Vấn đáp: Tu không tiến, sinh tâm hoài nghi về sự thực tập của mình?
Giảng vào ngày
14-12-2014
1. Cách đối trị và chuyển hóa
năng lượng ái dục?
Trường hợp bị ái dục sai sử, nhất là về mặt tình dục, Đức Phật có dạy mình nên Quán Cửu Tưởng, bên cạnh thực tập quán Thanh Tịnh. Quán Thanh Tịnh là quán thân thể là đền thờ tâm linh. Không có suy nghĩ dính mắc xác thân hay tư tưởng là để bảo hộ đền thờ tâm linh của mình và người. Mình có thể quán những cách khác như hậu quả của ái dục, nghĩa là việc hành lạc sẽ xảy ra hậu quả gì? Ái dục đó sẽ dẫn mình đi đến chỗ nào? Mình có thể tiếp tục con đường tu học và cứu độ chúng sinh hay không? Giới thứ ba của Sa Di có đoạn: Con biết hành động dâm dục sẽ làm tan vỡ đời sống tu học của con và khó có khả năng giải thoát và cứu độ chúng sinh. Đó là giới bảo vệ tiết hạnh. Con biết hành động, suy nghĩ ái dục có thể sẽ làm tan vỡ đời sống tu học mà con đã xây dựng mấy năm nay, nên con quyết chí điều phục ái dục đó bằng sự tỉnh thức, bằng sức niệm và chấm dứt ái dục.
2. Người nhà đi xem bói, gây
hoang mang cho người khác?
Sở dĩ người nhà thường đi coi bói, làm phiền người này người kia là do
người đi trước trao truyền. Xung quanh ai cũng coi bói, ai cũng nói chuyện vong
linh nên người này đã được tiếp nhận những câu chuyện đó, đóng thành nội kết
sâu dầy, khó có thể chuyển hóa được. Trừ khi có chuyện gì lớn lao xảy tới thì mới
có điều kiện thuận duyên chuyển hóa. Nhìn thấy điều này thì mình sẽ biết người
đáng thương, vào lúc thích hợp nên chia sẻ nếu như họ chịu lắng nghe. Không chịu
lắng nghe thì có nói cách mấy cũng không lọt lỗ tai. Một số lần tôi chia sẻ rằng nếu ai muốn
thực tập cùng hoặc học thiền thì hãy để tự người đó đề nghị, mình không nên đề
nghị trước, vì có một vài giáo lý mình
thực tập có thể không phù hợp với cách nhìn của họ ở hiện tại. Phật giáo
nguyên thủy nói đến phương pháp thực tập được áp dụng từ thời đức Phật, còn khi
làm mới quá mức hoặc thâu nhập thêm thì vô hình chung Phật giáo bị lai căng, xa
rời sự thật. Pháp môn nào phù hợp với tinh thần Phật Giáo thì đều có thể áp dụng,
giúp mình an trú trong hiện tại và chuyển hóa được khổ đau của mình.
3. Tưởng uẩn và tâm có mối
liên hệ như thế nào, có là một? Ý thức và tưởng có mối liên hệ ra
sao?
Năm uẩn bao gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Nhận biết năm uẩn là tâm.
Năm uẩn tương tức với nhau, có thể nói cái này là cái kia. Có thể nói sắc là
tâm hành, thọ là thân, tưởng là tâm hành, tâm hành là sắc. Chữ “là” ở đây không
có nghĩa là dấu bằng, mà là nói tới sự tương tức giữa cái này và cái kia, bởi
vì mình không thể tách cái này ra khỏi cái kia được. Năm uẩn biểu hiện, nhờ
duyên mà biểu hiện ra nhau để tạo thành sự sống của con người. Mình biểu hiện
là nhờ năm uẩn tương tác nhau.
Nói về tàng thức (duy thức học) thì tâm có hai phần đó là ý thức và tàng
thức. Phật giáo Nam Tông không nói về điều
này, chỉ nói về tâm và sở hữu tâm (danh pháp). Tàng thức là khu vực chứa đựng
trong kiếp hiện tại, trong phần thời gian quá khứ của kiếp hiện tại cũng như
các kiếp trước đó. Tàng thức là nơi chứa nghiệp thì cũng có thể chấp nhận được.
Tàng thức còn chứa những điều tốt đẹp chứ không riêng gì những nghiệp xấu, còn
có nghiệp thiện và không thiện, nghiệp vừa thiện vừa không thiện, nghiệp không
thiện cũng không không thiện.
Khi thực tập nghiệp thiện dày đặc thì giúp chuyển hóa được những nghiệp
bất thiện, mình sẽ vẫn phải trả nghiệp nhưng mà nghiệp bất thiện sẽ giảm đi phần
nhiều. Ý thức cũng là biểu hiện của nghiệp, không chỉ riêng tàng thức, tại vì
do năng lực của nghiệp mà mình có ý thức như mình đang có, còn tàng thức là nơi
chứa những nghiệp mình đã tạo trong khi ý thức là sự biểu hiện của nghiệp. Nghiệp
xa xưa tác động tới ý thức. Ví dụ, Phật pháp đang sờ sờ ra đấy nhưng do nghiệp
quá khứ mà không tiếp xúc được, không ý thức được việc thực tập Phật pháp để có
hạnh phúc, chuyển hóa những khổ đau, cho nên tàng thức khiến cho ý thức không
có phẩm chất cao trong thời điểm có ý thức về một đối tượng nào đó.
Đặt ý niệm vào một đối tượng nào đó sẽ sinh ra phân biệt. Không có ý niệm,
tức là có ý thức một cách đơn thuần, đó là chánh niệm. Còn đặt ý niệm về một đối
tượng thì là tà niệm. Tà niệm còn mang ý nghĩa là niệm bất thiện, nhưng nếu thực
tập sâu sắc sẽ thấy, đặt ý niệm với tâm phân biệt, không buông xả được. Căn tiếp
xúc với trần tạo ra cảm giác – thọ. Có những thọ như thế mà sinh ra phân biệt.
Nhận biết những thọ đó là tâm. Dính mắc vào tri giác, tưởng nó là thật, tức là
vọng tưởng điên đảo.
4. Có phải chánh niệm thường đến
sau tâm hành phát khởi?
Thời gian ban đầu thực tập, chánh niệm thường đến sau tâm ít nhất một nhịp.
Chánh niệm về tâm miên mật thì tâm không phát khởi, tâm lặng im. Niệm tâm là niệm
sở hữu tâm. Tâm biết sở hữu tâm nào phát khởi, đang diễn ra và kết thúc. Có khoảng
thời gian ngồi xuống thực tập riêng thì sẽ thấy nhẹ hơn. Niệm chậm hơn là việc
bình thường, có tâm phát khởi mới niệm được, còn không phát khởi thì niệm chi. Chỉ biết tâm đang không ở trong tình trạng
như vậy. Ví dụ, tham phát khởi biết tâm tham đang phát khởi. Vô tham phát khởi
biết vô tham đang phát khởi. Niệm tham thì cũng niệm vô tham. Lấy cái tham ra
làm đối tượng của niệm. Tâm còn phát khởi thì thì còn phải niệm. Không tham thì
biết đang không tham, hoặc đang không có ái dục thì niệm là biết đang không có
ái dục.
5. Khi ngồi thiền muốn ngồi cho
mau xong, cách đối trị?
Ngồi thiền mà muốn ngồi cho mau để đi ngủ hoặc làm việc khác là tình trạng
móng tâm. Suy nghĩ hết chuyện này đến chuyện kia là tình trạng lăng xăng hay trạo
cử. Nghĩ đến chuyện khác ngoài việc theo dõi phồng xọp của bụng là phóng tâm. Móng
tâm thì niệm “móng tâm à”, lăng xăng thì niệm “lăng xăng à”, phóng tâm thì niệm “phóng tâm à”… cho đến khi lắng dịu xuống và quay trở lại bài thiền. Để giảm bớt lăng
xăng thì có thể thực tập sổ tức. Đếm hơi thở giúp tâm an trước khi chính thức
đi vào những bài thiền tuệ, có thể đi thiền hoặc thiền buông thư giúp thư giãn,
và nhớ là trước khi ngồi thiền hãy đọc Kinh Từ bi, ghi nhớ lời đức Phật dạy:
Nguyện tình thương cả thảy chúng sinh
Như lòng mẹ luôn luôn cần mẫn
Trăm cay nghìn đắng vẫn vui cười
Dù cho sinh mạng mất tất cả
Tình thương vẫn bao la thiên hạ
Từ bi thênh thang như trời xanh.
Như lòng mẹ luôn luôn cần mẫn
Trăm cay nghìn đắng vẫn vui cười
Dù cho sinh mạng mất tất cả
Tình thương vẫn bao la thiên hạ
Từ bi thênh thang như trời xanh.
Muốn có từ bi thênh thang như trời xanh thì quán sát tâm trong lúc ngồi
thiền, làm cho tâm tươm ra những giọt từ bi. Thực tập xong thì rải tâm từ đến tất
cả chúng sinh.
Ngày xưa đức Phật phát nguyện rằng: Nếu
như chưa thành đạo thì tôi quyết chí không đứng lên, không rời khỏi cội Bồ Đệ
này.
6. Trong công việc, người làm
không chịu làm đúng những hướng dẫn của mình. Mình nổi giận. Cách đối trị?
Không có ai là hoàn hảo cả. Đức Phật cũng có những nỗi buồn. Ngày xưa đức
Phật buồn đệ tử và vô rừng ở một mình. Đức Phật đi thì không ai cúng dường cho
tăng thân nên những vị gây xào xáo trong tăng thân ấy mới vào rừng mời đức Phật
ra trở lại.
Nếu người làm việc không theo ý mình, vấn đề một phần là mình. Thứ nhất
là do mình không chỉ cho người cặn kẽ. Thứ hai là chu trình giám sát công việc
không rõ ràng nên người lơ là trong công việc. Thứ ba là sự dẫn dắt của mình
hay của người khác trong công việc chưa chuyên nghiệp. Lời nói của mình không
có trọng lượng lắm, nói người không có nghe. Sự nóng giận không phải do người
kia mà từ mình. Lúc nóng giận, quán chiếu mình đã làm gì mà người đó làm cho
mình giận và mình đã làm gì mà mình giận thế này, chứ không phải đổ tại người
kia đã làm mình giận.
Để tránh cho sự giận dữ không xảy ra thì quán chiếu trước, trong và sau
cơn giận. Trước cơn giận thì quán chiếu: Vì
đâu mà người có lời nói như vậy? Lời nói đó có đáng để giận hay không và thời
điểm mà xung quanh có nhiều người thì có phải thời điểm mình giận không? Có
bài kệ về giận như sau:
Người giận người không đẹp
Mặt mũi như cơm thiu
Trống vắng như chợ chiều
Mây nước cũng đìu hiu.
Mặt mũi như cơm thiu
Trống vắng như chợ chiều
Mây nước cũng đìu hiu.
Người hay giận sẽ bị sụt một kí. Bữa nay có người nói với tôi bị sụt một
kí đúng không? Sau cơn giận thì quán chiếu: Nếu
cơn giận qua rồi thì hậu quả như thế nào, cơn giận này sẽ dẫn tới hậu quả gì và
thực tập như thế nào để chuyển hóa cơn giận. Có nhiều nguyên nhân để khiến
mình giận. Thứ nhất là người không thỏa mãn danh sách mục tiêu của mình. Thứ
hai là bị ảnh hưởng tới quyền lợi, phần lớn là do nguyên nhân này. Đi với thực
tập thiền tuệ thì cơn giận nổi lên liền biết cơn giận phát khởi, cơn giận đang
diễn ra thì biết đang diễn ra và niệm cho đến khi cơn giận kết thúc. Cơn giận kết
thúc thì biết là kết thúc. Người được cho là làm mình giân kia có thể do chưa
biết cách làm, chưa biết cách ăn nói, tay nghề chưa cao, tính chểnh mảng vẫn
còn… dẫn tới công việc chưa hoàn thành, đang cần sự giúp đỡ.
Mình hay bị tưởng rằng khi nói tới một cái tên hay điều gì đó thì tưởng
nói tới mình. Vị dụ tôi nói, Mấy cái anh
thợ tiện… thế là bạn Tới tưởng ông này nói tới mình. Chừng nào người nào
nói gì đó mình im phăng phắc thì sẽ không còn giận nữa, sẽ trở thành người vô
tâm. Vô tâm không phải là vô cảm mà là nếu hoàn cảnh dù thuận hay trái ý tác động
tới thì mình không còn khởi tâm si mê nữa thì đó là vô tâm. Vô tâm có thể hiểu
dễ dàng là không còn phát khởi tâm nào nữa.
Hồi xưa ba của tôi là thợ tiện nên tôi biết công việc của người thợ tiện
rất vất vả. Trong lúc làm tiện thì chú tâm vào công việc làm. Nếu chú tâm trọn
vẹn thì sản phẩm sẽ không bị lỗi. Tất cả công nhân đều chánh niệm trong công việc
thì họ tập trung cao độ hơn rất nhiều. Một số người trong lúc làm việc mở phim,
mở nhạc, vừa làm vừa nghe vừa xem, tâm bị phân tán nên công việc không được chú
tâm. Người quản lý nên có những điều chỉnh khéo léo sao cho người làm được chú
tâm hơn. Ngoài đường, có người vừa chạy xe vừa nghe điện thoại, rất là nguy hiểm,
chưa nói tới mình đang chở trẻ em, người già. Không nên xem thường mạng sống của
mình và người phía sau. Thực tập bài kệ khi chạy xe:
Xe như con chiến mã
Cẩn trọng không kẻo ngã
Sinh mạng phải trân quý
Dù đi gần hay xa.
Cẩn trọng không kẻo ngã
Sinh mạng phải trân quý
Dù đi gần hay xa.
Đội nón bảo hiểm cũng có bài kệ:
Chiếc nón bạn đồng hành
Bảo hiểm cả ngày xanh
An toàn là trên hết
Đời đẹp như bức tranh.
Bảo hiểm cả ngày xanh
An toàn là trên hết
Đời đẹp như bức tranh.
Những bài kệ nhắc nhở mình chú tâm trong việc lái xe, đảm bảo an toàn
giao thông. Cũng như vậy, trong lúc giận người, hãy nhớ bài kệ mà đọc:
Tuy giận mà lại thương
Thương người còn đau khổ
Cái giận không còn chỗ
Khi vị tha bao dung.
Thương người còn đau khổ
Cái giận không còn chỗ
Khi vị tha bao dung.
Thực tế tha thứ cho người chính là tha thứ cho chính mình, cho phép bản
thân có cơ hội không phải giận nữa. Nếu như người đó là tôi thì có lẽ mình sẽ
không có lớn tiếng mà ái ngữ. Thực tập lời ái ngữ trong mọi hoàn cảnh. Dù người
ta nói thế nào cũng hãy im lặng, chờ người bình tĩnh mới chia sẻ lại.
7. Tu không tiến, sinh tâm hoài
nghi về sự thực tập của mình?
Người tu có một số năng lượng kéo mình đi, không cho mình thực
tập. Năng lượng thứ nhất là nghiệp. Ba dòng nghiệp là thiện, bất
thiện, không thiện cũng không bất thiện. Ngày xưa làm việc thiện và
hồi hướng cho việc tu tập thì tất cả những công đức phước báu có
được sẽ dồn vào việc tu tập và tạo thuận duyên cho việc này. Hồi
hướng cho những việc khác, ví dụ như làm ăn phát đạt, sắc đẹp, sức
khỏe … thì phước đức sẽ đi vào những điều này. Người tu tập thì nghiệp
bất thiện sẽ tới đòi nợ và sẽ trì triết, thử thách làm cho mình
thối chí. Một trong những điều khiến khởi tâm hoài nghi trong tu tập
là những nghiệp bất thiện. Lười nhác, thực tập không đúng phương pháp,
dễ duôi… khiến mình đi vào vùng thất niệm hơn là vùng có chánh
niệm. Nếu nhận ra điều này thì niệm tâm hành đang biểu hiện. Để sự
việc dễ duôi diễn tiến thì sẽ đánh mất cơ hội thực tập Phật Pháp
và sẽ rơi vào cạm bẫy của nghiệp bất thiện. Đó là năng lượng thứ
nhất.
Năng lượng thứ hai là thiếu phước báu. Không đủ phước báu để
thực tập tiếp. Ví dụ có những người thực tập một ngày, một tuần,
một tháng, một năm, hay mới chỉ có một kiếp thôi là không có thực
tập nữa là vì họ không đủ phước. Phước mà họ gặp Phật pháp để hưởng
đã hết rồi mà không tạo ra nữa nên họ không thể đi tiếp. Chểnh mảng trong sự thực
tập là do phước báu đang giảm đi hoặc không trổ ra trong thời gian đó
để giúp ích cho sự tu tập. Tu tập là để tạo phước.
Năng lượng thứ ba là những oan trái. Trong tâm còn có những bất
thiện và chúng khởi lên sẽ khiến cho đồng đảng bên ngoài lẻn vào. Nghĩ
về ái dục mà không có chánh niệm thì những năng lượng ái dục bên
ngoài sẽ xâm nhập vào, nội ứng ngoại hợp khiến mình bỏ tu. Nếu tâm nghĩ
về ái dục mà có chánh niệm thì năng lượng này sẽ dừng lại và từ
từ chuyển hóa, mình sẽ không bị nó sai sử. Nhiều vị đang tu trong
chùa rất giỏi, thực tập tới bài số 11 thiền tuệ mà bỏ chạy về nhà
không thực tập nữa. Sư phụ phải điện thoại và nhờ vài người tới
khuyên giải vì vị này đang bị năng lượng bật thiện bên trong lẫn bên
ngoài sai sử.
Trước khi ngồi thiền phải đọc Kinh Từ bi. Thực tập thiền xong
phải rải tâm từ tới chúng sinh trong mười phương, đây là phương pháp bên
Nam Tông. Bên Nam Tông sử dụng phương pháp rải tâm từ. Truyền thống Bắc tông thì sử dụng phương
pháp hồi hướng. Làm như vậy nhằm mục đích trong lúc hành thiền, những
oan trái không kéo mình ra ngoài vùng chánh niệm. Đọc Kinh Từ bi, Kệ Rải
tâm từ làm cho những oan trái được hoan hỷ hơn, chuyển hóa được phần
nào những oan trái đã có.
Năng lượng thứ tư là do môi trường sống. Sống trong môi trường
ít người thực tập hay phải bận rộn lo toan quá nhiều và thực tập một mình.
Nhiệm vụ của mình là phải tạo sức lan tỏa cho người xung quanh. Do
mới thực tập, năng lượng chưa đủ sức lan tỏa nên trong tâm có sự buồn
tủi, cô đơn, chưa vững chãi trong tâm. Có câu, Ăn cơm có canh tu hành có
bạn là vì vậy. Nên ở chung với những người bạn đồng tu, những thiện
tri thức.
Người tu hành thì nhiều nghiệp bất thiện tới kéo mình để không
cho mình tu nữa, nói đó là ma vương nhưng mà thực tế là những nghiệp
bất thiện. Nó cứ kéo mình đi không cho mình tu. Do vậy mình sinh tâm
hoài nghi: Người ngoài kia đang thụ
hưởng đủ thứ tại sao mình lại phải ngồi đây làm chi ? Mà trong khi
mình cũng có đủ những điều kiện để hưởng thụ như vậy. Tại sao phải sống thiểu dục tri túc, ngồi
thiền im re, gìn giữ giới luật làm gì? Mình nhớ lại những tháng ngày
rong ruổi ngoài đời, thật sung sướng biết bao, giờ ngồi đây cực khổ
quá... Sở dĩ có những ý niệm như vậy bởi vì có lối nghĩ rằng tu là
khổ, không thực sự nghĩ tu là để tìm tới con đường giải thoát, mở
rộng sự tự do. Thực tập giữ giới để tự do, thiền để thư giãn, thực
tập tuệ giác mang lại đời sống xa rời khổ đau, đem lại hạnh phúc
đích thực.
Ngày xưa đức Phật ngồi thiền dưới cội Bồ Đề thì Ma Vương hiện
lên dưới hình dạng những người phụ nữ hòng lôi léo Đức Phật đi ra khỏi
cội Bồ Đề thì bây giờ mình bị y chang như vậy. Học cách hành xử
của người, đức Phật đã đối trị bằng cách thấy là thân người là bất
tịnh, là đại gia hôi thối.
Sắc đẹp mỹ miều chỉ là túi
da ô uế mà thôi, ngươi đi chỗ khác ta không có dùng đâu.
Sau đó Ma liền hiện thành nàng Yasodhara trước mặt đức Phật và
nói rằng:
Thái tử ơi, em nè.
Bao năm sống khổ hạnh mà nghe lời nói ngọt ngào từ người vợ
ai chẳng xiêu lòng. Đức Phật không vậy, người đã cắt đứt luyến ái gia
đình, quyết tâm ngồi thiền cho đến khi thành được tất cả, tận thắng
Ma Vương. Ma Vương là những phiền não, những bất thiện vẫn còn ngủ
ngầm trong tâm, chờ những lúc yếu đuối để bắt mình đi.
Đối với những người đi vào dòng, họ đã chấm dứt được ba cái kẹt.
Thứ nhất là tâm kẹt vào thân, thân kiến. Thân này của ta, là ta. Thứ
hai là giới cấm thủ, đây là một tà kiến. Ví dụ như mình cho rằng
ngày mùng 5 là ngày xấu không nên khai trương công ty, tin vào ngày tốt,
ngày xấu cũng là một kiểu giới cấm thủ. Đã tu rồi thì ngày nào cũng
là ngày của Phật, ngày nào cũng phải đem Phật ngự trị nơi tâm nên
không có ngày xấu cũng không có ngày tốt. Sở dĩ ngày đó cho là xấu
là vì nghiệp trổ ra nhưng ngày tốt thì nghiệp vẫn trổ ra như thường.
Vấn đề là khi nghiệp xấu trổ ra thì sẽ đối trị với nghiệp đó như
thế nào? Mình có an nhiên với nó không? Mình có an nhiên với cái hạnh
báo oán hay không? Có học được hạnh kham nhẫn hay không?
Tâm thứ ba phải chuyển hóa là tâm hoài nghi. Cái nghi này không
phải là nghi thầy, nghi bạn đồng tu, nghi cái chùa, nghi pháp môn… cái
hoài nghi lớn nhất là nghi vào khả năng giác ngộ của mình, nghi vào
Phật tính, Pháp tính, Tăng tính, tự tính Tam bảo của mình. Mình nghi
mình không có khả năng tạo phước điền cho mình, cho chúng sinh. Chuyển
hóa được những hoài nghi, dứt trừ hoài nghi, không còn tà kiến, không
còn chấp thân thì không cần ai xác chứng, mình tự biết chắc chắn đã
đi vào dòng.
Trong lúc thực tập thiền, như khi ở nhà một mình, đóng cửa nẻo
để ngồi thiền rồi chợt có bác đưa thư hay có người nhà đi làm về bấm
chuông. Là người duy nhất mở được cửa nên phải ngưng việc ngồi thiền
lại đứng lên mở cửa. Thực ra ngồi thiền cũng chỉ là động tác của
việc thực tập chánh niệm, đứng lên, đi ra ngoài mở cửa cũng là một
hành động thiền. Từ lúc đứng lên cho tới khi ra ngoài mở cửa, phải
thực tập chánh niệm và nói chuyện với bác đưa thư cũng phải thực
tập chánh niệm lời nói. Thiền không chỉ là việc ngồi đó im lặng và
thở. Ngồi chỉ là phương tiện trong giờ công phu. Thiền là thực tập
khắp mọi nơi, trong lúc đứng lên, ngồi xuống, bước đi có ý thức, chú
tâm vào công việc đang làm.
Công việc khác như khi chăm sóc cho nội thì biết là đang chăm sóc
cho nội nên khi ngồi thiền mà nội kêu đi rót nước hay làm việc gì đó
mà thấy bực bội và không có chánh niệm về sân thì chưa thiền đúng.
Nhiều khi nội tạo cơ hội cho thực tập thiền, đi rót nước cho nội
cũng phải thiền. Biết đang rót nước, đưa nước cho nội biết đang đưa
nước và ngắm nhìn nội uống. Khi rót nước đọc bài kệ châm nước là:
Hạt nước tinh khiết
Kiến thiết thân tâm
Hết nước lại châm
Yêu thương nguồn cội.
Kiến thiết thân tâm
Hết nước lại châm
Yêu thương nguồn cội.
Đọc những bài kệ như vậy sẽ nhắc nhở mình thực tập chánh
niệm. Thiền là 24/7, như cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/7. Cần mua đồ
dù là nửa đêm thì cửa hàng vẫn luôn có mặt đó cho người mua. Chánh
niệm giống như cửa hàng tiện lợi, giúp chú tâm vào hành động đang
làm, lời nói đang nói, suy nghĩ đang nghĩ. Chăm sóc cho nội là cơ hội thực
tập chánh niệm. Vừa chăm sóc vừa than vãn sao mình thiền mà kêu làm
cái này làm cái kia thì sân đã nổi lên và mình không có chánh niệm về
sân thì sự thực tập của mình chưa đi đến đâu. Ngồi thiền nhưng không kẹt
vào việc ngồi thiền. Có thể nói với nội rằng chút nữa mình ngồi
thiền nửa tiếng hay một tiếng, giờ nội có cần làm gì thì con làm.
Mình ký hợp đồng hay xi nhan với nội trước. Nếu trong thời gian ấy có
chuyện khẩn cấp xảy ra mình vẫn đi làm bình thường, xong việc lại thực
tập tiếp. Vấn đề là trong những hoàn cảnh khác nhau tâm mình ứng xử
ra sao, nếu như bực mình thì phải niệm cho được. Giờ mình ngồi thiền
mà thầy tới gõ lên đầu cái cốc mà không có bực mình thì giỏi.
8. Thực tập thu thúc sáu căn
nhưng khi giận có đồng thời nhiều tâm hành khởi lên, bị ngợp trước những tâm
hành đó.
Có người nói câu nào đó cho mình giận mà có hàng chục những
tâm hành khác nhau nổi lên thì phải chú ý vào 6 tâm độc tham, sân, si,
mạn, nghi, kiến. Lấy sáu tâm này làm gốc để niệm. Niệm tâm sân, biết
là đang sân, biết sân phát khởi và sân lắng dịu. Đừng tham trong việc
niệm tâm. Những tâm bất thiện khác thực ra không nằm ngoài sáu tâm
độc. Ví dụ khi ghen tỵ với thành tích của ai đó thì cũng là tham,
sân, si. Nếu niệm biết có tâm ganh tỵ thì tốt, còn nếu không có thể
niệm: à, biết là đang si mê, đang sân, đang tham với thành tích của
người khác.
Trong đầu hiện lên hình ảnh ái dục thì niệm: à biết là đang tham dục. Đừng để
bị dục kéo đi, phải nhận ra cho được. Biết là đang lười biếng, tới
giờ ngồi thiền mà đi coi phim, nghe nhạc, đọc tạp chí… đang tham hưởng
thụ, đang si mê. Hãy an trú vào sáu tâm mình đang thực tập. Những tâm vi
tế hơn sau này từ từ sẽ có cơ hội thực tập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét