à" hoặc “phóng tâm à” mà các hiện tượng lâu mất, có nghĩa là chưa đạt được tuệ thấy sinh diệt của danh sắc. Nếu niệm "thấy à" hoặc “phóng tâm à” mà các hiện tượng mất liền, thì đạt được tuệ thấy sinh diệt của danh sắc. Các ấn chứng phát sinh lên cho thấy là sắc, biết sự phát sinh này là danh. Khi niệm "thấy à" mà ấn chứng mất là diệt. Đó là sự sinh diệt của danh sắc.


10. Thực tập cho đến khi thuần thục và đạt đến mức độ an trụ tâm tốt đẹp, lúc này hành giả có thể qua bài tiếp theo.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét