Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Kinh Phước Điền


Kinh Phước Điền 

1. Tôi nghe như vầy, một thời Phật du hóa tại nước Xá Vệ, trong rừng Thắng, vườn cấp Cô Độc. Bấy giờ, cư sĩ Cấp Cô Độc đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi xuống một bên, thưa rằng, Bạch Thế Tôn, ở đời có bao nhiêu hạng người phước điền, người xứng đáng được cúng dường? 

2. Đức Thế Tôn dạy, Này cư sĩ, ở đời có hai hạng người phước điền hay người xứng đáng được cúng dường. Những hạng người nào là hai? Một là hạng học nhân, hai là hạng vô học nhân. Hạng học nhân là các bậc thánh dưới quả A La Hán vì vẫn còn phải học. Hạng vô học nhân là các bậc thánh đắc quả A La Hán, không cần phải học nữa. Hạng hữu học có mười tám và hạng vô học có chín. 

3. Này cư sĩ, mười tám hạng người hữu học là những ai? Là 3.1. tín hành hay tùy tín hành, 3.2. pháp hành hay tùy pháp hành, 3.3. tín giải thoát hay tín thắng giải, 3.4. kiến đảo hay kiến chí, 3.5. thân chứng, 3.6. gia gia là những vị chứng quả dự lưu, 3.7. nhất chủng là những vị chứng quả dự lưu chỉ tái sinh một lần trước khi đắc Niết bàn, 3.8. hướng Tu Đà Hoàn, 3.9. đắc Tu Đà Hoàn, 3.10. hướng Tư Đà Hàm, 3.11. đắc Tư Đà Hàm, 3.12. hướng A Na Hàm, 3.13. đắc A Na Hàm, 3.14. trung Bát Niết Bàn là nhập Niết Bàn ngay sau khi thác sinh lên Tịnh cư thiên hay Niết bàn thân trung hữu, 3.15. sinh Bát Niết Bàn là thác sinh Tịnh cư thiên một thời gian mới nhập Niết bàn, 3.16. hành Bát Niết Bàn là thác sinh thượng giới tinh tấn tu tập mới nhập Niết Bàn, 3.17. vô hành Bát Niết Bàn là không cần tinh tấn tu tập nữa, 3.18. thượng lưu sắc cứu cánh là lần lượt tái sinh qua các cõi từ sơ thiền cho đến tầng cao nhất của sắc giới và nhập Niết Bàn tại đó. 

4. Này cư sĩ, chín hạng người vô học là những ai? Là 4.1. tư pháp là mong cầu vô dư Niết Bàn cấp thời vì sợ thối thất, 4.2. thăng tấn pháp là có khả năng tiến tới bất động tánh, 4.3. bất động pháp là căn cơ mãnh lợi không bị chi phối bởi bất cứ duyên gì, 4.4. thối pháp là gặp nghịch duyên bị sụt xuống các bậc thánh thấp hơn, 4.5. bất thối pháp, 4.6. hộ pháp, 4.7. hộ tắc bất thối bất hộ tắc thối là do thủ hộ mà không bị thối thất, 4.8. thật trụ pháp là không bị chi phối bởi nghịch duyên để thối thất nhưng không tiến tới, 4.9. tuệ giải thoát, câu giải thoát. 

5. Khi ấy đức Thế Tôn nói bài kệ:
Học, vô học trong đời
Đáng tôn đáng phụng kính
Các ngài tu chánh thân
Miệng ý cũng chánh hạnh
Ruộng tốt cho tại gia
Cúng dường được phước lớn. 

6. Phật thuyết xong, cư sĩ Cấp Cô Độc và các Tỳ Kheo hoan hỷ phụng hành. 

(Kinh Phước Điền, Phẩm Đại, Kinh Trung A Hàm, Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm dịch Hán, Thích Tuệ Sĩ dịch Việt và hiệu chú)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét