Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Thiền đi - Bài số 1


Thiền đi - Bài số 1

1. Bước chân trái, niệm “trái bước à” hoặc “bước à”.
Bước chân phải, niệm “phải bước à” hoặc “bước à”.
Khi đứng lại, niệm “đứng à”.
Khi xoay người, niệm “xoay à”.
Khi bước chậm, niệm “bước chậm à” hoặc “chậm à”.
Khi bước nhanh, niệm “bước nhanh à” hoặc “nhanh à”.
Khi tâm vượt khỏi sự theo dõi bước chân, niệm “phóng tâm à”.
Khi tâm muốn kết thúc sớm hoặc muốn qua bài, niệm “móng tâm à”.
2. Khi thực tập đi thiền, đi thẳng người, buông thư toàn thân, không nghiêng về bên trái hay nghiêng về bên phải, hai tay thả lỏng hai bên thân, mắt nhìn về phía trước khoảng một mét, thở bình thường.
3. Tâm đặt ở lòng bàn chân hoặc khu vực của bàn chân, tâm duyên theo sự cử động của bàn chân và  ý thức về sự di chuyển hay sự bước của chân. Sự cử động của chân là sự cử động của sắc pháp, và nhận biết sự cử động của chân là do tâm biết, đây là danh pháp.
4. Thiền đi không nhất thiết phải theo dõi hơi thở, vì không thể đặt tâm vừa ngay chỗ lòng bàn chân vừa ngay chỗ hơi thở. Không nên lạm dụng hơi thở và xem hơi thở là chánh niệm. Theo dõi hơi thở không phải là chánh niệm. Chánh niệm là nhận diện đơn thuần, không phán xét, không đặt ý niệm.
5. Thời gian ban đầu thực tập khoảng 15 phút, sau đó tăng thời gian thực tập lên, 20 phút, 30 phút hoặc nhiều hơn. Khi tâm suy nghĩ đến đối tượng khác ngoài việc theo dõi bước chân, niệm “phóng tâm à” cho đến khi buông bỏ đối tượng tâm phóng tới đó. Khi tâm đang thực tập mà khởi mong muốn kết thúc giờ đi thiền để nghỉ ngơi hay làm việc khác, hay mong muốn qua bài tiếp theo cho nhanh, niệm “móng tâm à” cho đến khi buông bỏ được sự mong muốn đó.
6. Thực tập đi thiền suốt ngày, từ việc đi từ nhà ra phố, từ chỗ để xe đến văn phòng làm việc, tử lên xuống cầu thang cho đến vào ra nhà vệ sinh. Bài thiền đi số 1 thích hợp cho thực tập ở mọi hoàn cảnh, kể cả việc đi chậm hay đi nhanh, nhưng dù chậm hay nhanh thì tâm cũng phải nhận biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét