Hạnh phúc của tuổi trẻ
Giảng vào ngày 07-12-2013
Giảng vào ngày 07-12-2013
Người thế gian thích cái vui phi thời. Ví dụ nhắn tin cho người thương
và người ta nhắn tin lại thì mình vui. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Nhắn
cho cô đó tin yêu thương là mình đã gán nợ cho mình rồi, và cô đó nhắn lại một
tin nhắn yêu thương thì cô đó trả nợ lại cho mình. Đức Phật hướng dẫn ta không
tìm kiếm lạc thú phi thời mà hay tìm kiếm lạc thú chân thật.
Tôi được nghe như vầy, vào một thời
mà Phật cư trú tại tu viên trúc lâm Ca Lan Đà tại kinh thành Vương Xá. Vào một
sớm mai nọ có một vị khất sĩ ra sông cởi y áo rồi xuống nước tắm gội xong vị ấy
lên bờ đợi cho mình khô ráo rồi mặc y áo vào.
Một vị khất sĩ khi đi xuống sông tắm gội phải tìm chỗ rất kín đáo để
không ai nhìn thấy, tắm gội xong lại đi lên, đợi khô ráo rồi mặc quần áo vào. Trên
cơ thể có thể còn có nội y bên trong.
Bấy giờ một thiên nữ, xuất hiện
trong hào quang, từ thân hình phát ra, soi sáng cả mặt sông.
Để sinh về cõi chư thiên thì phải làm phước, giữ giới rất nhiều. Vị
thiên nữ xuất hiện nơi vị khất sĩ mới tắm gội và hai vị trò chuyện với nhau. Điều
này chứng tỏ vị khất sĩ có thiên nhãn thông.
Thầy vừa mới xuất gia tuổi vẫn
hay còn trẻ, giờ này đáng lý ra phải xông ướp hương thơm, trang điểm các châu
báu, đeo các tràng hoa thơm, hưởng thọ năm thứ vui. Ấy vậy mà thầy bỏ, xa lìa
những người thương, quay lưng với thế tục, chịu đựng sự biệt ly, cạo bỏ đi râu
tóc, khoác chiếc áo cà sa, phát tâm nguyện xuất gia. Tại sao thầy lại bỏ, cái lạc
thú hiện tại, mà rong ruổi đi tìm, cái lạc thú phi thời?
Vị thiên nữ có ý niệm người trẻ thì phải ăn mặc đẹp đẽ, trang điểm xông
hương, chăm chút bề ngoài cho bắt mắt, hấp dẫn. Ngày trước mình ăn ở xuề xà, hay
không sạch sẽ lắm nhưng để ý tới ai rồi thì lại ăn mặc thời trang đủ thứ, siêng
vệ sinh cá nhân để có vẻ thơm tho hấp dẫn người kia bằng nét kiều diễm hay
phong trần của mình.
Tại sao thầy không hưởng thọ năm
thứ vui. Năm thứ vui là tài, sắc, danh, thực, thùy. Tài là
tiền bạc, mình chạy theo tiền bạc rất nhiều, quên ăn quên ngủ và mình xung đột
chém giết nhau cũng vì điều này. Thứ hai là sắc. Sắc không đơn thuần là sắc tứ đại
mà còn thanh sắc, hương sắc, vị sắc, xúc chạm sắc và suy nghĩ sắc. Người ta nói
về danh và sắc, sắc ở đây là tất cả sáu trần. Khi thực tập thu thúc sáu căn có
tâm sở xúc và sự đụng chạm vào da thịt diễn ra thì xúc biểu hiện, nhưng chưa đủ,
mắt cũng tạo ra xúc, khi mắt nhìn thấy sắc là đã tạo ra xúc. Tai khi tiếp xúc với
âm thanh cũng tạo ra xúc và để tâm ý biết về những điều đó thì tạo ra thức. Mình
có sáu căn, sáu trần, sáu thức, sáu xúc. Người ta nói mắt xúc sắc, tai xúc âm
thanh, lưỡi xúc mùi vị, mũi xúc mùi hương, thân xúc xúc chạm, ý xúc pháp.
Thú vui thứ ba là danh, tức danh lợi. Mình muốn được nhiều người công nhận,
biết đến, muốn điều chỉnh, sửa lại cũng là một cái danh.
Viết xong một bài mình đề tên tác giả là TG Minh Thạnh. Mình muốn nói
cho người biết là bài này của tôi, do tôi viết. Tuy nhiên nếu mình thực tập
quán chiếu thì sẽ thấy không có ông TG Minh Thạnh nào cả, nếu như ngày xưa sư
phụ không đặt tên là Minh Thạnh thì không có Minh Thạnh và nếu không do trùng
tên thì không có TG phía trước pháp danh. Trước khi viết bài mình đã ăn cơm, uống
nước, đã nghe nhiều vị thuyết pháp, cùng
với sự thực tập, tất cả những điều đó gom lại mới đủ sức viết một bài. Bài viết
kia là do bữa cơm viết, chai nước viết, vị sư giảng viết, sự thực tập viết,
không có đối tượng nào là chủ thể duy nhất viết. Người ta đọc xong buông lời
khen chê thì đang khen chê cái trống không mà thôi.
Thứ bốn là thực. Thức ăn không chỉ là đưa vào miệng, thức ăn còn đưa vào
mắt, mũi, vào tai, thân thể, vào suy nghĩ cho nên thức ăn đi vào sáu căn và người
ta chạy theo những thức ăn đó. Làm marketing thì đánh vào sáu căn là chủ yếu.
Cuối cùng là thùy, tức ngủ nghỉ. Không nên ngủ quá nhiều. Mệt và bệnh thì có quyền ngủ nhiều hơn để mau lấy lại sức
nhưng sự nghỉ đó đừng kẹt vào mà hãy thực tập chánh niệm trong khi nghỉ. Thanh
quy trong chùa thường phải dậy lúc ba giờ sáng. Bị bệnh thì việc này có thể uyển
chuyển hơn. Sức khỏe bình thường thì nên dậy sớm.
Tài, sắc, danh, thực, thùy là năm thứ dục. La rầy người khác cũng là cái
dục, mình muốn chứng minh là người bề trên.
Ấy vậy mà thầy bỏ, xa lìa những
người thương, quay lưng với thế tục chịu đựng sự biệt ly, cạo bỏ đi râu tóc. Vị thiên nữ nghĩ đi tu là xa lìa với người thương, quay lưng với thế tục
và biệt ly là sự chịu đựng. Tu là không chỉ cho riêng mình mà còn cho ba mẹ,
cho tổ tiên, cho thầy, cho tất cả chúng sinh. Đi tu nhưng thực ra vẫn rất gần
gũi với người thương. Sở dĩ mình cho là xa lìa, là còn kẹt vào tướng. Người xuất
gia thực tập không kẹt vào tướng, thực tập nhìn bằng con mắt vô tướng.
Buổi sáng đi thiền hành với bài: Từng
bước cứ đi, đạp vào sự sống, không cần hối hả, không cần vội vã… Nếu lỡ
quên mình niệm thành: Từng bước cứ đi, đạp
vào chúng sinh thì thầy không còn có mặt. Nếu có chánh niệm liền biết mình
đã lầm, mình đi đúng theo bài kệ trở lại và lập tức thầy có mặt ngay cho mình.
Chỉ cần bước ra khỏi ranh giới vòng tròn của Tôn Ngộ Không vẽ là sẽ bị ma phiền
não bắt. Hãy tạo một vòng tròn như thế, vòng tròn chánh niệm, soi sáng thân tâm
mình. Đi vào trong quân ngũ nếu có thực tập, không bị cho những cực khổ trong
quân ngũ nhấn chìm, mình có an lạc trong tâm hồn là thầy có mặt và yểm trợ cho
mình.
Có hợp là có tan. Tất cả là do nhân duyên. Duyên còn thì không níu kéo,
ta vẫn gặp nhau. Duyên hết thì dù níu kéo cách mấy vẫn chia lìa. Sự chia lìa theo
suy nghĩ của thiên nữ là về tướng. Người tu phải nhìn bằng con mắt vô tướng. Dù
bạn Tới có đi vào quân ngũ thì ở bên cạnh thầy vẫn có bạn Tới. Thầy đi khám bệnh
hay đi chùa nào đó mà có một bạn khác đưa thầy đi, thì thầy biết: À, tôi thấy bạn Tới ở trong bạn này này.
Mình thực tập mình thấy thầy ở trong mình, Tam Bảo ở trong mình và sẽ không sợ
hãi, mình không kẹt vào tướng.
Đi xa thì mình sẽ nhớ gia đình
nhưng không để cái nhớ trong sự khổ đau. Hãy nhớ một cách thông minh. Đừng để
cho cái nhớ lay lắt mình. Đem cái nhớ gói trong hỷ lạc. Ba mẹ trong mình nên dù
ở xa nhưng khi thực tập có an lạc thì ba mẹ cũng sẽ an lạc. Ba mẹ chưa có đủ
thuận duyên gặp Phật pháp nên có nhiều khổ đau, giờ mình có cơ hội thực tập thì
phải thực tập giùm cho ba mẹ, đó mới là có hiếu. Có điều kiện thì chia sẻ
phương pháp thực tập cho ba mẹ.
Cạo bỏ đi râu tóc. Người thực tập quán chiếu vô thường, thấy râu cạo rồi lại mọc ra nữa là
biết ngay vô thường, thế thì tại sao mình lại ngại sự đổi thay, lại ngại chuyện
trời mưa hay nắng. Trời mưa thì đi trong mưa, trời nắng thì đi trong nắng. Nếu
như ngồi bực bội chuyện trời mưa lạnh quá, nắng nóng quá thì bị hoàn cảnh chi
phối và không có vô tâm. Đi trong mưa đã mệt lắm rồi. Ai cũng chịu chung số phận
với mình mà còn bực bội cơn mưa thì mình đang nhân gấp đôi sự khổ đau lên.
Trên thế gian này ai cũng phải chết thì tại sao phải sợ cái chết. Sống
lâu mới sợ vì hưởng phước ăn uống lấy từ đất mẹ nhiều quá mà không lo tu thì chỉ
tiêu phước. Không cần sống lâu mà mình chỉ ước trong giây phút này có niệm, có
định, có tuệ, có sự tỉnh thức là được. Sống lâu cách mấy mà năm giới đều phạm
thì khi mất đi sẽ mất thân người ngay lập tức.
Tại sao thầy lại bỏ, cái lạc thú
hiện tại, mà rong ruổi đi tìm, cái lạc thú phi thời? Thiên nữ cho rằng việc xuất gia là lạc thú phi thời, đột xuất: Chắc ông đó đột xuất đi xuất gia. Phải
khổ đau mới đi tu, hiếm khi mình tự phát khởi lòng trắc ẩn rồi quán chiếu được
sự sống và quyết chí đi tu như đức Phật ngày xưa. Đức Phật đâu có khổ, nhờ quán
chiếu những hình ảnh mà ngài thấy trên đường đi khi lần đầu ra ngoài cổng
thành, nhìn thấy cảnh sinh, lão, bệnh, tử và người phát khởi một lòng trắc ẩn
và muốn đi tu. Người đời bây giờ khổ điều gì đó chịu không nổi và muốn tìm kiếm
một bến đỗ được xem là có chút bình yên, tuy vậy thà như thế còn hơn là tiếp tục
dấn thân vào con đường mà biết chắc chắn là không có bến đỗ. Ví dụ người khó khăn
trong sự nghiệp, làm ăn thất bát, nợ nần
chồng chất, khổ quá và tìm tới Phật pháp để thân tâm được nhẹ nhàng hơn thì đó
vẫn hay hơn, tốt hơn nhiều so với những phương cách khác. Vị thiên nữ cho rằng
lạc thú hiện tại là tài, sắc, danh, thực, thùy cần phải hưởng thụ.
Vị khất sĩ trả lời:
Tôi nào đâu có bỏ, cái lạc thú hiện
tại, tìm lạc thú phi thời. Tôi đã bỏ đi cái lạc thú phi thời để tìm cái lạc thú
chân thật trong hiện tại.
Có thể hiểu thế này: Cô có nhầm
không, cái cô nói là ảo đáng lẽ ra nó là thực, cái cô nói là thực thực tế nó là
ảo. Cho nên cô phải đổi lại, năm thứ dục rất đột xuất, mong manh cho nên tôi muốn
tìm cái hạnh phúc bền vững, vĩnh cửu và hạnh phúc này chỉ có được khi đi qua
con đường thực tập. Tôi thực tập chánh niệm 24/7, tôi đem hạnh phúc vào đời sống
hằng ngày của tôi, tôi có niềm vui hạnh phúc suốt ngày và hạnh phúc của tôi là
con đường tôi đi chứ không phải cuối đường.
Từ giường ngủ đi ra nhà vệ sinh cũng là con đường mình đi có hạnh phúc.
Cho nên người đời chạy theo thú vui phi thời mà cứ tưởng đang có những hạnh
phúc chân thật.
Vị thiên nữ hỏi tiếp:
Thế nào là bỏ đi cái lạc thú phi
thời để tìm cái lạc thú chân thật?
Vị thiên nữ ngạc nhiên và ngạc nhiên thì hỏi.
Vị khất sĩ trả lời:
Đức Thế Tôn có dạy, trong cái vui phi thời, của
các loại ái dục, vị ngọt thì rất ít, mà cay đắng rất nhiều, cái hưởng thụ rất
bé, mà tai họa rất lớn.
Trong kinh Bốn mươi hai lời dạy, Đức Phật dạy rằng người tận hưởng dục
như nếm mật ngọt trên lưỡi dao, mật ngọt không nếm được bao nhiêu mà bị tai họa
đứt lưỡi. Đi vào sự ham muốn đối tượng nào đó thì vị ngọt rất ít mà cay đắng rất
nhiều. Người kiếm tiền phải cực khổ lắm người mới giàu. Người có sắc đẹp dính mắc
và tự hào về sắc đẹp bao nhiêu thì khi thời gian trôi, vô thường đến, nhan sắc
tán loạn, người sẽ buồn khổ bấy nhiêu.
Hưởng thụ rất bé mà tai họa rất lớn, Mới mua ti vi về, mình thích chí, ngày nào cũng coi nhưng tuần thứ hai
bắt đầu giảm dần, thời gian sau thấy ngán coi luôn. Có người thích ăn phở,
nhưng khi đã no rồi kêu ăn nữa thì không ăn được. Sự hưởng thụ dục lúc nào cũng
có sự ngán ngẩm và mình khổ đau về sự ngán ngẩm đó, vì không thỏa mãn được cái
ham muốn cao hơn nữa. Khi biết sự nghiệp không đi về đâu thì tại sao lại tiếp tục
đi vào một cái hố. Biết khối tình không đi về đâu thế thì tại sao mình lại đi
tiếp để cho trái tim đớn đau. Biết món ăn sẽ gây phiền toái, tại sao không ngừng
lại mà tiếp tục ăn để đi vào nghĩa địa nhanh hơn. Mình chưa đủ dũng cảm để vượt
qua những dục lạc như vậy. Một ông tỷ phú trong một đêm mất 30 tỷ đô la Mỹ, rất
mau.
Trong hưởng thụ có những tai họa rất lớn mà mình không thấy được, cứ chạy
theo ái dục thì sẽ làm mồi cho ái dục. Thức ăn của ma vương chính là khổ đau,
khi mình có càng nhiều khổ đau thì ma vương càng no nê.
Tôi giờ đây an trú, trong hiện pháp an lạc, lìa bỏ được phiền não, vượt
ra ngoài thời gian, đi đến để mà thấy, chính tự mình thông đạt, chính tự mình
giác tri.
Vị khất sĩ nói tôi giờ đây an trú trong hiện pháp an lạc là đang sống
sâu sắc trong hiện tại, thực tập an lạc hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại.
Phiền não nào khởi lên thì mình niệm để chuyển hóa ngay lập tức, không để phiền
não hiện ra nữa. Pháp môn Hiện Pháp Lạc Trú là tự mình thông đạt, tự mình tu tự
mình thấy. Bạn Tới muốn có an lạc thì bạn ấy phải tu, phải thực tập chánh niệm,
niệm giới, niệm định, niệm tuệ, không thể thầy thực tập mà bạn ấy có an lạc.
Chuẩn bị kỹ cho mình khi cơn sóng thần tới. Cơn sóng thần có thể mang những
khổ đau. Có người khổ đau tới bất thình lình thì không chịu nổi chỉ muốn chết
đi. Chuyện tình Romeo và Juliet cả thế giới ca ngợi là đẹp vì yêu nhau mà chết
chung là đẹp. Nguyễn Du còn có câu: Tình
chỉ đẹp khi còn dang dở. Người có ý niệm như vậy. Dang dở sao mà đẹp, hai
người yêu nhau phải uống thuốc độc tự tử thì đẹp sao được. Tình yêu bế tắc vì
hai dòng họ không hòa giải được với nhau, nội kết giữa họ quá lớn nên chính con
cháu là những hệ lụy. Có những dân tộc tới giờ vẫn còn nội kết hận thù vì không
buông ra được, không để tâm tha thứ choàng lấy sân hận, không đủ dũng cảm buông
sân hận ra. Giận ai, nhiều khi ngồi một mình và nghĩ rằng thôi thì tha thứ cho người
này nhưng hôm sau nhìn lại gương mặt thấy ghét và thôi tha thứ nữa.
Việc tu là do tự mình tu, muốn có
an lạc thì đi vào con đường an lạc mà thực tập. Tu tập thì phải hạ thủ công
phu, phải sửa đổi, đã hay lại hay hơn, loại bỏ những bất thiện từ từ. Tuy nhiên
đừng tu một cách dồn dập, ép thân tâm vì sẽ không thấy kết quả mà chỉ thấy phiền
não nổi lên. Như một sợi dây đàn căng quá thì đánh lên sẽ đứt. Còn nếu tu mà lười
biếng thì như dây đàn chùn, chơi không ra tiếng. Tu vừa phải và tùy theo hoàn cảnh
mà tu.
Đây như một bài kinh giữa đời và đạo. Người đời cho năm thứ dục là những
mục tiêu tối thượng. Trường dạy học đều dạy nhận ảo làm thật, nhận thật làm ảo.
Những điều này đã viết rất chi tiết trong cuốn Người chiến binh trong thế giới ảo.
Cuốn này đơn giản, ngôn từ trẻ trung nhưng có những điều mình thực tập cả đời vẫn
chưa làm được. Đâu là thật và đâu là ảo, không phải chuyện dễ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét